Việc phân bổ đồng đều, hợp lý các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Lâm Đồng là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Thay vì phải đến nơi công chứng, nhưng do đường đi cách trở quá xa xôi, nên người tham gia các giao dịch liên quan đến bất động sản ở vùng sâu, vùng xa của Lâm Đồng hiện phải đến chứng thực tại UBND xã nơi cư trú, buộc cán bộ xã phải kiêm nhiệm thêm công việc như một công chứng viên. Bởi vậy việc phân bổ đồng đều, hợp lý các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Lâm Đồng là một yêu cầu cấp thiết hiện nay.
Mỗi năm nhu cầu công chứng của người dân Lâm Đồng tăng từ 10,5% trở lên |
Ông Vũ Văn Sê, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng cho biết, Lâm Đồng hiện có 4 phòng công chứng và 11 văn phòng công chứng với 32 công chứng viên, trong 6 tháng đầu năm 2012, đã thực hiện công chứng 22.554 việc thuộc các lĩnh vực giao dịch dân sự khác nhau. Tính từ năm 2008 đến nay, mỗi năm số việc công chứng ở Lâm Đồng tăng từ 10,5% trở lên (năm 2008 là 64.154 việc, năm 2009 là 73.343 việc, năm 2010 là 78.218 việc...). Trong đó, số việc công chứng chiếm phần nhiều nhất ở các địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc. Tiếp theo, số việc công chứng chiếm phần khá nhiều là các huyện Đơn Dương, Di Linh, Lâm Hà, Bảo Lâm. Ít nhất là 6 ngàn việc trở lên mỗi năm ở mỗi huyện vùng xa như Lạc Dương, Đam Rông, Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên. “Vì vậy, đòi hỏi phải quy hoạch phát triển các tổ chức hành nghề công chứng theo kế hoạch, đảm bảo phân bố khoa học hợp lý, đáp ứng yêu cầu công chứng tại các khu vực có yêu cầu cao, nhưng vẫn đảm bảo thực hiện nhu cầu công chứng của người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, điều kiện kinh tế kém phát triển...” - ông Sê nói.
Tuy nhiên cũng theo ông Vũ Văn Sê, Giám đốc Sở Tư pháp Lâm Đồng, việc phát triển tổ chức hành nghề công chứng ở Lâm Đồng cũng phải theo những bước đi phù hợp. Theo đó, từ năm 2012- 2013, tập trung củng cố, kiện toàn các tổ chức hành nghề công chứng hiện có. Cụ thể, đến hết năm 2013, sẽ đình chỉ hoạt đồng tổ chức công chứng không đáp ứng một trong các điều kiện như: Có từ 2 công chứng viên trở lên; văn phòng mỹ quan, an toàn và thuận lợi cho người dân đến công chứng; diện tích làm việc tối thiểu 7 mét vuông mỗi nhân viên; diện tích kho lưu trữ hồ sơ tối thiểu 30 mét vuông...
Dự báo số việc công chứng tiếp tục tăng lên nhanh ở các địa bàn Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc đến năm 2015 từ 123 ngàn đến 130 ngàn, đến năm 2020 tăng lên từ 183 ngàn đến 190 ngàn. Tương tự số việc công chứng ở mỗi huyện còn lại trong tỉnh Lâm Đồng sẽ tăng lên từ 10 ngàn đến 11 ngàn vào năm 2015 và tăng lên từ 15 ngàn đến 16 ngàn vào năm 2020.
Để đáp ứng nhu cầu công chứng tăng nhanh theo dự báo, Sở Tư pháp Lâm Đồng sẽ phát triển mới các văn phòng công chứng khu vực tập trung đông dân cư ở huyện trong 2 năm 2014 và 2015. Đó là văn phòng công chứng huyện Đơn Dương đặt tại thị trấn Thạnh Mỹ, văn phòng công chứng 7 xã vùng loan của huyện Đức Trọng đặt tại xã Ninh Gia, văn phòng công chứng khu vực 5 xã vùng Tân Hà của huyện Lâm Hà, văn phòng công chứng 5 xã khu vực Hòa Ninh của huyện Di Linh, văn phòng công chứng khu vực thị trấn Lộc Thắng của huyện Bảo Lâm. Ở các huyện Lạc Dương, Đam Rông, Đạ Huoai, Cát Tiên, mỗi huyện thành lập 01 văn phòng công chứng đặt tại trung tâm huyện lỵ. Riêng huyện Đạ Tẻh, tiếp tục kiện toàn, nâng cao hiệu quả hoạt động của Phòng Công chứng số 4 thuộc Sở Tư pháp Lâm Đồng. Tiếp theo từ năm 2016 đến năm 2020, phát triển thêm các văn phòng công chứng khu vực mới như: Xuân Trường (Đà Lạt), Lộc Phát (Bảo Lộc), D’ran (Đơn Dương), Phi Nôm và Hiệp Thạnh (Đức Trọng), Gia Hiệp (Di Linh), Lộc Thành ( Bảo Lâm), Nam Ban (Lâm Hà).
Với quy hoạch mới nêu trên, đến năm 2020, toàn tỉnh Lâm Đồng có tất cả 29 tổ chức hành nghề công chứng phủ kín trên 29 khu vực tập trung dân cư của 10 huyện và 2 thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc. Trong đó, ở thành phố phát triển không quá 5 khu vực; ở huyện phát triển không quá 4 khu vực. Như vậy, quy hoạch này khi được Bộ Tư pháp thông qua, đến năm 2015, người dân vùng xa đến nơi thực hiện công chứng xa nhất khoảng 20 cây số; và đến năm 2020 đến nơi thực hiện công chứng xa nhất khoảng 10 cây số, và khi đó chắc chắn 100% các hợp đồng, giao dịch liên quan đến bất động sản trên tất cả các xã vùng sâu, vùng xa này đều được công chứng tại các tổ chức hành nghề công chứng, nơi nào thực hiện dịch vụ tốt nhất, thuận lợi nhất, nơi ấy người dân (thượng đế khách hàng) sẽ lựa chọn làm điểm đến.
VĂN VIỆT