Thông qua các buổi tuyên truyền của CLB, hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên và chị em phụ nữ được bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
Từ 1 câu lạc bộ (CLB) điểm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Việt Nam vào năm 2006, đến nay, toàn huyện Đạ Huoai đã phát triển được 13 CLB “Phụ nữ với kiến thức pháp luật”. Thông qua các buổi tuyên truyền của CLB, hàng ngàn lượt cán bộ, hội viên và chị em phụ nữ được bồi dưỡng kiến thức pháp luật.
“Sân khấu hóa” tuyên truyền kiến thức pháp luật |
Chị Vũ Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đạ Huoai, cho biết: CLB điểm được thành lập cách đây 5 năm theo Đề án 2 (Chương trình 212) của Trung ương Hội LHPN Việt Nam. Mục tiêu của đề án này là đẩy mạnh tuyên truyền, vận động chấp hành pháp luật trong cán bộ, hội viên phụ nữ ở cộng đồng dân cư. Triển khai đề án này, Hội LHPN Đạ Huoai đã chọn xã Madagui làm “điểm” của trung ương và xã Đạ Ploa làm “điểm” của tỉnh. Sau 2 năm hoạt động, Hội đã quyết định nhân rộng mô hình CLB phụ nữ với kiến thức pháp luật đến 100% tổ chức cơ sở Hội. Hiện tại, toàn huyện đã hình thành 13 CLB tại 10 xã, thị trấn; trong đó, có 3 xã thành lập 2 CLB là Madagui, Đạ Ploa và Đạ Oai. Từ chỗ chỉ có 163 thành viên tham gia CLB điểm, đến nay con số này đã phát triển lên 775.
Sau 5 năm hoạt động, hiệu quả rõ nét nhất mà các CLB mang lại là bồi dưỡng kiến thức pháp luật cơ bản cho phụ nữ. Qua các buổi sinh hoạt định kì, những kiến thức pháp luật thiết thực liên quan đến đời sống đã được lồng ghép tuyên truyền một cách có hiệu quả. Nhờ đó, chị em đã hiểu thêm kiến thức về Luật đất đai, Luật hôn nhân gia đình, Luật phòng chống bạo lực gia đình, Luật bình đẳng giới, Luật chăm sóc và bảo vệ trẻ em, Pháp lệnh dân số… Chị Bùi Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN, Chủ nhiệm CLB Phụ nữ với kiến thức pháp luật xã Madagui, cho biết: “Trước đây, rất nhiều hội viên và bà con trong vùng chưa hiểu và nắm bắt các chính sách, pháp luật của Nhà nước. Do đó, tình trạng vi phạm lâm luật vẫn còn phổ biến, nạn bạo lực gia đình vẫn diễn ra thường xuyên… Từ khi thành lập CLB, thông qua các buổi sinh hoạt chuyên đề, các thành viên CLB đã giúp cho phụ nữ và bà con có thêm kiến thức pháp luật; nhờ đó, góp phần làm giảm tình trạng vi phạm pháp luật, như phát rừng, lấn chiếm đất rừng để làm rẫy… và giảm đơn thư khiếu nại, tố cáo. Đặc biệt, chị em đã biết tìm đến các cơ quan pháp luật để nhờ can thiệp khi có bạo lực gia đình xảy ra, không còn “cắn răng” chịu đựng như trước đây nữa!”. Hiện tại, ngoài CLB này, xã Madagui còn có CLB thôn 8 với gần 40 thành viên, chủ yếu là phụ nữ người DTTS tham gia. CLB thôn 8 cũng đã góp phần tích cực trong việc tuyên truyền kiến thức pháp luật đến với bà con DTTS.
Truyền đạt kiến thức pháp luật thường khô khan và rất khó để chị em tiếp thu. Các CLB đã tìm cách làm phong phú hình thức sinh hoạt. Mỗi lần sinh hoạt, các CLB chỉ chọn một chủ đề trọng tâm liên quan đến một luật nào đó để tuyên truyền. Hình thức tuyên truyền có thể trực tiếp hoặc sân khấu hóa. Hàng năm, Hội LHPN tỉnh và Sở Tư pháp đều tổ chức tư vấn pháp lý cho các CLB. Các vấn đề chưa rõ đều được giải đáp để chị em về phổ biến lại. Hội LHPN Đạ Huoai còn tổ chức các cuộc thi về kiến thức pháp luật nhằm nâng cao “tay nghề” cho các thành viên CLB. Hiện, hầu hết các thôn, khu phố tại 10 xã, thị trấn đều có nhóm nòng cốt để tuyên truyền lại kiến thức mà thành viên CLB đã truyền đạt. Chính vì vậy, kiến thức pháp luật đã từng bước lan tỏa trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên, theo chị Vũ Thị Phương, Chủ tịch Hội LHPN huyện Đạ Huoai: Số lượng thành viên tham gia các CLB hiện còn ít so với tổng số hội viên. Mong muốn của Hội là có nhiều thành viên tham gia các CLB hơn nữa, nhưng kinh phí để duy trì không đủ. Do đó, trong thời gian tới, Hội không chủ trương mở rộng quy mô mà tập trung nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB đã có, bằng cách lồng ghép tuyên truyền kiến thức pháp luật vào các kỳ sinh hoạt của Hội phụ nữ ở các thôn.
Đông Anh