“Người dẫn đường” cho buôn làng theo Đảng

03:05, 02/05/2012

Không phải chức vụ được bổ nhiệm cũng chẳng phải qua việc bầu chọn, thế nhưng những già làng ở vùng đất Nam Tây Nguyên này vẫn đang hết mình trong việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”…

Đó là tâm nguyện của nhiều già làng ở Lâm Đồng mà chúng tôi được gặp. Không phải chức vụ được bổ nhiệm cũng chẳng phải qua việc bầu chọn, thế nhưng những già làng ở vùng đất Nam Tây Nguyên này vẫn đang hết mình trong việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” với một mong muốn cho đồng bào mình luôn tin và nghe theo Đảng để mọi buôn làng ngày càng bình yên, ấm no, vui hơn.

Các già làng dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết Tâm thư già làng Tây Nguyên
Các già làng dự Hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Quyết Tâm thư già làng Tây Nguyên


Lo cho buôn làng ... vui lắm

Già làng Kră Jăn Ha Đời ở xã Đa Sar (huyện Lạc Dương) đã bộc bạch như thế khi chúng tôi hỏi về công việc của một già làng hiện nay. Tuy đã ở tuổi 68 nhưng trông già Ha Đời vẫn rắn chắc, khỏe khoắn như tuổi 50. “Mình làm việc nhiều, luôn sống vui vẻ và được bà con tin tưởng nên nó khỏe thôi mà” - Già bảo thế và hồ hởi kể cho chúng tôi nghe những việc “tự thân” của mình trong vai trò là một già làng. Trong đó nổi bật nhất là việc gương mẫu vận động các gia đình cho con em đi học, khuyến khích lũ trẻ đến trường. Tất cả con của già đều học hết lớp 12, trong đó có 3 đứa đã học xong đại học rồi về làm cán bộ xã, cán bộ huyện. Theo gương gia đình già, nhiều con em trong buôn làng cũng thi nhau học tốt, học lên đến đại học. Già cũng “khoe” rằng hằng ngày luôn vận động đồng bào mình tin, nghe theo Đảng và thành tích nổi bật trong năm vừa qua là già cùng các già làng khác trong xã đã vận động đưa được 25 hộ đồng bào từ vùng đất khó khăn Liêng Tro về khu định canh định cư tại Da Rum để đồng bào có cuộc sống tốt hơn, không phải phá rừng làm rẫy…

Chú trọng nhiều về kinh tế, già làng K’Beo, người K’ho ở xã Liên Đầm (huyện Di Linh) là tấm gương sáng về việc phát triển kinh tế gia đình cũng như vận động đồng bào trong các thôn buôn cùng nỗ lực làm giàu. Liên Đầm có hơn 10 nghìn nhân khẩu thì đồng bào dân tộc K’ho chiếm hơn 48%. Với sự quan tâm của địa phương, gần 40 già làng trong xã cùng gia đình mình đã thi đua nhau làm gương cho đồng bào, vận động, giúp đỡ những hộ khó khăn suốt nhiều năm qua. Và nhờ đó, đồng bào không còn ỷ lại vào Nhà nước, nỗ lực vươn lên. Đến nay kinh tế của đồng bào K’ho trong xã đã khởi sắc nhiều. Cụ thể hộ nghèo còn rất ít, cả xã có 200 hộ giàu và khá, 500 hộ có nhà kiên cố, 200 hộ có thu nhập hằng năm trên 100 triệu đồng, 100% hộ có tivi, xe gắn máy, 48 hộ có máy cày phục vụ sản xuất…

Ở một vùng đồng bào dân tộc như xã Đạ Quynh (huyện Đức Trọng) - nơi có 95% đồng bào dân tộc trong xã (hầu hết là người Chu Ru) theo đạo Công giáo, Tin lành… thì việc mà già làng Ya Bá quan tâm nhiều nhất lại là vận động đồng bào sống “tốt đời, đẹp đạo”. Già Ya Bá cho biết, trong cuộc sống thường nhật, già luôn cố gắng giữ mình là tấm gương và thông qua từng việc cụ thể để vận động con cháu trong gia đình, dòng tộc cũng như mọi người khác sống không chỉ là con chiên ngoan đạo theo tín ngưỡng của mình mà trước hết phải là một công dân mẫu mực. Già luôn tích cực ủng hộ mọi hoạt động của Đảng, Nhà nước nhằm thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, không nghe kẻ xấu mà làm ảnh hưởng đến sự bình yên của buôn làng, cuộc sống đang tốt đẹp của đồng bào.

Còn đó là rất nhiều già làng nữa đang là tấm gương sáng, “người dẫn đường” theo Đảng rất được bà con trong các buôn làng kính trọng, noi theo như các già làng: K’Brít, K’Đếu… ở Di Linh, Rơ Ông Ha Tang, Kơ Sa Blis… ở Lạc Dương, Nơ Bon Ha Yum ở Lâm Hà, Điểu K’Keng ở Cát Tiên, Touprông Dung ở Đơn Dương, K Broi ở Đạ Huoai… Dù nhiều người tuổi rất cao nhưng tất cả đều tích cực tham gia công tác Mặt trận, tham gia nói cho “lũ làng nghe cái bụng tốt của Đảng, của Nhà nước” và từ đó “vận động đồng bào mình theo Đảng để xây dựng buôn làng bình yên, giàu có như đã theo Đảng làm cách mạng của mấy mươi năm trước” - như lời già Kră Jăn Ha Đời tâm sự.

Mong được quan tâm nhiều hơn...

Quan tâm ở đây là quan tâm chung cho đồng bào dân tộc chứ không phải mong cho già làng đâu nhé - Già làng Kră Jăn Ha Xuyên (dân tộc M’ Nông ở huyện Đam Rông) vui vẻ “định hướng” cho chúng tôi.

Điều mà các già làng mong muốn đó chính là làm sao lời nói của mình không phải là lời động viên suông mà là “nói theo cấp có thẩm quyền và rồi sẽ có” để đồng bào tin hơn. Già Kră Jăn Ha Đời đưa ra ví dụ đó là già vận động đồng bào không phá rừng, từ đó Nhà nước sẽ cho đồng bào giữ rừng có trả công để tăng thu nhập. Ngay sau đó đồng bào được giao khoán quản lý bảo vệ rừng và tiền đó nay tăng cao hơn trước nữa nên khi vận động việc khác đồng bào trong các buôn làng đã tin tưởng nhiều, nghe theo vì “Già làng nói thật, Nhà nước làm thật” chứ không hứa suông.

Già Kră Jăn Ha Xuyên mong muốn việc làm cho con em đồng bào học xong đại học, cao đẳng... được quan tâm nhiều hơn nữa để các cháu này có công việc mà việc vận động đồng bào cho con em đến trường cũng sẽ thuận lợi hơn. Già Mbon Ha Jun ở xã Mê Linh - huyện Lâm Hà lại đề đạt ý nguyện của đồng bào là vẫn còn một số gia đình khó khăn về nhà ở, mong Đảng, Nhà nước tiếp tục quan tâm.

“Bằng uy tín và kinh nghiệm của mình, các già làng đã góp phần quan trọng vào việc củng cố khối đại đoàn kết các dân tộc, vận động bà con giúp nhau phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, xây dựng đời sống văn hóa, phát huy những phong tục tập quán tốt đẹp, đấu tranh với những hành vi vi phạm pháp luật, những luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch” - Ông Đàm Xuân Đêu, Phó Chủ tịch UBMT Tổ quốc Việt Nam tỉnh khẳng định.

Già làng - tuy chẳng phải là một người được bổ nhiệm hay bình bầu nhưng là một “thành phần” có vị thế xã hội trong các buôn làng. Với tuổi tác, kinh nghiệm và uy tín của mình, những “cây cổ thụ” này - trong đó có nhiều người là lão thành cách mạng, là đảng viên Đảng Cộng sản... luôn được đồng bào kính phục, được Đảng, Nhà nước xem trọng. Họ đã và đang phát huy tốt vai trò “người dẫn đường cho đồng bào theo Đảng” để xây dựng buôn làng no ấm như đã dẫn đường đồng bào đi theo Đảng trong hai cuộc kháng chiến của dân tộc.

PHAN VĂN ĐÔNG