Thời gian qua, CLB Bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên đã gặt hái những kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực. Về phần mình, đây cũng là dịp để Bảo tàng Lâm Đồng nhìn lại mình, nhất là trong công tác nghiên cứu và sưu tầm.
Mới đây, Hội nghị Câu lạc bộ (CLB) Bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên giữa nhiệm kỳ đã được tổ chức tại Đắc Lắc. Nhận định được đưa ra tại hội nghị: Thời gian qua, CLB Bảo tàng các tỉnh Tây Nguyên đã gặt hái những kết quả đáng khích lệ trên nhiều lĩnh vực. Về phần mình, đây cũng là dịp để Bảo tàng Lâm Đồng nhìn lại mình, nhất là trong công tác nghiên cứu và sưu tầm.
Bảo tàng Lâm Đồng hiện lưu giữ trên 15.000 hiện vật |
Ở Tây Nguyên, Bảo tàng Đắc Lắc được đánh giá là bảo tàng lớn nhất; là một công trình kiến trúc mô phỏng kiểu dáng nhà dài truyền thống của người Êđê với 3 không gian trưng bày về sự đa dạng sinh học, tư liệu về Tây Nguyên và văn hóa dân tộc thiểu số. “Bảo tàng Đắc Lắc là bảo tàng đầu tiên ở Việt Nam sử dụng 4 ngôn ngữ là tiếng Việt, Êđê, Anh và Pháp để thuyết minh và giới thiệu các hiện vật được trưng bày” - một cán bộ của Bảo tàng Đắc Lắc cho biết. Tuy nhiên, cho đến lúc này, Bảo tàng Đắc Lắc lớn nhất Tây Nguyên cũng chỉ mới có 10.000 hiện vật; trong khi đó, Lâm Đồng hiện có hơn 15.000 hiện vật được trưng bày tại bảo tàng văn hóa - lịch sử của tỉnh (Bảo tàng Lâm Đồng), chưa kể các mẫu vật trưng bày tại Bảo tàng động vật Tây Nguyên thuộc Viện Sinh học Tây Nguyên.
Bà Đoàn Bích Ngọ, Phó GĐ Bảo tàng Lâm Đồng, cho biết: Tại hội nghị nói trên, công tác nghiên cứu và sưu tầm của các bảo tàng 5 tỉnh Tây Nguyên được đánh giá cao. Cụ thể, theo công bố chính thức tại hội nghị, có đến gần 2.000 hiện vật được các bảo tàng sưu tầm được trong hơn năm qua; cùng đó là có rất nhiều hình ảnh và tư liệu có giá trị về văn hóa và lịch sử của địa phương cũng đã được các bảo tàng sưu tầm như trang phục hầu đồng, các bài dân ca, tục ngữ Mnông, ảnh và hiện vật Đà Lạt xưa… Riêng Bảo tàng Lâm Đồng - một bảo tàng được xem là bảo tàng tổng hợp về khảo cứu địa phương với hơn 15.000 hiện vật được lưu giữ và trưng bày theo các chủ đề chính như thiên nhiên Lâm Đồng, Đà Lạt xưa và nay, những phát hiện khảo cổ học Lâm Đồng, những nét văn hóa đặc trưng của các dân tộc thiểu số bản địa (Mạ, Cơho, Churu…), quân và dân Lâm Đồng trong hai cuộc kháng chiến và nhân dân Lâm Đồng trong công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc, đã được các đại biểu đánh giá cao tại hội nghị nói trên. Ông Phạm Hữu Thọ - GĐ Bảo tàng Lâm Đồng - cho biết: “Chỉ riêng bộ sưu tập đồ đá của Bảo tàng Lâm Đồng cũng đã nói lên rất nhiều điều: Đây là bộ sưu tập đồ đá thời tiền sử rất đa dạng về chủng loại, kiểu dáng và công năng; có giá trị rất lớn cho việc nghiên cứu khoa học về dấu vết cư trú của con người tại vùng đất Nam Tây Nguyên. Về gốm sứ, Bảo tàng Lâm Đồng hiện cũng đang lưu giữ nhiều sưu tập gốm sứ thuộc nhiều dòng gốm sứ khác nhau rất có giá trị như gốm Gò Sành (Bình Định), gốm Chu Đậu, gốm Khơme… (trong nước); gốm lam, gốm ceradon Trung Hoa, gốm imari Nhật Bảo, gốm savankhalok Thái Lan… (nước ngoài)”. Rồi nữa, gần đây, để đưa Bảo tàng Lâm Đồng thành một trong những điểm tham quan du lịch, Bảo tàng Lâm Đồng đã khai trương điểm tham quan mới dinh Nguyễn Hữu Hào (còn gọi là cung Nam Phương Hoàng Hậu) trong khuôn viên của Bảo tàng. Đây là một trong những dinh thự cổ khá nổi tiếng của Đà Lạt, được ông Nguyễn Hữu Hào xây tặng cho con gái của mình là vợ của vua Bảo Đại - bà Nam Phương Hoàng hậu.
Trong khu vực các tỉnh Tây Nguyên, Bảo tàng Lâm Đồng không lớn hơn về quy mô (như Bảo tàng Đắc Lắc) nhưng hiện vật thì phong phú hơn nhiều; tuy không thuyết minh đến những 4 thứ tiếng (như Bảo tàng Đắc Lắc) nhưng các giá trị văn hóa từ hiện vật thông qua thuyết minh cao hơn nhiều so với các bảo tàng khác của Tây Nguyên. “Tuy nhiên, chúng tôi không tự thỏa mãn với những gì đã có mà còn cần cố gắng nhiều hơn nữa nhằm góp phần vào việc phát triển chung về kinh tế - xã hội của địa phương và khu vực” - ông Phạm Hữu Thọ, GĐ Bảo tàng Lâm Đồng, phát biểu.
Khắc Dũng