Xã hội hóa với rất nhiều người là đóng góp ủng hộ tiền bạc, nhưng ở Bảo Thuận - Di Linh, một vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, Ban Giám hiệu một ngôi trường nơi đây đã biết vận động để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia bằng một cách làm khác...
Xã hội hóa với rất nhiều người là đóng góp ủng hộ tiền bạc, nhưng ở Bảo Thuận - Di Linh, một vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn rất nhiều khó khăn, Ban Giám hiệu một ngôi trường nơi đây đã biết vận động để xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia bằng một cách làm khác...
Trao Bằng công nhận trường đạt chuẩn quốc gia mức độ I cho Trường Mẫu giáo Bảo Thuận huyện Di Linh |
Rất nhiều người khi đến thăm Mẫu giáo Bảo Thuận (thuộc xã Bảo Thuận , Di Linh) sẽ không khỏi ngạc nhiên khi biết rằng ngôi trường khang trang đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 này mới cách đây không lâu vẫn chỉ là một trường làng xập xệ.
Đó là thời điểm năm 2002, khi các lớp mẫu giáo vừa được tách ra khỏi tiểu học Bảo Thuận với mục tiêu thành lập một trường mầm non đạt chuẩn cho vùng dân tộc thiểu số nơi đây, chuẩn bị cho công tác phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi. Tiếng là một ngôi trường, nhưng lúc đầu chỉ có 2 phòng học, thêm một phòng làm văn phòng ở điểm trường chính và 3 lớp học nằm rải rác ở các thôn buôn. Diện tích đất cho trường khá rộng, trên 6.000 m2, nằm ngay trục đường chính vào xã, nhưng đó gần như một bãi đất hoang, cỏ dại, bụi rậm mọc tràn trên vùng đất lô nhô. Không hàng rào, phế thải xây dựng từ mọi nơi đổ đến khu vực này - cô Phan Thị Anh, Hiệu trưởng trường nhớ lại.
Một câu hỏi đặt ra cho người đứng đầu trường, là chỗ đâu cho học sinh của cô vui chơi? Trẻ ở lứa tuổi mẫu giáo phải “học mà chơi, chơi mà học”, vui chơi là hoạt động chủ đạo. Đặc biệt, trẻ em nơi đây, hầu hết là con em người dân tộc thiểu số K’ho, gia đình vẫn còn rất nhiều khó khăn, vật lộn với mưu sinh hằng ngày, đâu có điều kiện để quan tâm nhiều hơn đến con em.
Cùng hợp lực với tất cả giáo viên trong trường, cô Anh bắt đầu cuộc hành trình cho việc xây dựng một ngôi trường mẫu giáo trong vùng dân tộc thiểu số với quyết tâm “trường cho ra trường, lớp cho ra lớp”. Từng bước, Mẫu giáo Bảo Thuận được huyện và tỉnh chấp thuận đầu tư xây dựng thêm các hạng mục cơ bản như khối phòng học chức năng, nhà bếp, cải tạo các phòng học, xây nhà vệ sinh… Còn việc tôn tạo cảnh quan, sân chơi trong vườn trường là phần vốn đối ứng của xã, nhưng thực lực xã lại rất hạn hẹp. Trong khi đó chuyện vận động phụ huynh học sinh đóng góp tiền bạc nơi đây là rất khó khăn nếu không nói là không thể.
Để giải quyết từng bước, Ban giám hiệu trường đã đi vận động các ban ngành đoàn thể trong xã. Thông qua các cuộc họp giao ban của xã, họp Hội Phụ nữ, Hội Nông dân, thanh niên, họp thôn…, Ban Giám hiệu trường tranh thủ trình bày kế hoạch xây dựng nhà trường. Cô Anh trực tiếp vào làng trao đổi với già làng về tầm quan trọng của sân chơi với lứa tuổi mầm non, về việc làm sao trường học hấp dẫn để thu hút trẻ đến trường, đến lớp hằng ngày. Các đoàn thể khi được thuyết phục đã tự nguyện đóng góp công lao động để phát quang bụi rậm, san lấp mặt bằng sân. Thanh niên trong xã ủng hộ bằng cách mang tre đến trường để làm hàng rào. Với các lớp học của từng thôn, đích thân thôn trưởng vận động bà con đóng góp công sức làm hàng rào, trồng cây xanh, làm bồn hoa, đào giếng bắc nước vào nhà vệ sinh cho các cháu. Với hội phụ huynh học sinh của trường, cô Anh cùng Ban Giám hiệu cũng vận động mọi người ủng hộ công lao động. Mỗi phụ huynh ủng hộ 2-3 ngày công tùy theo điều kiện của mình để tìm vật liệu cho nhà dài, tìm đá về tạo cảnh cho vườn trường. Mỗi năm, vào đầu mùa mưa, trường vận động phụ huynh ủng hộ vỏ cà phê các loại, phân chuồng để trồng và chăm sóc hoa và cây xanh trong vườn trường, cải tạo vườn rau sau trường nhằm cải thiện bữa ăn cho học sinh.
Không chỉ vận động các đoàn thể trong thôn trong xã, vận động Hội cha mẹ học sinh mà các thầy cô giáo trong trường, công đoàn trường cũng phải gương mẫu cùng lao động với mọi người, chăm sóc hoa cảnh quan, dọn dẹp vệ sinh trong trường. Theo cô Anh, tổng công lao động vật liệu đó của các ban, ngành, đoàn thể, của cha mẹ học sinh, giáo viên trong thời gian qua nếu qui ra tiền thì không dưới 200 triệu đồng. Điều quan trọng hơn, mỗi người trong xã khi đến đây đều thấy ngôi trường gần gũi với mình, thấy công sức mình đóng góp có tác dụng rất lớn với con cháu của mình.
GIA KHÁNH