Người bệnh binh mẫu mực với ý tưởng góp cà phê xây nhà cho người nghèo

02:05, 22/05/2012

Không chỉ là “đầu tàu” trong công tác xã hội và nuôi dạy con cái, còn có nhiều đóng góp cho hoạt động xã  hội tại địa phương.

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế gia đình, bệnh binh Phạm Xuân Mạc (thôn 12, xã Lộc Thành, huyện Bảo Lâm) còn quan tâm giúp đỡ nhau xây dựng cuộc sống.

Ông Phạm Xuân Mạc chăm sóc cà phê
Ông Phạm Xuân Mạc chăm sóc cà phê


Ông Phạm Xuân Mạc hiện là cán bộ lao động thương binh xã hội của xã Lộc Thành. Tuy ở tuổi 57, và là bệnh binh 2/3, nhưng ông rất năng nổ trong công việc. Giải quyết chế độ chính sách liên quan đến người có công, hộ nghèo, nạn nhân chất độc da cam là công việc thường nhật của ông. Bản thân ông cũng nằm trong diện đó, nên ông thấu hiểu tâm tư, nguyện vọng của bà con, nhất là những hoàn cảnh không may cần sự giúp đỡ của cộng đồng. Theo ông Nguyễn Quang Trí - Phó Chủ tịch UBND xã Lộc Thành, dù đảm đương công việc gì tại xã, ông Mạc cũng hoàn thành tốt.

Tham gia chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Năm 1986, ông rời quân ngũ trở về với thương tật 65%. Sau đó, ông đưa vợ con từ vùng quê Quỳnh Lưu (Nghệ An) vào Lộc Thành lập nghiệp. Tài sản ông mang theo chỉ đủ để mua hơn 2 ha vườn.

Những ngày đầu lập nghiệp, vừa thiếu vốn đầu tư vừa thiếu kinh nghiệm sản xuất, nên kinh tế gia đình gặp nhiều khó khăn. Ấy vậy mà ông cùng vợ, bà Ngô Thị Minh, vẫn quyết tâm làm để lo cho 4 đứa con đang tuổi ăn, tuổi học. Có những lúc vợ chồng ông phải bán vườn, vay mượn tiền của ngân hàng để đầu tư cho con tiếp tục học. Ông Mạc tâm sự: “Con cái học thành tài chính là tài sản quý giá nhất mà vợ chồng tôi đã tạo lập được”. Hiện, người con gái đầu là chị Phạm Thị Hương, đã tốt nghiệp Trường Cao đẳng Sư phạm Đà Lạt, đang công tác tại huyện Bảo Lâm. Người con thứ hai, chị Phạm Thị Huyền, đã tốt nghiệp Đại học Tài chính Kế toán và đang làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Người con trai Phạm Xuân Hưng hiện là sĩ quan chuyên nghiệp đang công tác tại Cơ quan Quân sự huyện Đạ Tẻh. Con trai út Phạm Xuân Hiếu hiện là sinh viên năm thứ 4 Trường Đại học Tài chính Kế toán thành phố Hồ Chí Minh.

Không chỉ là “đầu tàu” trong công tác xã hội và nuôi dạy con cái, ông Mạc còn có nhiều đóng góp cho hoạt động khuyến học. Hiện nay, ông làm Trưởng Chi hội Khuyến học dòng họ Phạm ở Lộc Thành. Thành lập từ năm 1999, đến nay, Chi hội Khuyến học đã có 35 gia đình tham gia. Đây chủ yếu là những gia đình đi kinh tế mới với nhiều khó khăn khi mới vào đây lập nghiệp. Hàng năm, mỗi gia đình trong Hội tự nguyện đóng góp từ 300 đến 500 nghìn đồng để động viên khen thưởng kịp thời cho các em học sinh chăm ngoan, học giỏi và đạt thành tích cao trong học tập. Không chỉ vậy, Hội khuyến học dòng họ Phạm còn đóng góp cà phê để lần lượt giúp đỡ nhau xây dựng nhà cửa. Ý tưởng này do ông Mạc đề xướng và đến nay hầu hết các gia đình đã có nhà kiên cố.

Ông Mạc cho biết: Ban đầu, trong Hội chỉ có 18 hộ nhưng nhà cửa đều lụp xụp. Tôi đã đề xuất ý kiến mỗi năm một gia đình đóng góp 1,5 tấn cà phê để giúp 3 hộ khó khăn nhất trong Hội làm nhà. Quy định bắt buộc là các hộ phải sử dụng số tiền này để làm nhà chứ không được sử dụng vào mục đích khác. Hộ nào khó khăn quá chưa đủ tiền làm nhà thì anh em hỗ trợ thêm. Nhờ làm theo cách này, trong 5 năm (từ năm 1999 - 2005), 18 hộ trong Hội đã xây được nhà khang trang.

Với Huân chương Chiến sĩ vẻ vang hạng nhì, hạng ba; Huân chương Chiến công hạng ba; Huy hiệu 30 năm tuổi Đảng và Bằng khen của UBND tỉnh Lâm Đồng (trong phong trào đền ơn đáp nghĩa và công tác dân số, gia đình, trẻ em)... chính là những động lực để người bệnh binh Nguyễn Xuân Mạc tiếp tục phấn đấu và cống hiến xây dựng gia đình và quê hương ngày càng giàu đẹp.

Đông Anh