Lần đầu tiên có đoàn báo chí đông nhất tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, gần 70 người. Chuyến hải trình kéo dài trên dưới một tháng, đúng dịp bão to, con sóng lừng. Trường Sa mãi mãi chòng chành trong tôi…
[links(right)]Lần đầu tiên có đoàn báo chí đông nhất tác nghiệp ở quần đảo Trường Sa, gần 70 người. Chuyến hải trình kéo dài trên dưới một tháng, đúng dịp bão to, con sóng lừng. Trường Sa mãi mãi chòng chành trong tôi…
Đ/c Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh (bìa phải) nhận cờ Tổ quốc từ đảo Trường Sa về Lâm Đồng. Ảnh: TĐ |
Không còn là “say bờ”, mà là say với hồn đảo. Hồn đảo là những mẩu chuyện hợp hôn từ những mảnh ghép nhiều gam màu. Với tôi, không chỉ là cảm xúc mà là cảm giác Trường Sa. Cảm giác của thân thuộc, thiêng liêng, lắng sâu và thao thiết. Vài mảnh ghép ở đảo An Bang và đảo Thuyền Chài xin được kể.
Thượng úy Nguyễn Tiến Lực, sinh 1968, quê Ý Yên, Nam Định, 20 năm phục vụ quân đội, 130 tháng ở đảo. Lực cùng xuống tàu ra đảo với chúng tôi. Khi ở trên cầu cảng Cam Ranh, trong những cuộc tiễn đưa bịn rịn ấy có cảnh hai bố con Lực lọt vào ống kính của tôi. Tấm ảnh được gửi ngay vào đất liền đăng trên Báo Lâm Đồng điện tử. Nhưng thật hạnh ngộ, cuối chuyến hải trình, nghĩa là sau hơn 20 ngày, chúng tôi lại gặp nhau trong một căn phòng của đảo An Bang. Chính giường của Lực nhường cho tôi nằm. Anh cảm động: Em thật không ngờ lại được gặp anh là người chụp bố con em chia tay. Em sẽ giữ mấy tấm ảnh này để đỡ nhớ con em…
Nhà báo Nguyễn Thanh Đạm tặng thơ cho chiến sĩ đảo Trường Sa Lớn |
Ngay khi xuồng cập được bờ, tôi và Dũng phóng viên Báo Công an Nhân dân tác nghiệp cảnh bộ đội giúp ngư dân. Một trong những bộ đội ấy là thiếu tá Dương Văn Bảy, trợ lý tăng thiết giáp. Trong sóng gió gầm gào, anh trả lời dứt khoát: “Để lúc khác các anh ạ, bây giờ chúng em làm việc đã”. Lại duyên ngộ, sau đó, chính tôi và Dũng được sắp xếp ở phòng của Lực và Bảy. Bảy nhận được gói quà từ thị trấn Quảng Yên, huyện Yên Hưng, tỉnh Quảng Ninh. Anh run run mở, rồi kêu lên: “Thư và ảnh của vợ con em các anh ạ!”. Anh khoe kỹ từng tấm ảnh với chúng tôi: vợ anh, chị Trần Thị Lý và 2 con, lớp 9 và lớp 1. Khuôn mặt anh rạng rỡ hạnh phúc… Luýnh quýnh vừa “xem quà” Bảy vừa bật điện thoại gọi về…
Cũng ở đảo An Bang, trung úy chuyên nghiệp cơ yếu Hoàng Việt Vinh quê Mê Linh, Hà Nội. Vinh kể: cháu còn 1 tháng nữa là tròn 20 năm tuổi quân, cháu ra đảo lúc 9h ngày 21/4/2010, tổng cộng có 39 tháng ở An Bang. Vinh tặng tôi một túi vỏ ốc biển. Đấy là thành quả của mỗi buổi sáng, trước 5 giờ, Vinh đi mấy vòng quanh đảo An Bang vừa tập thể dục vừa nhặt. Những con ốc nhỏ xíu, những con ốc bị mòn vẹt, và cả những con ốc chỉ còn lại mảnh nghiêng vẹo như vành trăng khuyết, hoặc như một mũi khoan do sóng vỗ ngàn năm. Anh nâng niu, gìn giữ và trân quý bởi đó là linh hồn thiêng liêng của Tổ quốc mình. Vinh nhặt để mỗi lần ai ở đất liền ra đảo anh tặng. Mỗi bước chân anh đi trên doi cát là để đếm thời gian chờ đất liền ra với đảo. Nỗi nhớ cồn cào, đau đáu phương xa …
Ở đảo Thuyền Chài có thiếu úy Hà Văn Dũng là một trong những chiến sĩ cùng ra với tàu chúng tôi. Dũng 27 tuổi, quê ở xã Hưng Đạo, huyện Chí Linh, tỉnh Hải Dương. Anh nhập ngũ năm 2005 nhưng lần đầu tiên ra đảo, nhận nhiệm vụ quân y. Hỏi mãi Dũng mới tâm sự với tôi là vừa cưới vợ ngày 6/12, ngày 10 lên đường, ngày 15 xuống tàu. Đang nghỉ phép ngày thứ 3 thì có lệnh đi làm nhiệm vụ. Vợ Dũng là Trần Thị Ngọc, 23 tuổi, y sĩ tại Hải Phòng. Đúng giờ giao thừa dương lịch, tôi và Dũng bỏ bàn liên hoan đi ra ngoài. Bấm máy gọi cho Ngọc, cô ấy “vâng, vâng…” sau lời động viên của tôi. Đầu dây bên kia, vọng vào tiếng thút thít đằm nhớ thương…
Chiến sỹ Trường Sa đọc Báo Lâm Đồng |
Chiều 25 tết Nguyên đán, tôi có điện thoại. Chập chờn một lúc thì nghe rõ giọng: “Cháu Ngọc đây, cháu chào chú ạ. Bố anh Công vừa “đi”, cháu cũng phải lo làm thủ tục động viên anh ấy. Đã đặt vòng hoa nhờ người mang đến rồi. Có gì chú gọi điện động viên anh ấy với”. Chao ôi, đấy là điện thoại của thượng úy Nguyễn Văn Ngọc, điểm trưởng đảo Thuyền Chài B. Ngọc là người Hà Nội, 25 tháng làm điểm phó và điểm trưởng. Lê Ngọc Công sinh năm 1973, trung úy chuyên nghiệp, quê ở Thanh Hải, Thanh Hà, Hải Dương. Vợ và con ở thị xã Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận. Bố anh Công là Lê Ngọc Long, 73 tuổi, mất tại Hải Dương. Công chia sẽ: bất ngờ quá anh ạ. Em không thể về đưa tiễn bố được, vợ con em đang lên tàu đi ra. Ngoài xa xôi này, chỉ biết cầu mong mọi việc ở đất liền và quê gặp nhiều may mắn. Em cũng động viên vợ rồi, mình phải nén buồn để vợ yên tâm chứ anh…
Ngoài ấy Trường Sa, tiền tiêu xa xôi nhưng luôn luôn thân thiết gần gũi với tôi. Đó là thứ tình cảm trong sáng tận cùng, thiêng liêng tận cùng mà không dễ trong cuộc đời ai cũng may mắn có được.
MINH ĐẠO