Suy dinh dưỡng trẻ em và khoảng cách vùng miền

03:05, 31/05/2012

Sự phân hóa giàu - nghèo không liên quan gì đến sự mập béo - gầy ốm của con người, chỉ có tình trạng no đủ hay thiếu thốn dưỡng chất quyết định khoảng cách tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE).

Sự phân hóa giàu - nghèo không liên quan gì đến sự mập béo - gầy ốm của con người, chỉ có tình trạng no đủ hay thiếu thốn dưỡng chất quyết định khoảng cách tỉ lệ suy dinh dưỡng trẻ em (SDDTE).

Theo dõi cân nặng của trẻ em ở xã Đạ Ròn (Đơn Dương)
Theo dõi cân nặng của trẻ em ở xã Đạ Ròn (Đơn Dương)


Nơi có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thấp nhất của Lâm Đồng là Đà Lạt, có những phường có rất ít trẻ em suy dinh dưỡng, đó là Phường I: 7,98% và Phường II: 8,22%. Nhưng Lâm Đồng vẫn còn những nơi có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng rất cao như ở huyện Lạc Dương có 2 xã Đạ Chairs: 36,4%; Đa Nhim: 30,9% và huyện Đam Rông có xã Đạ Mrông: 31,03%.

BS Đỗ Văn Luân - Giám đốc Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản Lâm Đồng, cơ quan đang triển khai chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của tỉnh nhận định: Tác động rõ rệt của sự phát triển kinh tế - xã hội và tỉ lệ SDDTE, mức sống còn chênh lệch giữa các vùng miền, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn của tỉnh có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao. Mạng lưới phòng chống SDDTE có tổ chức dạy nấu ăn, hướng dẫn các bà mẹ làm bữa ăn dinh dưỡng hợp lý cho trẻ em, các bà mẹ có con nhỏ, phụ nữ mang thai đều có hiểu biết các kiến thức về thực hành dinh dưỡng nhưng áp dụng không được do kinh tế gia đình khó khăn.
 

Tuy vậy, Lâm Đồng vẫn là tỉnh đứng đầu khu vực Tây Nguyên về giảm tỉ lệ SDDTE đều đặn, bền vững. Theo kết quả đánh giá của Viện Dinh dưỡng công nhận vào tháng 3/2012, Lâm Đồng có tỉ lệ SDDTE 15,1%. Mục tiêu năm 2012 sẽ giảm tỉ lệ SDDTE xuống dưới 15%. Hiện nay toàn tỉnh có 112.649 trẻ em dưới 5 tuổi, trong đó tỉ lệ suy dinh dưỡng cân nặng chiếm 15,1% (nhẹ cân) và tỉ lệ suy dinh dưỡng chiều cao (thấp bé) chiếm 25,7%. Tỉ lệ SDDTE có sự chênh lệch lớn giữa các vùng thành phố và vùng sâu. Tình trạng thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ em, phụ nữ mang thai và phụ nữ độ tuổi sinh đẻ vẫn còn ảnh hưởng lớn đến thế hệ trẻ bị suy dinh dưỡng, thấp còi. Sự suy thoái kinh tế toàn cầu ảnh hưởng đến thu nhập của từng hộ gia đình, giảm chất lượng bữa ăn. Các buổi thực hành dinh dưỡng tổ chức ở các xã vùng khó khăn có rất đông phụ nữ và trẻ em đến dự, giống như tổ chức một bữa ăn từ thiện hơn những gì mong đợi về mục đích cung cấp kiến thức, hướng dẫn thực hành dinh dưỡng cho các bà mẹ.  

Theo chị Nguyễn Thị Sương, cán bộ phụ trách chương trình cải thiện tình trạng dinh dưỡng trẻ em dưới 5 tuổi của Lâm Đồng cho biết: Các hoạt động phòng chống suy dinh dưỡng đều tập trung vào các xã  có tỉ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao để cải thiện tình trạng thấp bé, nhẹ cân của trẻ như: dành kinh phí thực hành dinh dưỡng 100% cho các bà mẹ có thai, bà mẹ có trẻ em dưới 2 tuổi, tổ chức truyền thông dinh dưỡng cho tuyến xã và cân trẻ hàng tháng, giám sát hàng năm. Đặc biệt trong 2 năm gần đây, Viện Dinh dưỡng có chương trình phục hồi dinh dưỡng dành cho trẻ em các xã có tỉ lệ suy dinh dưỡng cao. Năm 2011, chương trình đã tiếp nhận và phân bổ 500 hộp thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho trẻ em các xã: Đa Nhim, Đạ Chairs, Rô Men, Đạ Mrông và Đồng Nai Thượng. Năm 2012, chương trình vừa phân bổ 1.918 sản phẩm phục hồi dinh dưỡng (men tiêu hóa, thuốc bổ, sữa bổ sung vi chất dinh dưỡng) cho trẻ em 3 huyện: Lạc Dương, Đam Rông, Đơn Dương.

Tại Trung tâm Chăm sóc sức khỏe sinh sản (số 1 Hải Thượng - Đà Lạt) hàng tháng có tổ chức tư vấn dinh dưỡng cho phụ nữ có thai. Đây là hoạt động tư vấn dinh dưỡng lồng ghép với tiêm phòng uốn ván (VAT) cho phụ nữ có thai, mỗi buổi tư vấn cho 25 bà mẹ đặc biệt quan tâm đến việc nuôi con bằng sữa mẹ. Theo đánh giá của chương trình qua các hoạt động truyền thông dinh dưỡng tại cộng đồng và hướng dẫn thực hành dinh dưỡng, có trên 70% bà mẹ có thai và bà mẹ có con nhỏ dưới 2 tuổi được tham gia hướng dẫn thực hành dinh dưỡng.

Cách phòng thiếu vi chất dinh dưỡng

Vi chất dinh dưỡng thiết yếu cho sức khỏe, tầm vóc và trí tuệ con người. Để phòng thiếu vi chất dinh dưỡng cần thực hiện theo hướng dẫn của Viện Dinh dưỡng:
- Cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Cho trẻ ăn bổ sung hợp lý bằng các thực phẩm có sẵn tại địa phương.
- Sử dụng phối hợp 15 - 20 loại thực phẩm từ 4 nhóm thực phẩm trong bữa ăn hàng ngày.
- Không bắt trẻ ăn kiêng khi bị bệnh.
- Đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm trong quá trình chọn lọc, chế biến và bảo quản thức ăn cho trẻ.
- Cho trẻ em trong độ tuổi uống vitamin A một năm 2 lần. Bà mẹ cần được uống vitamin A trong vòng 1 tháng sau sinh.
- Tẩy giun 2 lần/năm cho trẻ em từ 24 - 60 tháng tuổi. Thực hiện vệ sinh môi trường, vệ sinh ăn uống để phòng chống nhiễm giun sán.
- Thường xuyên theo dõi cân nặng và chiều cao của trẻ để phát hiện sớm suy dinh dưỡng và thừa cân béo phì.
- Phụ nữ mới kết hôn, bà mẹ trước và trong khi mang thai cần ăn uống đầy đủ và uống thêm viên sắt axít folic hoặc viên đa vi chất theo hướng dẫn.
- Sử dụng muối, bột canh I-ốt trong chế biến thức ăn.

An Nhiên

Diệu Hiền