Vấn đề đang đặt ra cho ngành du lịch Lâm Đồng là cần thống nhất nội dung thuyết minh về các vấn đề liên quan đến điểm du lịch cho các thuyết minh viên.
Du khách phàn nàn rằng, khi đến các điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng, họ được giới thiệu quá nhiều các truyền thuyết liên quan đến các điểm du lịch đó; và đặc biệt là đôi khi các truyền thuyết ấy lại “chỏi” nhau. Từ thực trạng này, vấn đề đang đặt ra cho ngành du lịch Lâm Đồng là cần thống nhất nội dung thuyết minh về các vấn đề liên quan đến điểm du lịch cho các thuyết minh viên.
Du khách đến tham quan Bảo tàng Lâm Đồng |
Dưới tiêu đề “Nữ thuyết minh duyên dáng”, tác giả H.T đã viết trên một tờ báo có uy tín (chúng tôi xin viết tắt tên tác giả và tên nhân vật vì tế nhị): “Ai một lần đến thăm Bảo tàng Lâm Đồng, số 4 Hùng Vương (TP Đà Lạt) – nơi chứa đựng những điều kỳ thú về khu vực Nam Tây Nguyên, hẳn sẽ ấn tượng với nữ thuyết minh trẻ N.T.H. “Thưa quý khách, tại Lâm Đồng, dân tộc đông người nhất là người K’Ho với 100.000 người, người Choru ít nhất với 10.000 người. Người Choru lại chia làm nhiều nhánh nhỏ: Lạch, Srê, Nôp…” - bằng một giọng Bắc đằm thắm, H bắt đầu giới thiệu”. Quả thật, khi đọc những dòng này, chúng tôi cảm thấy rất “dội” bởi cô thuyết minh trẻ kia đã giới thiệu với du khách những nội dung như vậy (nếu đúng cô ấy có giới thiệu như thế). Chúng tôi không có ý định tranh luận, mà chỉ xin nói rằng: Ở Lâm Đồng, nếu bảo là dân tộc (hiểu theo khái niệm khoa học) có đông người nhất phải là dân tộc Việt chứ không phải dân tộc Cơho (viết đúng theo danh mục các dân tộc Việt Nam năm 1979). Rồi nữa, Lâm Đồng không có dân tộc “Choru”; lại càng không có dân tộc Choru chia làm nhiều nhánh nhỏ là Lạch, Srê, Nôp… Đúng hơn, các nhánh nhỏ Lạch, Srê, Nộp (“Nộp” chứ không phải “Nôp”)… thuộc người Cơho chứ không phải Churu (“Churu” chứ không phải “Choru”). Ở đây, tác giả (hoặc thuyết minh viên) đã mắc sai lầm căn bản về sự phân định hai nhóm ngữ hệ Môn Khơme và Mã Lai Đa Đảo với các tộc người đại diện là Cơho, Mạ… (Môn Khơ Me) và Churu, Raglai… (Mã Lai Đa Đảo). Đó là chưa kể việc không hiểu “lấy đâu ra” mà cô thuyết minh này dám “phán” rằng “người Choru ít nhất với 10.000 người” hiểu theo khái niệm “dân tộc” của chính cô ấy!
Rồi nữa, trong một lần đi thăm hồ Đa Nhim (Đơn Dương), chúng tôi được nghe cô thuyết minh viên giới thiệu, đại khái rằng: “Đạ Nhim” chính là nước mắt của một mối tình Churu - Cơho. Họ, đôi trai gái ấy yêu nhau nhưng không được lấy nhau nên đã quyên sinh và nước mắt của họ đọng lại thành cái hồ này! Theo chúng tôi, rõ ràng cô thuyết minh nọ đã “nắm bắt” khá kỹ mô típ “tình yêu đôi lứa” có trong rất nhiều truyền thuyết của rất nhiều dân tộc trên thế giới; nhưng có điều, với riêng Đa Nhim thì khác: Vẫn liên quan đến hai tộc người Churu và Cơho nhưng nghĩa của “Đa Nhim” không dính dáng gì đến “chuyện tình đôi lứa” cả! Qua đây, chúng ta có thể nhận thấy, dường như các thuyết minh viên quá lạm dụng mô típ “tình yêu đôi lứa” trong thuyết minh nhằm hấp dẫn du khách. Trong khi đó, họ đã quên rằng lịch sử chính là cội nguồn của những truyền thuyết, và là chứng cứ khoa học để cộng đồng hình thành nên những truyền thuyết. Ở Đa Nhim tại Đơn Dương (hồ thủy lợi và cả dòng sông), yếu tố lịch sử “dày” hơn là truyền thuyết khi chúng ta biết rằng nghĩa của từ “Chru” là gì và nghĩa của từ “Pnông Chăm” là gì. Hoặc như, cũng như vậy, khi giới thiệu về thác Bop Pla (thuộc địa bàn huyện Di Linh), không ít thuyết minh viên lại nặng yếu tố “tình yêu đôi lứa” hơn là tính lịch sử của vấn đề. Ở thắng cảnh này, câu chuyện về “chiếc ngà voi” phản ánh một giai đoạn lịch sử của tộc người Cơho đã không được các thuyết minh viên thấu tường bởi chỉ thiên về “mối tình Cơho - Chăm” hơn là yếu tố bi hùng của lịch sử Chăm - Cơho của một thời.
Ở Lâm Đồng - vùng đất có nhiều danh thắng gắn liền với những truyền thuyết, các khu (điểm) du lịch có nhiều lợi thế trong việc thu hút khách du lịch là điều không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu “thả lỏng” cho thuyết minh viên “muốn nói gì thì nói” về những vấn đề liên quan đến lịch sử hoặc những truyền thuyết ấy là điều cần phải xem lại. Điều đáng mừng là trong kế hoạch hoạt động năm 2012, ngành du lịch đã đưa ra nội dung: “Quan tâm đào tạo lại nguồn nhân lực, tưng bước chuẩn hóa đội ngũ hướng dẫn viên và quản lý du lịch. Mở lớp tập huấn cho lực lượng thuyết minh viên, xây dựng các truyền thuyết thống nhất đối với từng khu điểm du lịch”.
Khắc Dũng