Trước thông tin cải thảo nhiễm fomaldehyde: Rau Đà Lạt vẫn an toàn

05:05, 11/05/2012

(LĐ online) - Thời gian gần đây, dư luận trong cả nước rộ lên thông tin trên cây rau cải thảo Trung Quốc, người trồng có sử dụng “chất ướp xác” (formaldehyde) phun tưới nhằm giữ cho sản phẩm tươi lâu hơn đã khiến dư luận trong nước đặc biệt quan tâm.

(LĐ online) - Thời gian gần đây, dư luận trong cả nước rộ lên thông tin trên cây rau cải thảo Trung Quốc, người trồng có sử dụng “chất ướp xác” (formaldehyde) phun tưới nhằm giữ cho sản phẩm tươi lâu hơn đã khiến dư luận trong nước đặc biệt quan tâm. Ở Việt Nam, ngoài một số cải thảo được nhập về từ Trung Quốc, hai thị trường rau cải thảo lớn nhất cung cấp cho người tiêu dùng là Lâm Đồng  và Lào Cai. Trước thông tin này, chúng tôi đã tham khảo ý kiến của ông Lại Thế Hưng – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật thuộc Sở NN-PTNT Lâm Đồng – để hiểu rõ hơn vấn đề chất lượng rau cải thảo của Đà Lạt hiện nay. 

Rau cải thảo được đóng gói chuyển đi Tp Hồ Chí Minh. Ảnh Văn Báu
Rau cải thảo được đóng gói chuyển đi Tp Hồ Chí Minh. Ảnh Văn Báu


“Ở Đà Lạt  – nơi được ví như chiếc máy lạnh khổng lồ, người canh tác rau không việc gì phải cần đến những thứ hoá chất để giữ cho sản phẩm rau (nói chung), đặc biệt là cải thảo (nói riêng), được tươi như một số địa phương nắng nóng khác. Tôi khẳng định, cải thảo Đà Lạt vẫn đang nằm trong vùng an toàn, không hề có chất formaldehyde phun tưới hoặc sử dụng trong khâu làm đất trước khi trồng” – ông Lại Thế Hưng quả quyết.

Hiện nay, mỗi vụ, Đà Lạt và các vùng rau phụ cận như Đơn Dương, Đức Trọng, Lâm Hà… trồng đến 500ha cải thảo, mỗi năm cả tỉnh Lâm Đồng có đến 1.500 – 1.600ha rau cải thảo (cây cải thảo ở Đà Lạt được trồng quanh năm). Cứ tính trung bình mỗi ha cho năng suất khoảng 600 tạ/vụ thì đủ để biết con số cả năm Lâm Đồng cung cấp cho thị trường trong và ngoài nước một lượng rau cải thảo lớn đến nhường nào.

Theo ông Lại Thế Hưng, trung bình mỗi tháng, Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng lấy khoảng 150 mẫu rau để kiểm định về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm. Kết quả trong hai năm gần đây cho thấy, dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trên cây rau Đà Lạt – Lâm Đồng chỉ còn không đến 2%. Thậm chí, cả trong số sản phẩm ra vẫn còn dư lượng thuốc bảo vệ thực vật ở mức không an toàn, cơ quan chức năng cũng chưa hề phát hiện chất formaldehyde.

Ông Lại Thế Hưng nói: “Tất nhiên, để kiểm tra chỉ tiêu formaldehyde có trong cải thảo, cơ quan chức năng cần phải tiến hành rất nhiều khâu. Hôm qua (10.5), tôi đã nhận được điện thoại của ông Nguyễn Xuân Hồng – Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật – trao đổi về việc kiểm tra chất formaldehyde trong cải thảo trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng. Cơ quan chúng tôi sẽ tiến hành công việc này trong một ngày gần đây nhất. Song, theo ý kiến cá nhân tôi qua nhiều năm theo dõi và quan sát thị trường rau quả Lâm Đồng thì tuy sản phẩm rau Trung Quốc có thâm nhập thị trường Lâm Đồng (như khoai tây được nhập về rồi “làm áo” để biến thành khoai tây Đà Lạt) nhưng riêng về cải thảo thì không hề có chuyện sản phẩm của Trung Quốc trộn lẫn với sản phẩm Đà Lạt”.

Cải thảo Đà Lạt vẫn được mua bán một cách bình thường như mọi ngày tại các chợ ở Đà Lạt
Cải thảo Đà Lạt vẫn được mua bán một cách bình thường như mọi ngày tại các chợ ở Đà Lạt


Những ngày qua, chúng tôi đã có cuộc khảo sát tại một số nhà vườn của phường 8 (Đà Lạt), một trong những vùng rau trồng nhiều cải thảo, và một số chợ trên địa bàn Đà Lạt, nhận thấy: Hầu như nhà vườn ở đây không ai biết đến chất formaldehyde để làm tươi rau, nhất là rau cải thảo; và ở hầu hết các chợ, việc mua bán, trao đổi loại hàng hoá này vẫn diễn ra một cách bình  thường như mọi ngày.

“Trên địa bàn Lâm Đồng – địa phương có Đà Lạt nổi tiếng là vựa rau của cả nước, qua lấy mẫu ngẫu nhiên để kiểm tra từ trước đến nay, cơ quan chức năng chưa bao giờ thấy xuất hiện rau cải thảo có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc; đồng thời, với người dân xứ lạnh Đà Lạt, việc dùng formaldehyde để giữ cho rau được tươi là việc làm hầu như không hề xuất hiện trong suy nghĩ của nhà vườn. Tôi khẳng định, cho đến lúc này, cải thảo Đà Lạt vẫn an toàn!” – Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật Lâm Đồng, ông Lại Thế Hưng, phát biểu.

BOX: Formaldehyde là chất có khả năng diệt khuẩn rất tốt nên thường được sử dụng trong công nghiệp hoá học như tổng hợp nhựa, ướp xác, diệt vi khuẩn, bảo quản động vật… Tuy nhiên, tại Việt Nam và nhiều nước châu Âu, trong sản xuất và chế biến nông nghiệp, formaldehyde là chất cấm sử dụng. Song, do có khả năng diệt khuẩn tốt nên chất formaldehyde vẫn được một số người lén lút sử dụng để bảo quản rau của được tươi lâu.

Khắc Dũng