Bài học kinh nghiệm về việc giảm nghèo nhanh và bền vững ở Lạc Dương

03:06, 03/06/2012

Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 30a, bộ mặt nông thôn trong huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo tại địa phương theo hướng bền vững.

Với xuất phát điểm thấp, lại có tỷ lệ người đồng bào dân tộc thiểu số khá cao (chiếm trên 83% tổng dân số toàn huyện), từ lâu, Lạc Dương được xếp vào nhóm địa phương khó khăn của tỉnh. Tuy chỉ có 6 đơn vị hành chính cấp xã, nhưng Lạc Dương lại có đến 4 xã và 3 thôn nghèo thuộc diện đầu tư theo Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững. Nhờ triển khai đồng bộ các giải pháp, chính sách hỗ trợ, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 30a, bộ mặt nông thôn trong huyện đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất tinh thần của người dân được nâng lên, góp phần đẩy nhanh tiến độ xóa đói giảm nghèo tại địa phương theo hướng bền vững.

Từ Chương trình 30a, đồng bào DTTS ở Xã Lát đã có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập
Từ Chương trình 30a, đồng bào DTTS ở Xã Lát đã có điều kiện đầu tư mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập


Cũng như nhiều địa phương khác, từ năm 2009, huyện Lạc Dương chính thức triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Để đạt được hiệu quả cao nhất, thời gian qua Huyện ủy Lạc Dương đã ban hành một số nghị quyết chuyên đề về phát triển kinh tế - xã hội về giảm nghèo nhanh và bền vững đến năm 2015. Trên cơ sở đó, UBND huyện cũng đã ban hành các chương trình, kế hoạch cụ thể thực hiện nghị quyết, chỉ thị của Huyện ủy và thành lập các tổ công tác hỗ trợ các xã và thôn nghèo khảo sát nhu cầu đầu tư của từng hộ và giao các ngành chuyên môn thẩm định. Theo đó, qua 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 30a, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện đã giảm mạnh theo hướng bền vững. Nếu như, cuối năm 2008, toàn huyện có hơn 910 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 25,37% tổng số hộ dân, trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 31,82% thì đến nay tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm xuống còn 754 hộ, chiếm 16,89% (trong đó hộ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 21,54%), giảm 171 hộ, tương đương với 6,19% so với cuối năm 2010. Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2015, tỷ lệ hộ nghèo trong huyện giảm xuống còn 10% (trong đó hộ nghèo trong đồng bào dân tộc thiểu số giảm xuống còn 15%), đạt mức giảm bình quân hộ nghèo từ 4-5%/năm. Riêng các xã nghèo giảm bình quân từ 6-8%/năm. Thời gian qua, huyện Lạc Dương đã tập trung thực hiện đồng bộ một số nhóm giải pháp, chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững, trong đó chú trọng quan tâm chỉ đạo thực hiện công tác giảm nghèo tại 4 xã, 3 thôn nghèo thuộc diện đầu tư theo Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững. Từ năm 2009 đến 2011, bằng nguồn ngân sách tỉnh, Lạc Dương đã hỗ trợ trên 23,4 tỷ đồng cho các xã nghèo, thôn nghèo trong huyện thực hiện các nội dung như: chăm sóc quản lý bảo vệ rừng, hỗ trợ khai hoang, phục hóa, thâm canh, chuyển đổi cây trồng, phân lô quy hoạch đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số, hỗ trợ học nghề... Ngoài ra, huyện còn thực hiện đồng bộ một số chính sách, dự án giảm nghèo khác như: chính sách ưu đãi cho vay hộ nghèo, khuyến nông - lâm - ngư và hỗ trợ phát triển sản xuất, phát triển ngành nghề; chính sách hỗ trợ giáo dục, y tế, nhà ở và đất sản xuất cho người nghèo, giao khoán quản lý bảo vệ rừng và xã hội hóa công tác xóa đói giảm nghèo... với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Theo đồng chí Đỗ Qúy Uy - Bí thư Huyện ủy Lạc Dương, bài học kinh nghiệm mà Lạc Dương đúc rút ra trong quá trình triển khai thực hiện công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, trước hết là phải có sự vào cuộc tích cực của các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể từ huyện đến cơ sở. Từ đó, bàn bạc đưa ra các nhóm chính sách đồng bộ phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương để triển khai có hiệu quả công tác giảm nghèo, góp phần nâng cao đời sống của người dân nói chung và người nghèo nói riêng ở các xã, thôn nghèo trong huyện. Các quy trình triển khai hỗ trợ cũng phải được thực hiện đúng đối tượng, những hộ dân được hưởng thụ phải được rà soát theo nhu cầu đăng ký, đúng tiêu chuẩn, quy định. Việc thực hiện các chính sách hỗ trợ cho người nghèo cần được công khai minh bạch, có sự tham gia của các ngành, đoàn thể tại địa phương nên người dân có niềm tin tuyệt đối vào những chủ trương, chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước đối với công tác xóa đói giảm nghèo tại địa phương. Hầu hết các hộ nghèo đã có ý thức tự lực tự cường, vươn lên thoát nghèo, tích cực tham gia học nghề, học tập kinh nghiệm trong sản xuất, chủ động vay vốn đầu tư mở rộng sản xuất mang lại hiệu quả kinh tế cao, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện điều kiện sống và sinh hoạt.

Có thể nói, sau hơn 3 năm triển khai thực hiện Chương trình 30a của Chính phủ về giảm nghèo nhanh và bền vững, đời sống của người dân nói chung và người nghèo được hưởng lợi trực tiếp từ chương trình này đã được cải thiện đáng kể; tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, cho thấy chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững ở Lạc Dương phát huy hiệu quả tốt, góp phần lớn vào việc khai thác nội lực trong nhân dân, thúc đẩy kinh tế Lạc Dương phát triển.

HỒNG HẢI