(LĐ online) - Tình trạng tàn phá rừng thông, khai thác thiếc trái phép được báo chí đề cập thời gian qua đã trở thành một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp lần thứ 6, khóa 10, HĐND TP. Đà Lạt, diễn ra trong 2 ngày 27-28/6.
(LĐ online) - Tình trạng tàn phá rừng thông, khai thác thiếc trái phép được báo chí đề cập thời gian qua đã trở thành một trong những nội dung quan trọng tại kỳ họp lần thứ 6, khóa 10, HĐND TP. Đà Lạt, diễn ra trong 2 ngày 27-28/6.
Phải xác định rõ trách nhiệm của đơn vị quản lý mới có thể đẩy lùi tình trạng này. Đó là ý kiến của ông Đoàn Văn Việt, Bí thư thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố tại kỳ họp.
Theo ông Đoàn Văn Việt, thành phố Đà Lạt hiện có ít nhất 6 đơn vị tham gia quản lý tài nguyên rừng và khoáng sản. Lực lượng như vậy có thể nói là hùng hậu, song công tác quản lý rừng, tài nguyên khoáng sản lại hết sức lỏng lẻo, để nhiều đối tượng ngang nhiên vào khai thác rừng, đào hầm thiếc trái phép như chốn không người. Đây là điều mà cần phải rút kinh nghiệm rất nghiêm khắc.
Để chấn chỉnh tình trạng này cũng như nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ tài nguyên rừng và khoáng sản tại địa phương, ông Đoàn Văn Việt đề nghị, sau khi xử lý kiểm điểm trách nhiệm các đơn vị liên quan, thì cần phải có sự bàn bạc và giao trách nhiệm rõ ràng và cụ thể hơn. Cụ thể ông Việt nhấn mạnh: “sau kỳ họp này chúng ta vừa chỉ đạo kiểm điểm nhưng đồng thời vừa phải bàn các giải pháp cụ thể, chi tiết để thống nhất lại trách nhiệm”.
Trong phần phát biểu giải trình và tiếp thu ý kiến của đại biểu, ông Võ Ngọc Hiệp, Chủ tịch UBND TP. Đà Lạt, khẳng định rằng chúng tôi đang chỉ đạo kiểm điểm các vụ vi phạm vừa qua theo hướng làm rõ trách nhiệm này. Đồng thời, cho biết sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng, quản lý tài nguyên, khoáng sản, ngăn chặn kịp thời và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm. Kịp thời xử lý trách nhiệm của tổ chức cá nhân đứng đầu đơn vị chủ rừng của địa phương, nơi để xảy ra phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác tài nguyên, khoáng sản trái phép trên phạm vi quản lý.
Ông Võ Ngọc Hiệp nói đã xác định rõ trách nhiệm trong việc quản lý rừng và để rừng bị phá, trước hết trách nhiệm là của chủ rừng. Trách nhiệm thứ hai là của UBND địa phương, nơi để xảy ra rừng bị phá. Gắn với đó là trách nhiệm của cơ quan kiểm lâm trong việc thực hiện tham mưu, thực hiện quản lý nhà nước về rừng đối với UBND thành phố và thực hiện cơ quan chuyên trách bảo vệ rừng. Trách nhiệm của địa phương ở đây là có trách nhiệm của Chủ tịch UBND thành phố Đà Lạt.
Quang Sáng