Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên lĩnh vực này...
Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị 11-CT/TW của Bộ Chính trị “về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội học tập”, các cấp ủy đảng và chính quyền trong tỉnh đã quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện trên lĩnh vực này. Hội Khuyến học các cấp đã tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền và sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể, nhất là ngành giáo dục và đào tạo trong việc phát triển và đẩy mạnh các hoạt động của Hội. Hội đã khẳng định được vị trí, vai trò quan trọng trong sự nghiệp xã hội hóa giáo dục.
Thành phố Đà Lạt khen thưởng học sinh giỏi các cấp năm học 2011 - 2012. Ảnh: VĂN BÁU |
Tổ chức Hội và hội viên phát triển sâu rộng
Hội Khuyến học Lâm Đồng thành lập năm 2000. Ban Chấp hành Hội nhiệm kỳ 2010-2015 có 45 người. Cơ cấu Ban chấp hành Hội Khuyến học các cấp có sự tham gia của cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể liên quan, thể hiện sự nhận thức sâu sắc nhiệm vụ khuyến học, khuyến tài, xây dựng xã hội hóa giáo dục. Thời gian qua, nhất là giai đoạn 2007 đến nay, Hội hoạt động đạt hiệu quả cao. Tổ chức Hội và hội viên ngày càng phát triển sâu rộng cả về số lượng, chất lượng; đã phối hợp chặt chẽ với ngành giáo dục và đào tạo và các ngành liên quan để huy động các nguồn lực trong và ngoài nhà trường nhằm tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở giáo dục và đào tạo. Hội tham gia cùng ngành giáo dục và đào tạo xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, nâng cao chất lượng dạy và học; tặng học bổng và khen thưởng học sinh giỏi, học sinh nghèo vượt khó học tập tiến bộ; khen thưởng các thầy cô giáo có thành tích cao trong công tác, bồi dưỡng học sinh giỏi. Hội Khuyến học cơ sở gắn bó chặt chẽ với các nhà trường để làm công tác của Hội, đồng thời hỗ trợ tích cực trong mọi hoạt động của nhà trường.
Quan tâm đến sự nghiệp giáo dục - đào tạo, đến nay, Lâm Đồng có 653 trường học, tăng 16 trường so với năm trước. Trong đó Mầm non 190 trường (tăng 10 trường), Tiểu học 253 trường (tăng 4 trường), Trung học cơ sở 145 trường (tăng 3 trường), Trung học phổ thông 58 trường (giảm 1 trường), Trung tâm GDTX và Trung tâm KTTH- HN 13 trường, CĐ và TCCN (do Sở GD&ĐT quản lý) 2 trường, Trường Khuyết tật 2 trường. Ngoài ra, toàn tỉnh còn có 120 trung tâm học tập cộng đồng do xã, phường, quản lý, thu hút đông người lao động, thanh thiếu niên tham gia học nghề, chuyển giao công nghệ nuôi trồng, tư vấn về dân số - kế hoạch hóa gia đình, giáo dục pháp luật. Toàn tỉnh đã xây dựng được 47.344 gia đình hiếu học, 104 dòng họ hiếu học, 122 hội đồng hương khuyến học và có hàng trăm thôn, khu phố, cơ quan, trường học, xã, phường đạt chuẩn là đơn vị khuyến học.
Xã hội hóa khuyến học, khuyến tài
Trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, các cấp hội khuyến học hoạt động theo 3 mục tiêu cơ bản của Điều lệ Hội. Nổi bật nhất là tích cực tham gia đóng góp các nguồn lực vào việc thực hiện xã hội hoá giáo dục, khơi dậy và phát huy truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo. Bên cạnh đó, huy động các ban ngành đoàn thể, các lực lượng xã hội tham gia vào việc đa dạng hoá các hình thức học tập, các loại hình trường lớp, tạo ra môi trường văn hoá và những điều kiện cần thiết cho đông đảo mọi người học tập thường xuyên, nâng cao trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp nhằm phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội. Hội khuyến học ở các xã, phường tham gia tích cực vào công tác phổ cập giáo dục, vận động để không có học sinh bỏ học. Các cấp ủy đảng, chính quyền, Hội Khuyến học các cấp, Hội cha mẹ học sinh, các ban ngành đoàn thể trong 5 năm qua đã cấp 20.100 suất học bổng, với tổng số tiền là 14 tỉ đồng, khen thưởng trên 92.000 lượt học sinh giỏi với số tiền trên 18 tỉ đồng; khen thưởng 600 cán bộ quản lý, giáo viên giỏi tiêu biểu với số tiền trên 300 triệu đồng, khen thưởng hàng trăm lượt trường tiên tiến xuất sắc, trường đạt chuẩn quốc gia, giáo viên tiên tiến.
Việc huy động các nguồn lực đầu tư cho công tác khuyến học, khuyến tài được các cấp, các ngành, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân tham gia hưởng ứng nhiệt tình. Trong đó, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh thông qua Quỹ bảo vệ trẻ em, 5 năm qua đã trao 350 suất học bổng với tổng số tiền 1,5 tỷ đồng. Hội Khuyến học các cấp đã vận động nhân dân hiến đất xây dựng trường học; điển hình như Hội khuyến học Lâm Hà tích cực tham gia trong các chương trình kiên cố hoá trường lớp, tổ chức các cuộc vận động “Hai không”; “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”; đẩy mạnh phong trào thi đua "Dạy tốt học tốt”.
Ngày 10 tháng 9 năm 2002, UBND tỉnh đã có Quyết định số 119/2002/QĐ-UB “về việc cho phép thành lập Quỹ khuyến học tỉnh Lâm Đồng”. Đến nay, quỹ khuyến học các cấp Hội trong toàn tỉnh luôn luôn được quan tâm xây dựng và sử dụng mục đích và đạt hiệu quả cao. Quỹ khuyến học thật sự đã hỗ trợ tốt cho ngành giáo dục và đào tạo, đã giúp đỡ cho hàng nghìn em có điều kiện đến lớp. Khen thưởng hàng nghìn học sinh giỏi, hàng trăm cán bộ quản lý và giáo viên giỏi tiêu biểu, góp phần thúc đẩy tốt phong trào thi đua 2 tốt trong nhà trường. Quỹ khuyến học cấp học bổng cho các học sinh, sinh viên nghèo hiếu học, khen thưởng học sinh giỏi, hỗ trợ cho các Trung tâm học tập cộng đồng, khen thưởng cán bộ quản lý giỏi, giáo viên tiêu biểu. Các chi hội, ban khuyến học, hội đồng hương, dòng họ khuyến học hàng năm có tiền quỹ trên dưới 10 triệu đồng. Tổng số tiền quỹ khuyến học các cấp được xây dựng trong 5 năm qua là trên 16 tỉ đồng và nguồn quỹ của chi hội, ban khuyến học chủ yếu do nhân dân đóng góp.
Xuất hiện nhiều mô hình, cách làm hay
Về cuộc vận động các dòng họ khuyến học, gia đình hiếu học, hội đồng hương hiếu học xem gia đình hiếu học, dòng họ hiếu học là tế bào của xã hội học tập. Trong mỗi gia đình, dòng họ đạt danh hiệu hiếu học đã thể hiện tốt việc tổ chức cho con em học tập cần mẫn, siêng năng, tạo mọi điều kiện thuận lợi như mua sắm phương tiện, dụng cụ học tập, khen thưởng, cấp học bổng để con em không ngừng vươn lên học khá, giỏi. Các hoạt động khuyến học ở cơ sở luôn luôn gắn liền với sự lãnh đạo của tổ chức Đảng và chính quyền địa phương, nhờ đó đã giúp cho công tác khuyến học phát triển đúng tôn chỉ, mục đích như Điều lệ Hội Khuyến học Việt Nam đã quy định. Tiêu biểu cho sự lãnh đạo của Đảng đối với Hội Khuyến học ở cơ sở có Đảng ủy xã Đạ Kho, Đảng ủy xã Triệu Hải - huyện Đạ Tẻh với phong trào “Tiếng kẻng khuyến học” đã được duy trì thường xuyên trong toàn xã từ khi mới thành lập Hội Khuyến học đến nay. Đảng bộ Phường 9 - Đà Lạt với quyết tâm lãnh đạo xây dựng “xã hội học tập” đã hình thành trung tâm học tập cộng đồng ở phường có chất lượng tốt được nhân dân tích cực hưởng ứng. Các mô hình “gia đình hiếu học”, “dòng họ khuyến học”, “cơ quan, đơn vị khuyến học” được hình thành và phát triển ở hầu khắp các địa phương trong tỉnh. Riêng Đà Lạt còn có mô hình “giáo xứ khuyến học” như giáo xứ Thánh Mẫu (phường 7), mô hình “xây dựng quỹ khuyến học cho trẻ em nghèo” ở chùa Linh Thứu. Ở Lâm Hà có xã Nam Hà - từ một xã nghèo khó, mặt bằng dân trí thấp, con em bỏ học nhiều, song dưới sự lãnh đạo của Đảng ủy xã thông qua Hội Khuyến học xã đã đưa phong trào học tập của địa phương phát triển ngày càng lớn mạnh.
Tăng cường củng cố, xây dựng tổ chức Hội
Để đạt kết quả khả quan như trên trong công tác khuyến học, khuyến tài và xây dựng xã hội học tập, bài học kinh nghiệm được Hội Khuyến học tỉnh đúc rút là: Phải phát huy sức mạnh tổng hợp, thường xuyên tranh thủ sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, sự chỉ đạo và tạo điều kiện của các cấp chính quyền; sự phối hợp, liên kết của UBMTTQ tỉnh và các ban, ngành, đoàn thể, các lực lượng xã hội, các doanh nghiệp...; đặc biệt là sự ủng hộ và tham gia của đông đảo các tầng lớp nhân dân để xây dựng và phát triển phong trào thành sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân. Thường xuyên củng cố phát triển tổ chức Hội cả về số lượng và chất lượng để đủ sức thực hiện vai trò nòng cốt. Coi trọng đổi mới phương thức hoạt động, chủ động vạch chương trình dài hạn, ngắn hạn, xác định rõ nhiệm vụ trọng tâm để dồn sức chỉ đạo, không ngồi chờ đủ điều kiện rồi mới triển khai mà phải vận động, tham mưu, liên kết, tạo ra lực lượng, các cơ hội và điều kiện để hoàn thành những nhiệm vụ đặt ra.
Trên cơ sở đó, thời gian tới, các cấp hội sẽ tăng cường củng cố xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh, nhất là ở cơ sở, chi hội trường học, các doanh nghiệp, các cơ quan, ban khuyến học dòng họ... Không ngừng nâng cao chất lượng cán bộ Hội và hội viên, quan tâm chăm lo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ hội cơ sở để các hội viên phát huy mọi trí tuệ, tâm huyết, sức lực cho hoạt động. Tạo điều kiện thuận lợi cho Hội hoạt động có hiệu quả, nâng cao chất lượng hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng tại các xã, phường, thị trấn.
BÌNH NGUYÊN