Nợ khó đòi ở Làng hoa Thái Phiên

02:05, 06/05/2012

Sau 4 tháng bán hàng vạn chậu hoa cúc các loại phục vụ Festival Hoa Đà Lạt 2012, Làng hoa Thái Phiên đang trở thành chủ của khoản nợ khó đòi với hàng trăm triệu đồng.

Sau 4 tháng bán hàng vạn chậu hoa cúc các loại cho Công ty Dahara phục vụ Festival Hoa Đà Lạt năm 2012, Làng hoa Thái Phiên đang trở thành chủ của khoản nợ khó đòi với hàng trăm triệu đồng.

Ông Nguyễn Đăng Hiến, Chủ nhiệm HTX Hiệp Lực, Thái Phiên, Đà Lạt trình bày với phóng viên: Tháng 8/2011, HTX Hiệp Lực đã ký hợp đồng với Công ty TNHH Dahara, Đà Lạt để sản xuất 20 ngàn chậu hoa cúc nhiều màu sắc, tổng giá trị khoảng 200 triệu đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng từ khi trồng đến khi thu hoạch giao đủ 20 ngàn chậu hoa cúc là 75 ngày. Đây là số hoa phục vụ cho việc trang trí các không gian hoa ở Đồi Cù, ven hồ Xuân Hương và các đường phố hoa phục vụ cho Festival Hoa Đà Lạt năm 2012. Người đứng đại diện ký hợp đồng bên tiêu thụ hoa (bên A) là ông Lê Thành Văn - Giám đốc Công ty Dahara, Đà Lạt. Đại diện bên B là ông Hồ Ngọc Dinh, Chủ tịch Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt và ông Nguyễn Đăng Hiến (Chủ nhiệm HTX Hiệp Lực) với tư cách là chủ hộ gia đình đưa vào 1.800 mét vuông đất để sản xuất hoa cúc.

Đi vào triển khai hợp đồng, HTX Hiệp Lực đã huy động 15 xã viên cùng góp vốn, góp giống, góp công… với cam kết sản xuất hoa cúc đạt chất lượng hoa đẹp, lâu tàn, giao hoa trước ngày khai mạc Festival Hoa Đà Lạt năm 2012. Phía Công ty Dahara tạm ứng cho xã viên HTX Hiệp Lực 20 ngàn chậu nhựa với kích thước 20cm x 15cm, trị giá 40 triệu đồng, sẽ khấu trừ ngay sau khi nhận chậu hoa và thanh toán.
 

Hoa cúc HTX Hiệp Lục trang trí tại Không gian hoa Đồi cù Đà Lạt.
Hoa cúc HTX Hiệp Lục trang trí tại Không gian hoa Đồi cù Đà Lạt.

Cùng thời điểm này, so sánh với hợp đồng cung cấp hoa cúc chậu các loại ra Hà Nội, xã viên HTX Hiệp Lực bán cho Công ty Dahara, Đà Lạt với giá thấp hơn mỗi chậu 10 ngàn đồng. “Vì Làng hoa Thái Phiên là làng nghề của phố hoa Đà Lạt, xã viên HTX Hiệp Lực là người trồng hoa ở Thái Phiên, nên đã sẵn lòng đặt mục tiêu phục vụ lễ hội quảng bá thương hiệu hoa Đà Lạt lên hàng đầu; sau đó mới tính toán lời - lỗ…” - Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Hiến khẳng định.

Và thực tế với 1.800 mét vuông nhà kính sản xuất, kinh doanh các loại giống rau, hoa cấy mô chất lượng cao của ông Hiến lúc này cũng phải tạm ngưng để bố trí sản xuất hoa cúc cho Festival Hoa 2012.

Trong lúc không khí lao động sản xuất của 15 xã viên HTX Hiệp Lực khá tích cực, khẩn trương, thì bất ngờ thiên tai ập đến. Cơn lũ vào giữa tháng 9/2011 đã dâng cao lên đến cả mét nước, tràn vào 1.800 mét vuông sản xuất, cuốn trôi về phía khu vực hạ lưu hồ Xuân Hương tất cả 30 ngàn chậu hoa giống (xã viên sản xuất thêm 10 ngàn chậu hoa theo lời thoả thuận miệng với Công ty Dahara). Tổng giá trị thiệt hại gồm 15 triệu đồng tiền giống, 30 triệu đồng giá thể xơ dừa và tro trấu, 60 triệu đồng tiền chậu… Chia sẻ với thiệt hại của 15 xã viên HTX Hiệp Lực, Thái Phiên, Công ty Dahara cũng đã xuống tận nơi động viên, tạm ứng thêm 20 triệu đồng để bà con sản xuất lại, đồng thời hứa tăng giá thu mỗi chậu thêm 2 ngàn đồng. Cùng lúc này còn có đại diện lãnh đạo Trung tâm Văn hoá tỉnh Lâm Đồng, lãnh đạo Hiệp hội hoa Đà Lạt và chính quyền, đoàn thể nông dân phường 12… vận động bà con xã viên sản xuất hoa cúc trở lại, bởi lứa hoa cúc sản xuất thu hoạch lần thứ 2 này tính đến thời điểm diễn ra Festival Hoa Đà Lạt thì có chậm hơn, nhưng chưa phải đã muộn.

“Lại hướng đến mục tiêu quảng bá hoa cho Festival Hoa Đà Lạt năm 2012, nên 15 xã viên HTX chúng tôi đã nhanh chóng lấy lại tinh thần, triển khai sản xuất lại hoa cúc chậu ngay sau thời điểm bị thiệt hại trắng…” - Chủ nhiệm Nguyễn Đăng Hiến kể lại. Lần này, ông Trần Minh Hiền, Phó Chủ nhiệm HTX Hiệp Lực phải “hy sinh” 1.800 mét vuông ớt ngọt nhà kính đang thu hoạch ở khu phố Lâm Viên, Đà Lạt để trồng mới 21 ngàn chậu hoa cúc. Diện tích đất ở đây nằm ở vị trí cao hơn diện tích đất sản xuất trước đó, chắc chắn sẽ không lo bị lũ quét nếu xảy ra lần nữa. Phần xã viên mỗi người ứng trước 1 triệu đồng để góp vào chi phí bồi dưỡng ăn uống làm thêm giờ nghỉ trưa, nghỉ chiều tối…

Rồi ngày thu hoạch 21 ngàn chậu hoa cũng đã đạt theo yêu cầu tiến độ và yêu cầu kỹ thuật của Công ty Dahara Đà Lạt. HTX ứng thêm 20 triệu đồng thuê nhân công chuyển hoa thu hoạch từ vườn lên đường lớn cách 100 mét để xe tải vận chuyển đến các không gian hoa của Đà Lạt. Đồng thời, HTX Hiệp Lực ứng tiếp 10 triệu đồng để thuê thêm 2 xe tải khác, cùng với 2 xe tải của Công Ty Dahara Đà Lạt, chạy cả ngày liên tục đến 21 giờ, 22 giờ đêm, kịp chở hoa cúc thu hoạch tập kết đến các không gian hoa trong thành phố. Nhờ vậy với 21 ngàn chậu cúc nhiều màu của xã viên HTX Hiệp Lực, Thái Phiên đã kịp đua sắc giữa ngàn vạn màu dáng hoa của Đà Lạt trước giờ khai hội Festival Hoa Đà Lạt năm 2012.

Nếu không kể 30 ngàn chậu hoa cúc mất trắng ở lần sản xuất đầu, thì 21 ngàn chậu hoa cúc đạt yêu cầu thu hoạch, được HTX Hiệp Lực chuyển bán cho Công ty Dahara Đà Lạt với tổng giá trị hơn 324 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay đã hơn 4 tháng bế mạc Festival Hoa Đà Lạt năm 2012, Công ty Dahara Đà Lạt đã tìm mọi cách né tránh, rồi chuyển văn phòng làm việc, tắt máy liên lạc nhằm trì hoãn việc thanh toán toàn bộ số tiền bán hoa của HTX Hiệp Lực.

Được biết, Hội Nông dân phường 12, Đà Lạt đã nhiều lần kiến nghị các cơ quan thẩm quyền của thành phố Đà Lạt để can thiệp, giúp xã viên HTX Hiệp Lực, Thái Phiên thu được khoản nợ bán hoa cúc hàng trăm triệu đồng này, nhưng đến đầu tháng 5/2012 vẫn chưa có kết quả hồi âm.

VĂN VIỆT