WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên) là một trong những tổ chức môi trường quốc tế đầu tiên hoạt động tại Việt Nam...
WWF (Quỹ Quốc tế bảo vệ thiên nhiên) là một trong những tổ chức môi trường quốc tế đầu tiên hoạt động tại Việt Nam. Tại Lâm Đồng, dự án “Đa dạng hóa cảnh quan và cải thiện sinh kế cho người dân” tại hai xã Phước Cát 2 và Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên do Danida và Bưu chính Đan Mạch tài trợ được WWF - VN phối hợp với WWF - Đan Mạch thực hiện từ năm 2008, đến nay kết thúc, đã mở ra nhiều triển vọng trong sản xuất nông - lâm nghiệp, góp phần cải thiện môi trường và đời sống cho người dân tại địa phương còn gặp nhiều khó khăn.
Mô hình trồng mới điều giống mới ở hai xã Phước Cát 2 và Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên |
Sở dĩ chọn hai xã Phước Cát 2 và Tiên Hoàng thực hiện dự án là bởi hai xã này thuộc diện nghèo nhất của huyện Cát Tiên có toàn bộ diện tích nằm trọn trong vùng lõi, vùng đệm của VQG Cát Tiên, kinh tế chủ yếu sản xuất nông nghiệp với trên 85% dân số sống dựa vào cây điều. Do đó, thực hiện dự án tại hai xã này nhằm mục đích cải thiện đời sống cho người dân và giảm áp lực đối với tài nguyên, thiên nhiên, mà trước hết là đối với sinh thái VQG Cát Tiên. Vì vậy, khi dự án được triển khai thực hiện đã nhận được sự đồng thuận của người dân, sự nhiệt tình công tác của đội ngũ tập huấn viên (TOT), điều phối viên hiện trường và sự ủng hộ mạnh mẽ của ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương các cấp. Kết quả, trong 4 năm qua đã có 413 hộ dân trong 11 thôn của hai xã Phước Cát 2 và Tiên Hoàng được điều tra, khảo sát tình hình sử dụng đất, sản xuất nông nghiệp, đời sống, tác động xấu đến tài nguyên rừng... và đã thành lập được đội ngũ TOT, 11 CLB nông dân trong dự án, với 314 thành viên được tập huấn 10 nội dung cần thiết để thực hiện dự án, nhất là việc tỉa cành, tạo tán và kỹ thuật chăm sóc cây điều, ca cao. Đặc biệt, trong năm 2010, dự án đã hỗ trợ kỹ thuật, vật tư nông nghiệp để xây dựng 5 mô hình trình diễn “Thực hành thâm canh cải tạo vườn điều” và trồng mới 2,5 ha điều cao sản tại 5 hộ dân của hai xã để làm điểm tham quan, học tập, rút kinh nghiệm sản xuất theo phương thức tiên tiến cho các hộ dân trong dự án. Đồng thời, dự án cũng đã vận động, hỗ trợ xây dựng 2 mô hình làm đường đồng mức, làm băng chống xói mòn trên diện tích cây điều trồng trên đất dốc tại hộ ông Lê Văn Thanh (xã Phước Cát 2) và hộ ông Trần Trọng Hùng (xã Tiên Hoàng), mang lại kết quả khả quan. Sau khi triển khai việc cải tạo vườn điều bước đầu đạt kết quả khá tốt, dự án đã kết nối các CLB nông dân với các doanh nghiệp, các cơ sở thu mua, chế biến điều trong ngoài tỉnh như: Công ty chế biến điều Hà My (Bình Phước), Công ty O Lam (Lâm Đồng), Nhà máy điều Đạ Huoai, các cơ sở thu mua điều Cát Tiên và phối hợp với HTX Gia Lê hình thành 2 điểm thu mua điều. Tuy kết quả ban đầu chưa được như mong muốn, nhưng qua sự kết nối này, nhiều hộ nông dân tại 2 xã trong dự án nói riêng và 3 huyện phía nam của Lâm Đồng nói chung đã hạn chế được tình trạng bán điều non, hoặc pha trộn tạp chất vào hạt điều khi đưa ra thị trường tiêu thụ, mở ra triển vọng về sản xuất, kinh doanh điều “sạch”.
Ngoài ra, cũng tại các xã Phước Cát 2, Tiên Hoàng (Cát Tiên), Phước Lộc (Đạ Huoai), dự án WWF - VN đã xây dựng 25 mô hình sản xuất ca cao bền vững, trong đó có 10 mô hình trồng xen ca cao trong vườn điều và xây dựng 4 mô hình sản xuất ca cao theo hướng hữu cơ tại vườn các hộ dân Ngô Văn Chương (0,6 ha/450 cây), Nguyễn Văn Xuyên (2,5 ha/1.300 cây) ở xã Phước Cát 2; Đinh Quang Thủy (1,5 ha/900 cây), Đinh Thế Vĩnh (4ha/2.000 cây) ở xã Tiên Hoàng và mô hình sản xuất nông - lâm kết hợp bền vững bằng việc trồng ca cao dưới tán rừng, trồng sầu riêng ghép với diện tích 39 ha và đưa cây bời lời, giáng hương về trồng xen trong vườn điều năng suất kém ở các hộ ông Toàn, ông Hùng. Sau khi xây dựng mô hình điểm, dự án đã tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc, thu hoạch, bảo quản ca cao cho 315 lượt nông dân, cùng T0T và tổ chức nhiều đợt tham quan tại các CLB ca cao tỉnh Bình Phước. Mặt khác, dự án cũng đã phối hợp với Công ty Cargill hình thành 2 điểm thu mua ca cao tại vườn của 2 T0T ở hai xã có điều kiện thu mua và lên men, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật thu hoạch, lên men, bảo quản hạt ca cao cho 3 mô hình đã cho thu hoạch với tỷ lệ lên men đạt 95%. Dự án cũng đã phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tiến hành khảo sát hiện trạng sản xuất ca cao và xác định khu vực, diện tích có khả năng phát triển ca cao đến năm 2020 ở nhiều địa phương khác nhau. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Lâm Đồng đã ban hành Quyết định 1920/QĐ-UBND phê duyệt quy hoạch phát triển ca cao trên địa bàn tỉnh đến năm 2020, với diện tích 3 huyện phía nam Đạ Huoai, Đạ Tẻh, Cát Tiên là 5.000 ha.
Với việc thực hiện dự án “Đa dạng hóa cảnh quan và cải thiện sinh kế cho người dân” của WWF-VN 4 năm qua ở hai xã Phước Cát 2, Tiên Hoàng (Cát Tiên) và xã Phước Lộc (Đạ Huoai), đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế cây trồng, để tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, nhưng quan trọng hơn là đã mở ra triển vọng lớn về tạo dựng một nền sản xuất khoa học tiên tiến và bảo vệ tài nguyên, môi trường bền vững, góp phần xây dựng môi trường sống an toàn, lành mạnh, có chất lượng cao trong tương lai.
Hoàng Vương Mỹ
Ảnh: Mô hình trồng mới điều giống mới ở hai xã Phước Cát 2 và Tiên Hoàng, huyện Cát Tiên.