Ông là Lại Thế Cần, Giám đốc Công ty TNHH Chè Ôlong Tam Dương, con ruột của ông Cai Liêm, một trong những ông “cai” đồn điền chè có tên tuổi vào đầu thập niên 40 tại B’Lao thời Pháp thuộc.
Ông Lại Thế Cần |
Trong lần tâm sự với Thạc sĩ Nguyễn Đức Thiết - Hiệu phó Trường Cao đẳng Công nghệ và Kinh tế Bảo Lộc về việc đi tìm những người B’Lao thuộc thế hệ thứ hai đã thành công từ nghề chè, nhân ngày nghỉ, ông vui vẻ lái chiếc Zace chở tôi đi huyện Bảo Lâm để gặp gỡ một nhân vật mà ông rất kính trọng.
Tiếp chúng tôi tại khu nhà xưởng chế biến chè Ôlong tọa lạc trên đỉnh đồi gần dốc B40 thuộc xã Lộc Quảng, là một người đàn ông gần 60 tuổi với thân hình vạm vỡ cao lớn, tóc bạc, da ngăm đen. Ông tên là Lại Thế Cần, Giám đốc Công ty TNHH Chè Ôlong Tam Dương, con ruột của ông Cai Liêm, một trong những ông “cai” đồn điền chè có tên tuổi vào đầu thập niên 40 tại B’Lao thời Pháp thuộc.
Người Pháp đã lập ra các đồn điền trồng chè dọc theo quốc lộ 20. Đến năm 1925, tại B’Lao đã có 2.170 ha chè. Điều ấy có nghĩa là nghề chè tại B’Lao đã có bề dày 80 năm. Trong đó, ông Cai Liêm gần như được trải nghiệm cả đời mình với cây chè tại vùng đất hoang sơ này. Ông Cai Liêm tên đầy đủ là Lại Thế Liêm, sinh năm 1917 tại Nam Định, đi phu vào Nam năm 1939, rồi về B’Lao làm việc cho Trung tâm Thực nghiệm cây giống của Pháp từ năm 1943. Ông Liêm không những thông thạo tiếng Pháp mà còn sử dụng tốt tiếng đồng bào K’Ho trong quan hệ giao tiếp. Ông Cai Liêm gắn duyên nợ với chè B’Lao cho đến ngày đất nước thống nhất. Con trai ông Cai Liêm, ông Lại Thế Cần sinh ra ở Thiện Sơn (nay là Lộc Sơn – Bảo Lộc) và lớn lên gần như đồng hành với sự thăng trầm nghề chè của bố. Ngay từ tuổi thơ, của ông Cần đã gắn bó với nghiệp chè của gia tộc.
Ông Lại Thế Cần yêu B’Lao đến kỳ lạ. Ông có thể kể vanh vách sự kiện từng con đường đất, từng đồi chè cũng như từng ông chủ đồn điền đã từng thành công và thất bại trên vùng đất B’Lao. Có thể nói dải đất nam cao nguyên này, nơi đâu cũng đầy ắp kỷ niệm vương vấn từ ông bà nội đến bố mẹ và thời thơ ấu của ông. Đất và chè B’Lao đã trở thành máu thịt của ông.
Sau ngày đất nước thống nhất, đất trồng chè chuyển sang công hữu và sở hữu tập thể, ông chuyển sang làm xà phòng (mang tên xà bông B’Lao, với nhãn hiệu 3 cây thông), rồi chuyển sang nuôi heo, làm việc cho Công ty Lâm sản... Với ý chí vươn lên, ông vừa làm vừa học, rồi tốt nghiệp đại học kinh tế để chuẩn bị cho con đường đi lên bằng trí tuệ. Vào thời bao cấp, cho dù làm việc gì để kiếm sống, nhưng khi có dịp đi ngang vườn chè, ông vẫn đau đáu mong được trở về nghề của gia tộc mình như một khát vọng cháy bỏng đời người.
Sau năm 1990, tỉnh Lâm Đồng cho phép các tổ chức và cá nhân nước ngoài được tham gia đầu tư nghề chè. Hầu hết các doanh nghiệp như Nhật, Trung Quốc, Đài Loan đều chỉ thuê đất để xây dựng nhà xưởng và trồng chè Ôlong. Là dân có “gốc” làm chè chuyên nghiệp, ông Cần luôn trăn trở tại sao các nhà đầu tư này chỉ quan tâm đến loại trà Ôlong? Việc chế biến và thị trường tiêu thụ khác với loại trà truyền thống “một tôm hai tép” của Việt Nam như thế nào? Vào thời điểm đó, mặt hàng trà Ôlong tại Lâm Đồng chưa phổ biến. Tuy vậy, để tiếp cận loại hàng hóa mới này, ông Lại Thế Cần bắt đầu lao vào tìm hiểu, nghiên cứu. Ngày ấy. chưa có mạng internet toàn cầu, ông phải tự thân lặn lội tìm tư liệu trong và ngoài nước. Hiện nay, trong nhà xưởng của ông có cả một “thư viện” đến vài ngàn đầu sách về nghề chè bằng tiếng Việt, Hoa, Anh và Pháp. Từ kiến thức của nhân loại về trà Ôlong, ông xác định việc từ chọn giống, phân loại đất, trồng, chăm sóc… đến chế biến và thị trường tiêu thụ. Ông Cần tâm niệm, muốn làm nghề gì phải trở thành chuyên gia về nghề đó và biết tìm kiếm các nguồn lực từ vô hình đến hữu hình để làm đòn bẩy kích hoạt.
Nhà xưởng của Công ty Tam Dương |
Trà Ôlong xuất hiện đầu tiên tại Trung Quốc cách đây 400 năm, nhưng chỉ dùng để phục vụ cho hoàng tộc và quan lại. Trà Ôlong (tiếng Anh là Black dragon brown tea) xuất hiện tại Việt Nam từ sau cuối những năm 80, được trồng từ Mộc Châu, Hà Giang, Lào Cai… Giống do người Đài Loan mang đến. Nhưng tại Lâm Đồng, loại trà này phát triển tốt và có vị rất đặc trưng đúng với nguồn gốc. Đây là loại trà chất lượng cao, trị được nhiều thứ bệnh, hương vị tự nó tỏa ra sau khi ủ theo một quy trình kỹ thuật, chứ không cần phải thêm phụ liệu. Trung bình mỗi ha chè cho thu nhập 200 triệu đồng/năm, cao gấp nhiều lần loại trà truyền thống ở địa phương. Nếu giống chè mua tại Đài Loan và được trồng theo một quy trình nghiêm ngặt, năng suất 1 ha từ 12 đến 15 tấn tươi/năm (giá 1kg tươi là 1đôla). Hiện nay, Lâm Đồng chỉ có 1.500 ha chè Ôlong, chiếm 6% diện tích chè toàn tỉnh và phần lớn là của các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
Là người xuất thân từ một gia đình có bề dày về nghề chè, ông Cần trăn trở xem xét thị trường giữa nội tiêu, ngoại tiêu và đã quyết định chuyển sang trồng chè giống mới này. Dựa vào năng lực kinh tế và kiến thức nghề nghiệp hiện có, năm 2003, ông chọn xã Lộc Quảng, nơi vùng đất đồi, khô thoáng để trồng thực nghiệm 4 ha loại thảo mộc này. Ông tập hợp vài người có chút ít kinh nghiệm với nghề chè vào làm việc. Những công nhân này được ông khoán quỹ lương và quản lý lao động theo cung cách của các công ty Nhật. Và, kết quả cuối cùng về năng suất và chất lượng trà đạt được như ông mong đợi. Đến năm 2005, Trung tâm Thực nghiệm chè Lâm Đồng đã sản xuất được giống trà Ôlong chất lượng không kém gì Đài Loan. Việc nghiên cứu thành công giống trà mới của Lâm Đồng, đã chắp cánh cho ông Cần phát triển mạnh hơn theo xu thế “hàng Việt Nam chất lượng cao”.
Để giữ uy tín mặt hàng của mình, ông Cần cùng với công nhân có mặt hàng ngày trên đồi chè, cả chủ và thợ cùng mặc những bộ quần áo xanh bạc màu lặng lẽ làm việc giữa đồi cao với những ước mơ lớn. Đến năm 2010, Công ty TNHH Chè Ôlong Tam Dương đã trồng được 50 ha chè, với sản lượng 500 tấn búp tươi/năm. Để quản lý đến sản phẩm cuối cùng của mình, năm 2011, ông Cần xây dựng khu nhà xưởng bề thế ngay tại đồn điền chè của mình, với diện tích gần 3.000 m2. Đó là một trong số không nhiều lắm những nhà máy chè Ôlong tư nhân của người B’Lao sinh ra trên quê hương mình.
Tâm sự với chúng tôi ông Lại Thế Cần vui vẻ: “Hội nhập kinh tế thị trường, trong các kiểu thua, thua ngay trên sân nhà là “đau” nhất. Người B’Lao mình đã có gần 80 năm nghề chè mà “chào” thua với những người tập tễnh vào cuộc thì buồn lắm! Ít ra, chè Ôlong của dân bản xứ cũng phục vụ được 40 triệu người Việt Nam uống trà hiện nay. Trong tương lai, Công ty Tam Dương sẽ góp phần nhỏ trong việc nâng cao hàng xuất khẩu nội địa.
TRẦN ĐẠI