Đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS là một nhiệm vụ quan trọng của huyện Bảo Lâm, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ để góp phần “giảm nghèo nhanh, bền vững”.
Với 7.654 hộ/34.983 nhân khẩu sinh sống tại 120 thôn, khu phố của 14 xã, thị trấn, đồng bào DTTS chiếm tỷ lệ 30% dân số toàn huyện Bảo Lâm. Đây là một khó khăn khá lớn của Bảo Lâm, bởi hầu hết đồng bào DTTS của huyện tập trung chủ yếu tại 3 xã vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, hoặc xen kẽ với người Kinh, nhưng đều ở những địa bàn khó khăn, lại trong hoàn cảnh trình độ dân trí thấp, kinh nghiệm sản xuất, năng lực đầu tư có hạn, nên KT-XH kém phát triển. Vì vậy, đầu tư phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS là một nhiệm vụ quan trọng của huyện Bảo Lâm, nhất là khi thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ để góp phần “giảm nghèo nhanh, bền vững”.
Hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc cà phê cho đồng bào DTTS ở huyện Bảo Lâm |
Từ thực tế của địa phương, huyện Bảo Lâm xác định: Lồng ghép đầu tư nguồn vốn của Nghị quyết 30a Chính phủ với nhiều chương trình, mục tiêu quốc gia khác nhau, nhằm tạo sự phát triển đồng bộ về kinh tế, xã hội của vùng đồng bào DTTS của địa phương. Từ chỗ xác định như vậy, trong những năm qua đã có hàng trăm tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước và huy động của các doanh nghiệp, nội lực nhân dân đã được đầu tư để phát triển sản xuất, chăn nuôi, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần, ổn định an sinh xã hội tại các vùng đồng bào DTTS của huyện, chẳng hạn: Chỉ tính từ năm 2011 đến nay, tại 3 xã vùng sâu, vùng xa, vùng ĐBKK Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm và 8 thôn nghèo DTTS thuộc Đề án “Giảm nghèo nhanh, bền vững” đã có nhiều chương trình, dự án được lồng ghép với Đề án 30a để phát triển KT-XH, cụ thể: Từ nguồn vốn của Chương trình 134 của Chính phủ, huyện Bảo Lâm đã đầu tư 5,5 tỷ đồng để xây dựng và sửa chữa 10 hệ thống giếng khoan cấp nước sinh hoạt tập trung tại các thôn đồng bào DTTS ở các xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm, B'Lá, Lộc Tân, Lộc Thành. Cùng với Chương trình 134, Chương trình 135 của Chính phủ giai đoạn II cũng đã đầu tư các vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm trên 11,5 tỷ đồng để phát triển cơ sở hạ tầng, duy tu, bảo dưỡng đường GTNT, và hỗ trợ phát triển sản xuất, đào tạo nâng cao năng lực cán bộ quản lý, giám sát cộng đồng và đào tạo nghề cho người lao động là đồng bào DTTS. Cùng với đó, chương trình ĐCĐC đầu tư 1 tỷ đồng để xây dựng đường GTNT ở thôn Nao Đơ, Nao Quang, xã Lộc Phú và chương trình tài trợ của EU cũng đầu tư 2,5 tỷ đồng để xây dựng đường GTNT tại thôn 1, xã Lộc Bảo. Đặc biệt, từ nguồn vốn của Đề án “Giảm nghèo nhanh, bền vững” theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, từ năm 2011 đến nay, 3 xã Lộc Bắc, Lộc Bảo, Lộc Lâm và 8 thôn nghèo vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm đã được đầu tư trên 11,3 tỷ đồng để hỗ trợ chuyển đổi giống cây trồng, giao khoán QLBV rừng, trồng mới và chăm sóc rừng trồng. Với việc lồng ghép đầu tư vốn của các chương trình, dự án nói trên, hiện nay kết cấu hạ tầng cơ sở điện - đường - trường - trạm - GTNT ở các vùng đồng bào DTTS huyện Bảo Lâm đã khá đồng bộ, đáp ứng khá tốt nhu cầu phát triển KT-XH và sinh hoạt của người dân. Đặc biệt, trong lĩnh vực giao thông, với một hệ thống đường GTNT đến tận thôn buôn, thuận lợi cho bà con DTTS trong việc đi lại, vận chuyển, trao đổi, tiêu thụ các mặt hàng nông sản để tổ chức sản xuất hàng hóa. Nhờ vậy, tại một số địa phương như Lộc Bắc, Lộc Lâm, hoặc một số thôn DTTS khác đã xuất hiện một số mô hình sản xuất, chăn nuôi theo công nghệ tiên tiến mang lại hiệu quả kinh tế cao. Cũng từ năm 2011 đến nay, tại các vùng đồng bào DTTS của Bảo Lâm đã có gần 45.500 ha cây trồng các loại, trong đó chiếm tỷ lệ lớn là cà phê, chè cho năng suất khá cao, lúa nước 2 vụ 42 ha và đã có trên dưới 60.000 ha rừng được giao khoán QLBV, trên 38.000 ha rừng được chi trả dịch vụ rừng cho hàng ngàn hộ đồng bào DTTS. Sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi tại các vùng đồng bào DTTS cũng mang lại những kết quả tích cực, mở ra triển vọng trong việc nâng cao đời sống vật chất cho người dân.
Cùng với việc lồng ghép đầu tư từ các chương trình, dự án để phát triển hạ tầng cơ sở và kinh tế, trong hơn hai năm qua, huyện Bảo Lâm cũng đã đầu tư khá thỏa đáng vào vùng đồng bào DTTS trên lĩnh vực văn hóa, đời sống và đào tạo nhân lực để góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, trình độ dân trí và năng lực điều hành bộ máy chính quyền cho các địa phương vùng đồng bào DTTS, chẳng hạn: Ngoài việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất trường lớp, trạm y tế, đội ngũ giáo viên, y - bác sĩ để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao về học tập, khám chữa bệnh của bà con DTTS (đến nay, các vùng đồng bào DTTS của huyện đều có trường học 3 cấp và trạm y tế), huyện Bảo Lâm còn mở nhiều lớp bồi dưỡng nghiệp vụ quản lý chương trình, dự án, tổ tự quản, quản lý hành chính cho cán bộ xã, thôn là người đồng bào DTTS và cử tuyển 22 học sinh theo học tại các trường chuyên nghiệp từ trung cấp đến đại học. Ngoài ra, huyện cũng thực hiện nhiều chính sách hỗ trợ cho đồng bào DTTS như: Hỗ trợ 608 triệu đồng cho học sinh, sinh viên là người DTTS, hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng cho 3.582 hộ nghèo DTTS, cấp 12.920 lít dầu lửa cho 2.584 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ chính sách đồng bào DTTS, cấp 14.892 thẻ BHYT miễn phí cho đồng bào DTTS và chỉ đạo ngân hàng CSXH huyện cho hàng trăm hộ đồng bào DTTS vay vốn đầu tư phát triển sản xuất. Đặc biệt, hệ thống chính trị từ xã đến thôn của các vùng đồng bào DTTS được củng cố, tăng cường, công tác tuyên truyền, vận động bà con chấp hành chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng - Nhà nước được quan tâm thực hiện có hiệu quả. Nhờ vậy, ANCT-TTATXH và an sinh xã hội tại các vùng đồng bào DTTS của Bảo Lâm luôn được đảm bảo.
Ông Vương Khả Kim - Phó Chủ tịch UBND huyện Bảo Lâm khẳng định rằng: “Với việc quan tâm đầu tư toàn diện vùng đồng bào DTTS những năm qua, huyện Bảo Lâm đã tạo ra triển vọng mới trong việc phát triển mạnh mẽ KT-XH tại các địa phương vốn được xem là ĐBKK của huyện. Trước mắt, đã góp phần “giảm nghèo nhanh, bền vững” bằng việc hạ thấp tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 49,19% năm 2006, xuống còn dưới 12%, trong đó vùng đồng bào DTTS giảm từ 74,42% xuống còn dưới 18%. Đây là sự tạo đà tốt cho những bước phát triển vượt bậc, vững chắc trong những năm tới”.
Hoàng Vương Mỹ