Ký ức của ông có vô vàn những kỷ niệm đáng nhớ trên trận tuyến này; trong đó, có những chuyện bảo đảm hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ. Được nghe ông kể lại, chỉ một lần đã thấy khó quên…
Thiếu tướng Đặng Huyền Phương, nguyên Phó Chủ nhiệm, nguyên Tham mưu trưởng Tổng cục Hậu cần - Bộ Quốc phòng là người có bề dày kinh nghiệm về chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác bảo đảm hậu cần cho quân đội. Ký ức của ông có vô vàn những kỷ niệm đáng nhớ trên trận tuyến này; trong đó, có những chuyện bảo đảm hậu cần chiến dịch Điện Biên Phủ. Được nghe ông kể lại, chỉ một lần đã thấy khó quên…
Bộ Chính trị BCH TW Đàng quyết định chủ trương, kế hoạch tác chiến Đông - Xuân 1953 - 1954 và mở chiến dịch Điện Biên Phủ |
XIN CHO NỐI TIẾP CÂU HÒ
Vào một đêm đầu tháng 2/1954, Trung đội xe 13 thuộc Đại đội 204 (Cục vận tải - Tổng cục Hậu cần) qua khỏi đỉnh đèo Pha Đin thì gặp biển báo: “Ở đây còn bom nổ chậm” và một cái ba-ri-e chắn ngang đường. Nếu chờ đợi thì hàng không kịp lên phía trước. Nhưng nếu bom nổ, đường hỏng, xe ùn lại, địch đánh ngay.
Trung đội trưởng Đặng Huyền Phương trổ tài thuyết phục, được đồng chí gác đường mở ba-ri-e, các xe khẩn trương vượt qua. Bất ngờ, xe cuối cùng chệch vệt đường, sa lầy. Thời gian nhích dần tới giờ bom nổ… Tình hình thật gay cấn. Trung đội trưởng Phương chạy ngược trở lại chỗ chị em dân công ở bên kia ba-ri-e, yêu cầu ứng cứu. Lập tức, hơn chục cô lao thẳng tới xúm vào đẩy xe. Một câu hò được cất lên hồn nhiên và vô tư: “Chúng em là gái gùi thồ (hò lơ)!/ Gặp anh bộ đội Cụ Hồ - lái xe (hò dô ta này)”. Bánh xe nhích được 1 vòng. Một câu hò tiếp: “Thương anh nguy hiểm nặng nề (hò lơ)!/ Đánh xong (là xong) giặc Pháp, nhớ về (là về) thăm em (hò dô ta này)”. Lập tức, xe chồm lên vượt qua bãi lầy, rồ ga. Đúng lúc xe ra khỏi khu vực nguy hiểm để tiếp tục lên phía trước, các cô dân công cũng đã kịp ngược trở về chỗ cũ thì một tiếng bom nổ vang động cả núi rừng…
Nay đã hơn 55 năm, các anh Bộ đội Cụ Hồ lái xe và các em dân công gùi thồ phục vụ chiến dịch Điện Biên năm ấy đều đã qua tuổi cổ lai hy mà lời hẹn “Đánh xong giặc Pháp, nhớ về thăm em” vẫn chưa thực hiện được. Vì lúc đó quá khẩn trương “Anh” không kịp hỏi họ, tên, quê quán các “Em”. Đành chịu. Nhưng kỷ niệm ấy thì không bao giờ quên được. Vậy, xin cho được nối tiếp câu hò: “Cổ lai hy, tóc pha sương (hò lơ)/ Không quên (là quên) kỷ niệm, trên đường (là đường)… Pha Đin (hò lơ).
LÁI XE MỘT CẦU QUA PHÀ TẠ KHOA
Chuẩn bị cho mở màn chiến dịch Trần Đình, trong một chuyến vận chuyển, Trung đội trưởng Đặng Huyền Phương vừa chỉ huy Trung đội, vừa lái chiếc xe Gat 51 (thay một đồng chí chiến sĩ thi đua về Cục vận tải dự họp tổng kết năm 1953) chở đầy xăng. Tiếp cận phà Tạ Khoa thì gặp bất trắc: “Lệnh trên không cho xe một cầu qua phà đi lên phía trước vì đường sá không đảm bảo an toàn cho xe một cầu hoạt động”. Xe đầy xăng, máy bay địch lùng sục bắn phá. Lòng như lửa đốt…
Thuyết phục đến 15 phút, cán bộ binh trạm thường trực bến phà vẫn không chấp nhận cho xe qua. Lệnh trên mà. Cuối cùng, hai bên thống nhất là phải lập biên bản, Trung đội trưởng Phương phải ký vào để chịu trách nhiệm về mọi điều xảy ra.
Kết quả là, chuyến xe đó đến nơi giao hàng đầy đủ và an toàn tuyệt đối. Quay trở về, gặp lại, bắt tay nhau, thống nhất hủy biên bản đã ký. Đồng chí thường trực bến phà tâm sự đầy thông cảm: “…Kết quả xe một cầu lên phía trước của các đồng chí là cơ sở để binh trạm báo cáo lên cục xem xét…”.
Hơn một tuần sau thì đã có lệnh cho các loại xe một cầu được vượt qua phà Tạ Khoa lên tuyến trước.
ĐẬM ĐÀ TÌNH BẠN
Chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, Trung đội xe 13 tham gia di chuyển quân, thu dọn chiến trường, thu dung thương binh, bệnh binh và vận chuyển tù - hàng binh Pháp ở Điện Biên Phủ về để sau đó trao trả…
Dạo cuối tháng 5, khi Trung đội 13 vừa bàn giao xong số tù binh, hàng binh về cho trại tập trung ở Bắc Tuyên Quang, về đến cây số 5 trên đường đi Phú Thọ thì trời mưa to, ngập 30cm. Sẩm tối. Một chiếc xe con đi ngược chiều cũng dừng lại. Người từ trên xe con bước xuống có giọng nói không được suôn sẻ lắm: “Chúng tôi là bộ đội Pa Thét Lào sang Việt Nam từ mấy hôm nay, không may gặp lụt ở đây, đề nghị các đồng chí giúp đỡ”. Trung đội trưởng Phương đang nghĩ cách tốt nhất để giúp bạn thì người kia, có lẽ là hiểu lầm, nên thổ lộ: “Trên xe chúng tôi có đồng chí cán bộ cao cấp của Mặt trận Dân tộc giải phóng Lào. Xe chúng tôi sàn thấp hơn xe vận tải của các đồng chí. Mong các đồng chí thông cảm”. Trung đội trưởng Phương vội bảo anh em chuẩn bị một xe thật sạch sẽ để mời đồng chí cán bộ cao cấp của bạn sang nghỉ… 6 giờ sáng hôm sau nước đã rút, xe bạn và xe ta tiếp tục lăn bánh. Giờ phút chia tay hôm ấy thật đậm đà tình nghĩa, đặc biệt là tình cảm xúc động của đồng chí cán bộ cao cấp Lào – một người nói tiếng Việt rất rành mạch…
Năm 1981, Trung đội trưởng Trung đội xe 13 ngày ấy đã là một cán bộ cao cấp của Quân đội nhân dân Việt Nam, tham gia đoàn Bộ Tư lệnh Quân tình nguyện Việt Nam sang Viêng Chăn làm việc với Bộ Quốc Phòng Lào. Nhìn ảnh đồng chí Chủ tịch nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào treo trên lễ đài, ông vô cùng hồi hộp: “Ôi! Chủ tịch Xuphanuvông! Chúng tôi đã vinh dự được đồng chí sang ngủ nhờ xe đêm hôm ấy!”. Qua tìm hiểu, ông được biết, ngày ấy, Hoàng thân Xuphanuvông sang Việt Nam để bàn bạc về một số vấn đề liên quan đến việc ký kết hiệp định Giơ-ne-vơ sau đó.
Giờ đây, Thiếu tướng Đặng Huyền Phương sinh sống tại thành phố Hồ Chí Minh. Những kỷ niệm về Điện Biên Phủ vẫn tươi rói trong ông.
PHẠM XƯỞNG