Vững chãi Trường Sa

03:05, 16/05/2012

Sau 37 năm giải phóng, quân và dân huyện Trường Sa cùng cả nước không ngừng nỗ lực gìn giữ và xây dựng biển đảo, để hôm nay Trường Sa mang một diện mạo mới khang trang, vững chãi, hiện đại.

Sau 37 năm giải phóng, quân và dân huyện Trường Sa cùng cả nước không ngừng nỗ lực gìn giữ và xây dựng biển đảo, để hôm nay Trường Sa mang một diện mạo mới khang trang, vững chãi, hiện đại.

Học sinh ở đảo Trường Sa Lớn
Học sinh ở đảo Trường Sa Lớn


Vững chãi và hiện đại

Ban đêm, từ boong tàu HQ 936 nhìn về các đảo thuộc quần đảo Trường Sa, đều thấy rực rỡ ánh đèn cao áp, đây là hình ảnh mà chỉ 5 năm trước chưa có được. Từ vài năm qua, được sự tài trợ của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, hệ thống năng lượng sạch và chiếu sáng (điện mặt trời & điện gió) lần lượt được xây dựng tại Trường Sa.

Khi đặt chân lên đảo Song Tử Tây, chúng tôi khá bất ngờ khi trên đảo rợp bóng cây xanh, hệ thống cơ sở hạ tầng chẳng khác gì một “đô thị” thu nhỏ. Nơi đây có tháp hải đăng vươn cao sừng sững, có chùa Song Tử Tây bề thế ngày đêm soi bóng xuống mặt biển; có tượng đài Quốc công tiết chế Hưng Đạo đại vương Trần Quốc Tuấn oai nghiêm hướng mắt ra biển Đông, như đang dõi theo và phù hộ cho đoàn con cháu hậu thế trong quá trình gìn giữ và xây dựng biển đảo quê hương. Nơi đây còn có Nhà văn hóa Trường Sa do Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thủ đô Hà Nội tặng, vừa hoàn thành để kỷ niệm 37 năm quần đảo Trường Sa hoàn toàn được giải phóng (29/4/1975 - 29/4/2012).

Đảo Song Tử Tây có một âu tàu với “bờ đê” kiên cố ngăn sóng, có thể cùng lúc neo đậu 150 tàu đánh cá trong những ngày mưa bão. Tôi bỗng liên tưởng đây là “cảng Cam Ranh thu nhỏ” của Trường Sa. Anh Nguyễn Văn Việt, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây cho biết: “Khu hậu cần nghề cá cạnh âu tàu ngoài việc hỗ trợ sửa chữa các phương tiện tàu thuyền của ngư dân, còn là nơi tiếp lương thực, dầu, nước ngọt cho các tàu thuyền với giá ưu đãi. Nhờ đó, ngư dân yên tâm bám biển dài ngày hơn. Trong cơn bão số 1 vừa qua, có hơn 40 tàu đánh cá của ngư dân vào trú ẩn an toàn”. Ngư dân Phan Thanh Phong (tàu BD 991184) cho biết: “Khi mua dầu ở các điểm hậu cần nghề cá trên các đảo ở Trường Sa được đảo xác nhận, khi vào đất liền sẽ được đơn vị chức năng hoàn lại 30% số tiền. Hải sản đánh bắt được có thể bán ngay tại đảo”. Đây là chủ trương nhằm khuyến khích ngư dân mạnh dạn đánh bắt xa bờ, vì sự hiện diện của ngư dân sẽ giúp khẳng định chủ quyền biển đảo và thềm lục địa nước ta.

Tiếp tục cuộc hành trình, chúng tôi đến thăm các đảo chìm như Đá Nam, Cô Lin, Đá Tây, Đá Lát; các đảo Sinh Tồn, Trường Sa Đông. Nhưng các thành viên trên tàu đều háo hức chờ đợi giây phút đặt chân lên đảo Trường Sa Lớn, nơi được ví là “thủ đô” của quần đảo Trường Sa. Đây là đảo duy nhất tàu có thể cập cảng để đoàn lên thăm đảo và cũng là đảo có đường băng cho máy bay. Dọc 2 bên đường băng là những công trình văn hóa tâm linh quan trọng, với kiến trúc đẹp mắt như Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài liệt sĩ, chùa Trường Sa Lớn… Đây cũng là nơi đặt trụ sở UBND huyện Trường Sa (Khánh Hòa), đồng thời có cả trụ sở của thị trấn Trường Sa Lớn. Thị trấn có nhà văn hóa, trường học, cảng cá, tháp hải đăng, trung tâm cứu hộ, cứu nạn, trạm khí tượng hải văn, trạm y tế, trạm phát sóng Viettel cùng mạng thông tin VSAT… Một trong những điểm nhấn mới là công trình “Nhà khách Thủ đô”, quà của nhân dân Thủ đô Hà Nội tặng huyện Trường Sa. Theo ông Đinh Văn Hải, Chủ tịch UBND thị trấn Trường Sa, năm 2011 và quý I/2012, đảo đã tạo điều kiện cho 185 lượt tàu đánh cá của ngư dân vào tránh bão, đồng thời hỗ trợ trên 15.500 lít nước ngọt; khám, điều trị và cấp thuốc cho 243 trường hợp ngư dân và người dân trên đảo. Năm 2011 đảo sản xuất được gần 22 tấn rau xanh các loại (bình quân 92 kg/người/năm); với đất liền con số đó không có nghĩa lý gì, nhưng nơi đảo xa thiếu đất thừa nắng, thiếu nước ngọt thừa nước mặn này thì một luống rau xanh có giá trị hơn cả một vườn rau ở Đà Lạt. Những năm qua, chính quyền và người dân còn trồng được 1.200 cây xanh, cây ăn trái các loại, nhờ đó đảo rợp xanh bóng mát…

Ông Nguyễn Đức Thắng, Chủ tịch UBND huyện Trường Sa, vui mừng thổ lộ: “Được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước cùng sự góp sức của nhân dân cả nước, huyện Trường Sa đang thay da đổi thịt từng ngày; đã hết cảnh thiếu điện, thiếu sóng di động; các đảo cơ bản giải quyết được tình trạng thiếu nước ngọt và rau xanh…”. Cùng chung suy nghĩ, nhà báo nhiếp ảnh Trần Minh Ngọc (TTX VN) thốt lên “Tôi ra thăm Trường Sa cách đây 5 năm, nay trở lại thấy khác lạ nhiều quá, nhìn Trường Sa đang được hiện đại hóa thật đáng mừng”.

Những làng mới ở Trường Sa

Những năm gần đây, có thêm hàng chục hộ gia đình tình nguyện ra quần đảo Trường Sa lập nghiệp. Dù diện tích các đảo không rộng, nhưng huyện vẫn ưu tiên dành một phần diện tích ở vị trí thuận lợi để xây dựng các làng mới. Những ngôi nhà mái ngói đỏ nối tiếp nhau được thiết kế đẹp mắt tựa như khu resort trong đất liền; diện tích mỗi nhà chừng 150 m2, với một phòng khách, hai phòng ngủ, nhà bếp và hệ thống công trình phụ tiện nghi. Nhà nào cũng được trang bị hệ thống điện mặt trời, nên ngoài thắp sáng còn có thể sử dụng ti-vi, tủ lạnh, máy vi tính…

Gia đình anh Nguyễn Hồng Thưởng (nhà số 2) ở đảo Song Tử Tây, cho biết, lúc mới ra đảo sống tâm trạng rất lo lắng, nhưng nay cuộc sống của gia đình anh chị rất ổn định. Anh Thưởng làm nghề chài cá, chị Kiều vợ anh làm công nhân quốc phòng, mỗi tháng thu nhập của anh chị trên 8 triệu đồng; tháng nào chài được nhiều cá thì thu nhập tăng thêm. Chị Phạm Bích Liên (nhà số 3) ở đảo Sinh Tồn thổ lộ, buổi sáng chị tranh thủ đưa 2 con đến trường, sau đó cùng các chị phục vụ nấu ăn cho các đơn vị bộ đội trên đảo; còn các ông chồng ra khơi đánh bắt cá. Còn anh Võ Văn Trường (nhà số 5) đảo Trường Sa Lớn tâm sự, cuộc sống gia đình anh chị hiện tại ổn định hơn lúc ở huyện Cam Lâm (Khánh Hòa), gia đình anh có ý định ở lại lâu dài trên đảo.  

Chùa Song Tử Tây
Nhà tưởng niệm Bác Hồ


Một câu chuyện cảm động mà bất cứ người dân nào ở Trường Sa Lớn đều biết, là việc có 2 máy bay từ đất liền được điều ra chở theo bác sĩ và phương tiện để cứu chị Nguyễn Thị Thanh Thúy trong ngày trở dạ sinh con. Sáng 4.4.2011, chị Thúy trở dạ nhưng thai nằm ngang rất nguy hiểm. Lãnh đạo đảo phải điện vào đất liền xin tăng cường gấp bác sĩ và máu… Một bác sĩ của Bệnh viện đa khoa Khánh Hòa được điều ra; trong quá trình mổ được các bác sĩ Bệnh viện 175 (TP.HCM) tư vấn trực tuyến, nên chỉ sau 45 phút chị Thúy đã sinh cháu Nguyễn Ngọc Trường Xuân an toàn, mạnh khỏe trong niềm vui mừng của người dân trên đảo. Trước khi chúng tôi đến Trường Sa Lớn vài ngày, gia đình chị vừa mừng “thôi nôi” cho cháu Trường Xuân. Điều đáng nhớ hơn, cháu Xuân là công dân đầu tiên được sinh ra trên đảo, vì trước đây khi gần đến ngày sinh các sản phụ đều theo tàu vào đất liền, sinh xong mới ra lại đảo.

Giờ đây, mỗi khi có đoàn lên thăm đảo, bên cạnh các chiến sĩ thẳng hàng chào đón đoàn, còn có bóng dáng của phụ nữ trong tà áo dài thướt tha và nhiều trẻ em cùng vẫy tay đón chào khách. Trường Sa giờ đây đã thật sự trở thành nhà, thành quê hương của bao người. Dù nơi đầu sóng ngọn gió này còn chịu nhiều gian nan thử thách nhưng đây mãi mãi là tiền đồn vững chắc của Tổ quốc.

LÂM VIÊN