Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một câu chuyện dài cảm động. Xa gia đình khi 15 tuổi, du học và làm việc ở 30 nước, tuổi xế chiều ông chọn Đà Lạt gởi gắm tâm huyết giáo dục thế hệ trẻ.
Cuộc đời và sự nghiệp của ông là một câu chuyện dài cảm động. Xa gia đình khi 15 tuổi, du học và làm việc ở 30 nước, tuổi xế chiều ông chọn Đà Lạt gởi gắm tâm huyết giáo dục thế hệ trẻ.
GS Nguyễn Công Thành nhận Huân chương Lao động hạng Ba |
Người của toàn cầu
GS-TS Nguyễn Công Thành là người lập kỷ lục đào tạo, giới thiệu chắp cánh ước mơ du học cho gần 2.000 học sinh Việt Nam thành thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài. GS Thành là người mang giáo dục quốc tế về Việt Nam và là Giáo sư Việt kiều đầu tiên trong lĩnh vực Giáo dục - Đào tạo được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba do có nhiều đóng góp trong lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực trình độ cao cho Việt Nam.
Nhắc đến những cống hiến lớn lao này, vị giáo sư ôn tồn đáp: “Thầy rất cảm động không ngờ mình nhận phần thưởng cao quý. Thầy tình nguyện làm việc không lương, thầy làm không có mong muốn được thưởng hay công nhận, mà thấy đó là những việc cần phải làm cho đất nước, cho thế hệ trẻ”.
20 tuổi, GS Thành được học bổng du học sang Canada học về kỹ sư hóa và tốt nghiệp Tiến sĩ Trường Đại học Laval, giảng viên ở Viện Công nghệ Nông nghiệp St. Hyacinth (Canada). Năm 1973, ông về làm việc và giảng dạy tại Viện Công nghệ châu Á (AIT) do Mỹ, Pháp, Anh hợp tác mở tại Bangkok (Thái Lan) là nơi sinh viên của 80 nước trên thế giới đến học. 40 tuổi ông được phong hàm Giáo sư giảng dạy tại AIT. Trong 12 năm làm việc tại AIT, GS Thành hướng dẫn cho hơn 100 thạc sĩ và 10 tiến sĩ trong các lĩnh vực cung cấp nước, quản lý nước thải, kiểm soát ô nhiễm công nghiệp, đánh giá tác động môi trường. GS Thành hiện có hơn 100 bài viết trên các sách, tạp chí uy tín của thế giới.
Năm 1981, người Pháp 3 lần sang Thái Lan mời ông qua Pháp làm việc, nhưng ông từ chối. Cuối cùng GS Thành nhận lời sang Pháp 6 tháng, nhưng rồi ở đó 6 năm để làm Giám đốc phụ trách Châu Á thuộc Trung tâm Đào tạo Quốc tế Viện Quản lý các nguồn nước (CEFIGRE), Sophia Antipolis (Pháp), phụ trách phát triển chiến lược và chương trình đào tạo các chuyên gia về môi trường, tổ chức các khóa học và hội thảo quốc tế cho châu Phi, châu Á - Thái Bình Dương.
Năm 1999, GS Thành được mời trở lại Viện Công nghệ Châu Á làm cố vấn cho Chủ tịch AIT. Năm 2001, ông được bổ nhiệm làm Giám đốc Trung tâm Viện Công nghệ châu Á tại Việt Nam (AITCV) hoạt động tự hạch toán, không có nguồn tài trợ với nhiệm vụ chuyển giao công nghệ thông qua giáo dục, đào tạo và hoạt động tư vấn. GS Thành tình nguyện làm việc không lương ở AITCV. Chỉ trong 6 năm, AITCV phát triển ổn định, thu nhập đạt gần 2 triệu USD (năm 2006) được dùng đầu tư cho phát triển các chương trình đào tạo.
Nối nhịp cầu du học
Từ con đường du học của mình, GS Thành đã nối nhịp cầu du học cho hàng ngàn sinh viên Việt Nam sang các nước trên thế giới. Bắt đầu từ năm 1973, GS Thành đã giới thiệu và phỏng vấn trường hợp Huỳnh Ngọc Phiên giành học bổng của AIT (sau này trở thành Giáo sư). Năm 1979, GS Thành được Chủ tịch AIT cử đến Hà Nội và Tp.HCM phỏng vấn và tuyển chọn học sinh Việt Nam sang học tại AIT. Trong số sinh viên khóa đầu tiên được chọn theo học tại AIT trở thành các chuyên gia đầu ngành của Việt Nam có GS Phạm Phụ, TS Trần Văn Nhâm, TS Vũ Quyết Thắng, TS Trịnh Thị Thanh, TS Trần Yêm, TS Trần Thục…
Giai đoạn 1979 -1985, số sinh viên Việt Nam tốt nghiệp tại AIT lên tới hơn 1.700 người. GS Thành phụ trách chương trình quỹ học bổng của Chính phủ Pháp cho AIT, khoảng 1 triệu USD/năm, nhiều học bổng được dành cho sinh viên các nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Từ năm 1973, GS Thành đã bắt đầu thiết lập các chương trình hợp tác giữa AIT với các trường đại học tại Việt Nam, đào tạo các chuyên gia có chất lượng. Với vai trò cầu nối hợp tác của GS Thành, lần lượt các Trung tâm, Viện, các khoa Khoa học và Công nghệ - Môi trường được hình thành tại các Trường Đại học Bách khoa Hà Nội, Bách khoa Tp.HCM, ĐH Nông Lâm Tp.HCM … Chương trình hợp tác của AITCV với các sở, ngành của nhiều tỉnh thành, đào tạo cán bộ kỹ thuật, chuyên gia cho các Tập đoàn Dầu khí, Điện lực Việt Nam, Bưu chính viễn thông Tp.HCM. Mở các văn phòng AITCV tại 6 tỉnh: Tp.HCM, Cần Thơ, Trà Vinh, Tiền Giang, Đồng Nai, Đà Lạt.
Gởi tâm huyết vào thế hệ trẻ Đà Lạt
Nhiều người gọi ông là “Giáo sư lang bạt”, bởi cuộc đời ông luôn xê dịch. Sau 19 năm du học và làm việc ở nước ngoài, GS Thành mới có dịp trở về thăm gia đình. Cha mẹ ông gốc ở An Giang sang Camphuchia định cư, ông sinh ra ở đó trong gia đình 11 anh em. Năm 15 tuổi ông đến Đà Lạt một mình thi vào Trường Lycée Yersin học lớp đệ nhị. Ông nhớ lại: “Ở tuổi 15 với tôi cả thế giới thuộc về mình, Đà Lạt khi ấy nên thơ, sương mù, cây cối đẹp, tôi thích đi bộ để đến trường. Người Đà Lạt rất tử tế, cho tôi ở trọ, nấu cơm cho ăn, giặt ủi giúp, tôi làm gia sư cho con của họ. Kỷ niệm thời thơ ấu không thể nào quên, nên dù đi khắp nơi trên thế giới, từ năm 2007 tôi về Đà Lạt dừng chân”.
Gần đây, người Đà Lạt biết đến Trung tâm Phát triển Giáo dục Quốc tế THT nhưng ít người biết đó là món quà tâm huyết của GS Thành dành tặng cho Đà Lạt: “Tôi mong muốn làm gì đó về giáo dục cho Đà Lạt. Tôi tìm và gởi đi đào tạo giáo viên có chất lượng, có tâm, yêu thương trẻ em để dạy cho các em không chỉ ngoại ngữ mà dạy các kỹ năng sống, dạy về toán thông minh, làm sao để trẻ tự lập về tư duy, suy nghĩ, quan sát, mục đích giúp các em ra ngoài không bỡ ngỡ”. Ông giải thích tên trường THT theo nghĩa tiếng Anh là đào tạo nhân tài (Training Human Talents), còn có nghĩa tiếng Việt là: “Thế hệ trẻ” - GS Thành kỳ vọng vào thế hệ trẻ Đà Lạt được tiếp cận với môi trường và phương pháp giảng dạy quốc tế.
Ông nói chân thành: “Tôi không giàu có để đi du học, mà nhờ học bổng, nhờ “lương trời cho”, lúc khó khăn tôi đi dạy kiếm sống. Ngày trẻ cả thế giới thuộc về mình, bây giờ đã 71 tuổi muốn đi nhiều lắm, nhưng vì sức khỏe ngại đi xa. Nên lúc mình còn trẻ phải có ước mơ, có ước mơ đi du học thì phải chuẩn bị kỹ ngoại ngữ. Tuổi trẻ thì đừng sợ thay đổi, hãy xem thay đổi là cơ hội phát triển”.
Dưới mắt của một chuyên gia môi trường, GS Thành cho rằng Đà Lạt đẹp, môi trường tốt, phải làm sao để giữ môi trường bền vững. Biện pháp tốt nhất là giáo dục dân chúng và trẻ em. Mở các lớp đào tạo ngắn hạn về quản lý môi trường, cách xử lý môi trường, ô nhiễm môi trường. Người lớn cũng phải học để biết tác động của môi trường đối với cuộc sống con người, ảnh hưởng của môi trường đến sức khỏe để mọi người cùng chung tay bảo vệ môi trường Đà Lạt.
DIỆU HIỀN