Lâm Đồng, với địa danh nổi tiếng Đà Lạt nằm trong một địa thế đặc biệt, bị bao vây bởi bốn phía là rừng, là đèo, không hề có một chút nào gần với biển. Có chăng chỉ là những làn gió hiếm hoi qua được con đèo Ngoạn Mục dài tít tắp, mang chút hơi biển từ vùng đất Phan Rang - Tháp Chàm...
Lâm Đồng, với địa danh nổi tiếng Đà Lạt nằm trong một địa thế đặc biệt, bị bao vây bởi bốn phía là rừng, là đèo, không hề có một chút nào gần với biển. Có chăng chỉ là những làn gió hiếm hoi qua được con đèo Ngoạn Mục dài tít tắp, mang chút hơi biển từ vùng đất Phan Rang - Tháp Chàm. Nhưng trong lòng người Lâm Đồng, biển vẫn là điều gần gũi, máu thịt, là một phần không thể sẻ chia. Văn nghệ sĩ thì còn hơn thế, với họ, viết về biển, viết về Trường Sa, Hoàng Sa, những phần máu thịt của Tổ quốc như lời thúc giục tự trong trái tim.
Xưa nay văn nghệ sĩ phố núi thường chỉ viết về những điều rất gần với họ, những sương, hoa, dốc và dáng những thiếu nữ thướt tha qua phố. Nhưng biển đã đánh động tới phần sâu thẳm trong trái tim người nghệ sĩ, phần tự hào và dũng cảm. Biển dù không ở gần nhưng là phần máu thịt của đất nước, là phần có từ khi sinh ra cho tới khi mất đi vẫn cảm nhận thấy trong lòng. Trong những tác phẩm của họ, phần máu thịt ấy giản dị mà kiêu hùng, thấm đậm máu xương tiền nhân đi trước và chan chứa tình cảm của những người còn đang sống hôm nay. Những tác giả thơ như Kiều Công Luận với “Bãi cát vàng”, Vũ Đình Cảnh với “Dậy sóng biển Đông”, những tác giả văn xuôi như Võ Khắc Dũng với bút ký “Hồn biển”, Thanh Dương Hồng với “Ký ức Trường Sa”… và nhiều nhà thơ, nhà văn nhắc tới biển đảo quê hương như những gì trân quý nhất. Những lời như rút từ gan ruột “Một dải bãi cát vàng Trường Sa Hoàng Sa / Đã ngân lên dân binh con Hồng cháu Lạc / Tạc vào đá và in hình trên nước / Máy tính nào đo nổi máu ông cha”, tác giả Kiều Công Luận đã viết với niềm tự hào, rằng từ thuở nào, dải cát vàng nằm giữa bể Đông đã là của người Việt, đã thấm máu cha ông chúng ta. Những địa danh Cô Lin, Gạc Ma, nhắc tới mà đau vết đau của một phần thân thể.
Những bút ký của các tác giả văn xuôi lại theo một chiều hướng khác, sống động hơn tuy kém vẻ trữ tình. Với Thanh Dương Hồng, “Ký ức Trường Sa” không chỉ là ký ức, nó đang hiện hữu trong đời sống hôm nay của người dân Lâm Đồng. Đó là 300 đóa hồng vàng Đà Lạt được thả xuống biển tưởng nhớ hương hồn những người đã hy sinh cho Tổ quốc, là những cây rau xanh, những chiếc áo len do những người công nhân, nông dân xứ núi chắt chiu gửi tới đảo xa… Và trên hết là tình cảm son sắt, gắn bó một lòng của người dân xứ núi với những người dân, người lính ngày ngày vững tay súng, tay chài canh giữ biển đảo quê hương. Đặc biệt, bút ký “Hồn biển” của Võ Khắc Dũng đã tạo ra được cảm xúc rất khó tả cho người đọc với một câu chuyện rất giản dị. Một người lính Trường Sa ngã xuống khi tuổi còn rất trẻ, để lại gia đình, bè bạn và cả một bóng dáng đợi chờ. Người con gái ấy, sau rất nhiều năm tháng, đã có điều kiện thả xuống biển, nơi người con trai hy sinh những bức thư cô viết mà anh chưa bao giờ được đọc. Lời những bức thư giản dị mà trẻ trung như lứa tuổi của cả hai người khi anh ra đi. Nhưng nó cũng đau đáu nỗi niềm của người con gái gửi người mình yêu, người chưa kịp trao cái nắm tay đã ngã xuống vì đất nước. Nỗi đau ấy cũng dài dằng dặc, tha thiết và chân thành làm những người đọc cũng phải ứa những giọt nước mắt đồng cảm.
Ông Lê Công, Tổng Biên tập Tạp chí Lang Bian tâm sự, viết về biển đảo quê hương là một trong những nghĩa vụ của văn nghệ sĩ Lâm Đồng. Tuy chưa phát động thành phong trào song Hội Văn học nghệ thuật Lâm Đồng luôn động viên hội viên hướng về những đề tài biển đảo. Và anh chị em cũng hưởng ứng nhiệt tình bởi dù là xứ núi, song biển đảo luôn hiện diện trong tâm thức người Việt, nhất là trong trái tim những văn nghệ sĩ, những người vốn nhạy cảm và có óc sáng tạo. Và trong thời gian tới, người yêu văn nghệ sẽ tiếp tục được chào đón các tác phẩm thơ, văn xuôi của văn nghệ sĩ Lâm Đồng viết về biển đảo quê hương.
Diệp Quỳnh