Một chiều lạnh, nhạc sĩ Đình Nghĩ gọi điện cho tôi, bảo: “Đi với Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng về Đầm Ròn một chuyến nhé!”. Thế là tôi xách ba-lô nhảy xe về Đầm Ròn.
Một chiều lạnh, nhạc sĩ Đình Nghĩ gọi điện cho tôi, bảo: “Đi với Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng về Đầm Ròn một chuyến nhé!”. Thế là tôi xách ba-lô nhảy xe về Đầm Ròn.
Một tiết mục múa ấn tuợng |
8 giờ tối, Đoàn bắt đầu biểu diễn. Tôi bỗng nhiên lạc vào một thế giới mơn man thần tiên, được vây phủ bởi hương nữ, gió ngàn, trăng sương. Ở nơi chốn đó, tai tôi như mê đi trong tiếng nhạc du dương, trầm lặng; mắt tôi được thỏa thích nhìn ngắm biết bao vũ điệu tuyệt vời, những ảnh hình tuyệt mỹ. Các chàng trai, cô gái Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng đã biến đêm diễn phục vụ đồng bào trở nên linh động, ngập tràn nỗi đam si, qua dáng hình mềm mại, uyển chuyển; qua cung bậc giàu cảm xúc của thanh âm, khối ánh sáng ảo huyền miên viễn trong không gian thoáng đãng, nằng nặng hơi thở rừng. Đặc biệt là về phía khán giả, tôi chưa thấy ở đâu cái chất cao nguyên lại bung tỏa một cách tự do, mê si, hào hứng và đậm đặc như ở Đầm Ròn. Cả khoảng sân rộng thênh thang của Trung tâm Văn hóa xã Đầm Ròn chật ních người. Không những thế, bà con còn đứng ken đặc hai bên vệ đường để được mặc sức hò reo, vỗ tay tán thưởng từng tiết mục nghệ thuật. Chứng kiến nụ cười rạng ngời trên những khuôn mặt sạm nâu nắng gió ấy, tôi thật sự bàng hoàng, rồi bất chợt liên tưởng đến lời người xưa từng nói: “Nhân sinh chi hữu hạn, nghệ thuật thị vô biên”. Sức lan tỏa, đồng vọng của cái đẹp quả ghê gớm và đầy quyền năng!
Thành lập năm 1978, từ lớp năng khiếu ngắn hạn do Lâm Đồng nhà tổ chức; hiện nay Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng có 34 thành viên, đa số tuổi đời đều dưới 30, trên 50 chỉ 2 người… Ngoài trình độ chuyên môn nghiệp vụ giỏi, đáp ứng nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao của quảng đại quần chúng, các thành viên Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng luôn có ý thức trách nhiệm, bản lĩnh chính trị vững vàng trong chuyên môn, nghiệp vụ. Vì vậy, Đoàn luôn hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ chính trị mà tỉnh giao phó. Hàng năm, cứ vào đầu mùa khô, Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng lại hăm hở với những chuyến lưu diễn ở hầu khắp các xã vùng sâu, vùng xa có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, phục vụ bà con khoảng 100 buổi; đến tháng 11-12, hành trình lưu diễn vùng miền được tiếp tục. Đan xen giữa những lần đi công diễn đó, Đoàn còn tham gia phục vụ các ngày lễ lớn trong nước, quốc tế theo yêu cầu của tỉnh. Mấy năm gần đây, với sự quan tâm của chính quyền địa phương, Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng được đầu tư, đổi mới đồng bộ các hệ thống trang thiết bị kỹ thuật, phương tiện phục vụ, hoạt động sáng tác, tập luyện, biểu diễn. Hiện nay, Đoàn đã có dàn âm thanh hiện đại, có một xe sân khấu phục vụ biểu diễn lưu động ở các vùng miền.
Bên cạnh niềm vui được cống hiến nghệ thuật, thì vẫn còn đó những nỗi băn khoăn không dễ gì chia sẻ, như đối với các thành viên đã lập gia đình trong thời gian đi công tác xa là việc gửi con trẻ ở đâu? Người may mắn thì nhờ ông bà nội ngoại đưa đón, kèm cặp, chăm bẵm. Có người gửi ở nhà cô giáo, rồi đóng cả tiền ăn ở lẫn học hành. Có người đành nhờ hàng xóm trông hộ. Cũng có người tiến thoái lưỡng nan... Cha mẹ phải thường xuyên xa con cái. Đó là một hy sinh. Còn bản thân các diễn viên cũng chịu không ít thiệt thòi: mắc võng ngủ rừng, trải chiếu nằm đất, ăn mì gói, cơm bụi là thường; hoặc nước nôi, tắm rửa, giặt giũ đều phải nhờ ở nhà dân. Phải chăng chính nỗi nhớ nhà, nhớ con cùng sự gian nan, vất vả đã thăng hoa vào lời ca, điệu múa, tiếng đàn làm cho chúng mượt mà hơn, ngọt ngào, nồng ấm, sâu lắng hơn? Và tiếng vỗ tay của khán giả cũng theo đó mà nồng nhiệt hơn, kéo dài hơn? Triệu Thị Lệ Phương 29 tuổi, cô gái Tây Bắc với 12 năm hành nghề, là một trong số những diễn viên múa có hoàn cảnh như thế. Chồng chị hiện đang theo học tại Trường Đại học VHNT Quân đội ở Hà Nội. Gian nan là thế, vất vả là thế, song bằng tấm lòng say mê nghệ thuật, những điệu múa do chị thể hiện vẫn mơ màng sương khói và đượm chất liêu trai. Đấy cũng là phẩm chất đáng quý của tất thảy các thành viên trong Đoàn Ca múa nhạc Lâm Đồng, họ luôn biết cách vượt thoát nghịch cảnh đời thường, để khi biểu diễn tâm hồn vẫn trong veo, tiếng đàn, tiếng hát, điệu múa vẫn ngọt lịm, da diết. Cô bé Roda Nai Vi, người Chu Ru, 19 tuổi nhưng đã 5 năm theo nghề. Roda Nai Vi ở đội nhạc cụ dân tộc, sử dụng thành thạo đàn t’rưng, k’lông pút, đinh dựt… Vừa tốt nghiệp trường Trung cấp VHNT Gia Lai do tỉnh Lâm Đồng gửi đi đào tạo, khi tôi hỏi về những trải nghiệm cùng Đoàn, em hồn nhiên trả lời: “Chỉ cần thấy nhiều khán giả đến xem, vỗ tay là em vui rồi”. Đáng quý thay tâm hồn mộc mạc, chân chất của sơn nữ Chu Ru này!
Đêm diễn ở Đầm Ròn được bắt đầu với tiết mục múa “Trống cơm”, dân ca Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trước mắt tôi, cả trời thôn quê đất Bắc hiện ra với không khí rộn ràng, vui tươi. Những nam nữ vũ công rất dễ thương trong trang phục chân quê: nam mặc quần nâu áo vá, nữ yếm lụa trễ lưng, đầu vấn khăn… đẹp mỡ màng và tinh tế. Từng gam màu, từng phong cách tạo hình nhân vật lẫn phục trang sân khấu, âm thanh, ánh sáng đều tôn lên nét đẹp của mỗi vũ công. Rồi những làn điệu dân ca vùng miền khác cũng được cất lên. Tuy nhiên, âm chủ của đêm diễn vẫn là các làn điệu dân ca Cill, Mạ, K’Ho - những cư dân bản địa Nam Tây Nguyên, đã đưa tôi trở về một vùng đất thênh thang bao la nắng gió. Màn song tấu đàn t’rưng “Bóng cây Kơ-nia” do Nai Ngân và Nai Vi biểu diễn thật ấn tượng…
Chương trình kết thúc bằng điệu múa “Về phía đại ngàn”. Bữa tiệc âm nhạc phục vụ đồng bào khép lại, nhưng dư vang của những câu hát nồng nàn lãng du, những điệu múa dịu dàng, duyên dáng, những thanh âm hoang dã đại ngàn vẫn theo mãi trong tôi như một ký ức đẹp. Ký ức về một đêm sương, phong nhiêu hơi thở rừng.
Trịnh Chu