“Vừa đọc đề thi, vừa tưởng tượng”

03:05, 20/05/2012

(LĐ online) - Đó là chia sẻ tưởng đùa nhưng rất thật của bạn Trần Đức Hiếu, học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Chu Trinh (Đà Lạt) khi được hỏi về bí quyết giúp bạn giành giải nhất môn Vật lý trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2012.

(LĐ online) - Đó là chia sẻ tưởng đùa nhưng rất thật của bạn Trần Đức Hiếu, học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Chu Trinh (Đà Lạt) khi được hỏi về bí quyết giúp bạn giành giải nhất môn Vật lý trong cuộc thi học sinh giỏi cấp tỉnh năm 2012.

(Từ trái sang) Trần Đức Hiếu, Lê Việt Hằng, Trần Hà Uyên thư giãn dưới sân trường sau giờ học căng thẳng
(Từ trái sang) Trần Đức Hiếu, Lê Việt Hằng, Trần Hà Uyên thư giãn dưới sân trường sau giờ học căng thẳng


Tình cờ gặp 3 học sinh lớp 9 Trường THCS Phan Chu Trinh vào một ngày các em đang bước vào những buổi học cuối cùng của năm học 2011 - 2012. Các em vừa thi học kỳ 2 xong và đang ôn tập chuẩn bị bước vào kỳ thi tuyển sinh lớp 10, thế nhưng Trần Đức Hiếu, Lê Việt Hằng, Trần Hà Uyên - 3 trong số 15 học sinh của Trường THCS Phan Chu Trinh vừa đoạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh vẫn rất thoải mái đón chờ cuộc thi chuyển cấp sắp đến bởi mỗi người đều có phương pháp học tập riêng thích hợp với mình.

Trần Hà Uyên, giải nhì bộ môn tiếng Anh có vẻ ngoài nhút nhát nhưng lại tỏ ra hoạt bát và tự tin hơn hẳn khi kể về phương pháp học tiếng Anh của mình: “Mỗi ngày em dành 15 phút để học thuộc 10 từ vựng, luyện phát âm và chép đi chép lại nhiều lần từ vựng mới để nhớ lâu hơn”. Ngoài thời gian học ở lớp thì học ngoại ngữ là môn học đòi hỏi các học sinh cần chăm chỉ luyện thêm nhiều ở nhà. Theo Hà Uyên, sau khi học thuộc các cấu trúc, từ vựng, ngữ pháp thì nghe nhạc tiếng Anh và xem phim có phụ đề đã giúp em củng cố và bổ sung vốn từ rất nhiều.

Với nhiều học sinh, môn Vật lý là môn học khô khan toàn những công thức, định lý khó nhớ thì với Trần Đức Hiếu, giải nhất môn Vật lý, đây lại là môn học rất thú vị. Đức Hiếu chia sẻ: “Em không thích kiểu học nhồi nhét hay tạo không khí căng thẳng trong lúc học. Vừa học vừa thư giãn giúp em học tốt hơn”. Những bài tập vật lý phải vận dụng nhiều công thức thường làm các học sinh dễ nhầm lẫn nhưng Hiếu thì chọn cho mình cách “vừa giải bài tập vừa nghe nhạc nhẹ”. Theo Hiếu thì cách học này giúp em thoải mái đầu óc để suy nghĩ cách giải bài nhanh nhất. Đặc biệt, bạn còn chia sẻ thêm: “Vào giờ thi, đọc đề qua 3 lần em bắt đầu tưởng tượng những chuyển động vật lý đề ra rồi mới chọn cách giải bởi vì môn Vật lý vốn là môn học của những chuyển động, khúc xạ, nhiệt lượng... cũng chính là sự vận động có thật của những sự vật hiện tượng xung quanh mình, thế nên tưởng tượng sự vận động của nó giúp em chọn được cách làm bài đúng nhất”.

Với Lê Việt Hằng, giải nhì môn Hóa thì các công thức hóa học, bảng hóa trị, phương trình hóa học luôn nằm trong cuốn sổ tay nhỏ bạn mang theo bên mình. Việt Hằng cho biết, lúc nào rảnh hay sau khi học xong các bộ môn khác em lại mang sổ tay ra xem lại, “Cứ như vậy không biết từ bao giờ em thuộc nằm lòng các công thức hóa học”. Việt Hằng cũng chia sẻ thêm, các giờ học thí nghiệm là cơ hội được nhìn thấy các phản ứng hóa học xảy ra thật nên bạn ghi chép lại tỉ mỉ từ màu sắc, mùi và quá trình xảy ra phản ứng “với cách đó, khi về nhà học lại thì sẽ dễ dàng nhớ ra khi bắt gặp phản ứng đó trong bài tập của mình”.

Không chỉ học giỏi Lý, tiếng Anh và Hóa học mà cả ba em Đức Hiếu, Hà Uyên, Việt Hằng còn là những học sinh giỏi đều ở tất cả những môn khác. Ngoài những cách học riêng của mỗi người thì cả 3 bạn đều cho rằng, phương pháp tiếp thu bài trên lớp tốt nhất đó là lắng nghe thầy cô giảng bài để hiểu bài sâu hơn, sau đó làm bài tập ở lớp, trao đổi với các bạn cách giải bài hay những chỗ mình chưa hiểu. Ngoài ra, theo các em học mà cứ học nhồi, không tạo không gian và thời gian thư giãn hợp lý thì cũng không hiệu quả. Mặc dù hiện nay các thầy cô có nhiều đổi mới trong phương pháp giảng dạy trên lớp, các tiết không chỉ đọc chép thụ động mà có khoảng thời gian để học sinh và giáo viên trao đổi, thực hành. Nhưng riêng với ba em thì cả ba đều vẫn dành thời gian hợp lý trong tuần để đọc sách, nghe nhạc, chơi thể thao để không tạo áp lực cho chính bản thân mình. Đó cũng chính là bí quyết chung giúp cả ba em không chỉ là những học sinh giỏi mà còn là những học sinh năng nổ trong các hoạt động của lớp, của trường.

Có thể nói, khi làm bất kỳ một việc gì đều phải cần có phương pháp tốt mới dẫn đến thành công. Việc học càng đòi hỏi phải có phương pháp học hợp lý. Với những cách học khoa học của riêng mình, Đức Hiếu, Hà Uyên, Việt Hằng đã mang về những thành quả đáng biểu dương cho bản thân, mang lại niềm vui cho gia đình và nhà trường. Tin rằng với những nỗ lực ấy, các em sẽ còn thành công hơn trên con đường học vấn phía trước.

Diễm Thương