Tận tâm với học sinh dân tộc thiểu số

03:05, 15/05/2012

Cái nắng chang chang đến cháy sạm mặt người của vùng đất khó Tà Hine không ngăn được những bước chân hăm hở của thầy đi vận động các em đến trường đi học đầy đủ.

Tôi gặp thầy Đỗ Cao Chương, giáo viên Trường THCS Tà Hine (xã Tà Hine, huyện Đức Trọng) giữa một buổi trưa đầu mùa hạ. Cái nắng chang chang đến cháy sạm mặt người của vùng đất khó Tà Hine không ngăn được những bước chân hăm hở của thầy đến với những gia đình học sinh người dân tộc thiểu số để vận động các em đến trường đi học đầy đủ.

Thầy Chương vận động phụ huynh học sinh phối hợp với nhà trường vận động một học sinh tiếp tục tới lớp học
Thầy Chương vận động phụ huynh học sinh phối hợp với nhà trường vận động một học sinh tiếp tục tới lớp học


Trên gương mặt đã ướt đẫm mồ hôi vì sức nóng đầu mùa hạ, thầy Chương cho tôi biết, phần lớn các em Trường THCS Tà Hine, xã Tà Hine là con, em đồng bào dân tộc thiểu số. Trình độ dân trí và nhận thức của gia đình các em còn hạn chế nên đã ảnh hưởng không nhỏ tới hoạt động giáo dục học sinh tại trường. Mặc dù đi học, mỗi tháng một học sinh thuộc diện dân tộc thiểu số đều được Nhà nước hỗ trợ 70.000 đồng. Nhưng số tiền này vẫn không đủ sức thu hút học sinh tới trường. Nhiều người lớn tuổi trong gia đình các em vẫn quan niệm: “Cái chữ không làm ra cơm ăn, áo mặc” nên hầu hết đều không quan tâm đến việc con mình có đến trường theo học hằng ngày hay không.

Việc học tập của con cái ở những gia đình này đều phó mặc vào nhà trường, nhất là những người thầy suốt đời tận tụy với học sinh như thầy Đỗ Cao Chương. Chính vì vậy, ngoài công việc giảng dạy trên lớp, không ít thầy cô của Trường THCS Tà Hine đã trở thành những người làm công tác dân vận khéo để thuyết phục các em đến lớp học tập đầy đủ. Thầy Chương kể, do hoàn cảnh gia đình các em hầu hết đều gặp khó khăn về kinh tế (phải chạy vạy với từng bữa ăn hằng ngày) nên cách ăn mặc, đầu tóc nhiều học sinh, nhất là những học sinh nam, rất luộm thuộm. Thấy học sinh để tóc dài đến lớp, thầy cô nhắc nhở nhưng nhiều em trả lời vì ba mẹ và những người lớn tuổi trong gia đình các em hằng ngày đều lên rẫy từ sáng sớm cho tới tối mịt mới về nên không có ai cắt tóc. Thấy vậy, thầy Chương lại cầm kéo vượt 4 - 5km đường đồi núi tới tận nhà từng em cắt tóc, khuyên các em tắm giặt, giữ gìn vệ sinh cá nhân. Không chỉ vậy, thầy còn hướng dẫn học sinh của mình cách trồng, chăm sóc cà phê sao cho đạt năng suất cao nhất; hướng dẫn, tư vấn gia đình các em cách chăn nuôi heo, gà, vịt, trâu, bò. Chị Ma Đoan (27 tuổi), thôn Phú Ao, xã Tà Hine tâm sự: “Mình mới được một tổ chức hỗ trợ cho 10 triệu đồng, gia đình dự tính sẽ mua vài con heo về nuôi, nhưng khi thầy Chương khuyên số tiền này nên mua con bò cái về nuôi sinh sản sẽ có lời cao hơn. Thầy nói có lý nên mình đang xem xét chuyển từ nuôi heo sang nuôi bò cái sinh sản”.

Không ít buổi thầy Chương đến nhà để vận động các em đến trường thì học sinh của mình đang ở trên rừng đi hái măng về bán. Không gặp được, thầy phải ngồi chờ cho tới tối các em về nhà để gặp và làm “công tác dân vận”, khuyên các em đến lớp tiếp tục theo học. Nhiều học sinh còn so sánh, đi học mỗi tháng chỉ được 70.000 đồng, trong khi đi hái măng nếu “trúng” có thể được gần 200.000 đồng/ngày, rồi nhất quyết không đến lớp nữa. Không nản chí, hôm sau, thầy Chương lại đến nhà vận động, phân tích những đúng sai trong nhận thức còn quá nông cạn của các em. Với nhiều em thầy Chương phải tới nhà bốn, năm lần để thuyết phục, cuối cùng cũng đã chịu đến lớp học chăm chỉ khi nhận ra những lời thầy khuyên là hoàn toàn đúng.

Nhận thấy tình cảm của người thầy hết lòng với học sinh, gia đình các em cũng đáp ơn thầy bằng những bơ gạo nếp, cây mía, củ khoai… Thấy nhiều gia đình còn nghèo, cơm chưa đủ ăn, áo không đủ mặc, thầy Chương từ chối nhận những vật phẩm trên nhưng nhiều người nói: “Thầy không nhận thì cái bụng của gia đình tôi không vui”, rồi nhất quyết bắt thầy Chương phải nhận bằng được. “Nhờ các thầy cô của nhà trường làm tốt “công tác vận động” mà từ đầu năm học đến nay, nhà trường chưa ghi nhận trường hợp nào nghỉ học giữa chừng để theo vợ, bắt chồng; trong khi những năm trước đây, năm nào cũng có một vài em bỏ học để cưới chồng” - thầy Chương vui mừng cho biết.

Ngô Khắc Lịch