Cách đây hơn 20 năm, 29 hộ đồng bào dân tộc Mạ, Chu Ru ấy đã lang thang hết vùng đất này, đến vùng đất khác kiếm sống. Nhưng đất không bén hơi người, người không sống nổi với đất, nên cái đói, cái rét, cái bệnh tật vẫn cứ đeo bám hoài với những người con của núi rừng Tây Nguyên...
Cách đây hơn 20 năm, 29 hộ đồng bào dân tộc Mạ, Chu Ru ấy đã lang thang hết vùng đất này, đến vùng đất khác kiếm sống. Nhưng đất không bén hơi người, người không sống nổi với đất, nên cái đói, cái rét, cái bệnh tật vẫn cứ đeo bám hoài với những người con của núi rừng Tây Nguyên. Không thể đứng nhìn cảnh những người anh em và cả bà con ruột rà, thân thích của mình cứ đói khổ hoài, già làng Kơ Tôl Ha Chòng cùng một số chức sắc, người lớn tuổi khác quyết định đưa 29 hộ bà con quay trở về buôn cũ Dạ Ju lập nghiệp. Đến ngày 15/5/1992, các già làng trong buôn quyết tâm giãn dân, thành lập buôn; và thôn trưởng Ha K' Rơng dịch Da Ju ra tiếng phổ thông là Buôn Chuối. Từ đó, Buôn Chuối trở thành thôn định canh, định cư của đồng bào DTTS nơi đây và cũng từ đó đến nay, cuộc sống của người dân trong buôn mới thật sự thay da, đổi thịt, và ai đi đâu, về đâu cũng nhớ ngày 15/5 là ngày ra đời của thôn Buôn Chuối, để trở về thôn vui cùng với bà con.
Sinh hoạt văn hóa cồng chiêng của bà con Buôn Chuối |
Nâng chén rượu sóng sánh mời khách, trong men tình, men rượu thăng hoa, già làng Cil Ha Sơng kể cho tôi nghe cội nguồn của thôn Buôn Chuối, cùng những đóng góp của người dân trong thôn cho cách mạng trong những ngày đánh Pháp, đánh Mỹ. Thôn Buôn Chuối có nguồn gốc là buôn Dạ Ju có từ năm 1948, nghĩa là Buôn suối chuối, năm 1992 được già làng Ha K' Rơng quyết định đặt tên gọi là thôn Buôn Chuối. Trong những năm đánh Pháp, tuy cuộc sống du canh du cư phát rẫy làm nương trồng lúa, ngô, khoai, sắn, cuộc sống của người dân bữa đói, bữa no, nhưng tấm lòng với cách mạng thì không bao giờ bị thiếu, vì thế bà con đêm đêm tiếp tế cái ăn, cái mặc và cả thuốc men cho cán bộ. Giặc Pháp biết được chuyện đó đã dồn dân của 4 buôn, trong đó có cả buôn Dạ Ju về sống tập trung tại xã Tà Nung. Sau năm 1955, hòa bình lập lại, bà con trở về buôn củ sinh cơ lập nghiệp và tiếp tục gắn bó với cách mạng. Lại đánh Mỹ, nhiều người con của Buôn vào rừng trở thành giao liên và du kích cầm súng đánh giặc. Người già, phụ nữ ở nhà lại lên nương, lên rẫy làm cái lúa, trồng cái bắp, cái sắn tiếp tế lương thực cho cán bộ ở trong vùng căn cứ. Mỹ - Ngụy biết được điều đó, hết tuyên truyền, dụ dỗ, đến lùng sục, kiểm soát khắt khe, quyết liệt, nhưng tấm lòng của người dân vẫn gửi gắm cho cách mạng. Vì thế, cơ sở hoạt động bí mật của cách mạng vẫn được an toàn, bí mật, cán bộ vẫn “no cái bụng, khỏe cái chân, cái tay” để đánh giặc. Một lần nữa, kẻ thù lại dồn dân, lập ấp, xua đuổi người dân trong buôn về thôn Cần Reo, xã Liên Hiệp, huyện Đức Trọng vào năm Mậu Thân 1968. Tuy sống trong sự kìm kẹp của kẻ địch nơi lập ấp mới, nhưng lòng người dân buôn Dạ Ju vẫn luôn nhớ về buôn cũ, về những cán bộ đang chịu gian khổ hy sinh để đánh giặc giữ buôn làng. Năm 1975, miền Nam được hoàn toàn giải phóng, trong niềm vui đoàn tụ Bắc - Nam, người dân buôn Dạ Ju cứ nghĩ mình sẽ có được niềm vui trở về buôn cũ. Nhưng chưa được hưởng niềm vui trọn vẹn cùng đất nước, người dân buôn Dạ Ju vẫn tiếp tục lang thang đây đó, vì sự chống phá điên cuồng của Fulrô cấu kết với các thế lực thù địch cách mạng bên ngoài. Phải hơn mười năm sau, bà con mới có điều kiện trở về thăm buôn cũ trong cảnh hoang tàn, lạc hậu. Và mãi đến năm 1990, khi già làng Kơ Tôl Ha Chòng, cùng 7 người già khác quyết tâm đưa 29 hộ về buôn cũ, và sau nhiều lần giãn dân, tách hộ với sự hỗ trợ bằng nhiều việc làm thiết thực, có hiệu quả của chính quyền cách mạng, thôn Buôn Chuối mới chính thức được tái lập và không ngừng ổn định, phát triển.
Có mặt trong ngày vui kỷ niệm thành lập thôn, Thôn trưởng Cil Ha Màng từ tốn nói với mọi người: "Có được thành quả hôm nay, không phải ngày một ngày hai và cũng không dễ dàng chút nào, mà phải trải qua nhiều năm tháng gian lao vất vả làm công tác tuyên truyền, vận động người dân trong thôn ĐCĐC, làm ăn theo phương thức mới, xóa bỏ nhiều tập tục lạc hậu. Để làm được việc này, ngoài sự đầu tư nhiều mặt của Nhà nước, còn có sự hỗ trợ mạnh mẽ của các già làng, những người đi trước và cả sự nỗ lực phấn đấu của Ban thôn, cùng mọi người dân trong thôn. Theo lời kể của trưởng thôn, những ngày đầu mới về định cư tại thôn Buôn Chuối, do đã quen với du canh “chọc lỗ, bỏ hạt”, vài ba vụ phải di chuyển nơi trồng trọt mới, trong điều kiện đất đai có hạn, Nhà nước cấm phá rừng làm rẫy, các ban ngành của thôn phải tranh thủ sự hỗ trợ của các già làng trong tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ tập quán sản xuất lạc hậu, chăn nuôi thả rông... sang trồng cây công nghiệp dài ngày và thâm canh lúa nước, kết hợp với chăn nuôi chuồng trại theo mô hình khép kín VAC. Kiên trì vận động, kết hợp với sự đầu tư thỏa đáng của Nhà nước, đến nay, thôn Buôn Chuối đã có một nền sản xuất, chăn nuôi khá ổn định với 200 ha cà phê, 12 ha lúa nước 2 vụ, 8 ha dâu tằm, 30 ha hoa màu, đậu đỗ và đàn heo 4.000 con, đàn gà trên 50.000 con, đàn dê, trâu, bò gần 70 con... Đặc biệt, trên địa bàn thôn hiện có 4 trang trại sản xuất theo hướng công nghệ cao, trong đó một trang trại chăn nuôi có quy mô lớn, áp dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, hiện đại, đã góp phần giải quyết hàng chục lao động của thôn. Nhờ vậy, từ chỗ 100% hộ dân đều thuộc diện nghèo đói những ngày đầu được thành lập, toàn thôn Buôn Chuối chỉ còn khoảng 40/140 hộ nghèo, không còn hộ đói và có đến 68 hộ được công nhận hộ gia đình văn hóa.
Cùng với đó, kết cấu hạ tầng điện, đường, trường, trạm được đầu tư xây dựng khá đồng bộ là yếu tố quan trọng giúp thôn Buôn Chuối tiếp tục vươn lên thoát nghèo nhanh, bền vững trong thời gian tới. Đây chính là thành quả của 20 năm kiên trì xây dựng cuộc sống ĐCĐC ở một vùng căn cứ cách mạng vốn nghèo nàn, lạc hậu và đầy gian khổ, ác liệt do chiến tranh gây nên.
Hoàng Kiến Giang