Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình

08:06, 25/06/2012

Ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia.

C. Mác và Ăng-ghen khi nghiên cứu lịch sử tiến hóa của xã hội loài người đã dựa trên quan điểm duy vật, khẳng định vai trò của gia đình trong sự phát triển của xã hội: “Những trật tự xã hội của con người ở một thời đại lịch sử của một quốc gia do hai yếu tố con người quyết định. Đó là, trình độ phát triển của lực lượng lao động và trình độ phát triển của gia đình”.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói: “Rất quan tâm đến gia đình là đúng, vì nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, xã hội tốt thì gia đình càng tốt, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình. Chính vì muốn xây dựng Chủ nghĩa xã hội thì phải chú ý hạt nhân cho tốt”(1). Nhiều thập kỷ qua, cơ cấu xã hội có sự biến đổi, nhưng tổ chức của gia đình không biến đổi nhiều. “Gia đình là tế bào của xã hội…”(2), “… là cái nôi nuôi dưỡng con người, là môi trường quan trọng hình thành và giáo dục nhân cách con người, góp phần vào xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”(3). Do đó, văn hóa gia đình đóng vai trò rất quan trọng trong vấn đề gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống dân tộc.

Gia đình là một thiết chế xã hội, dựa trên cơ sở kết hợp những thành viên khác giới, thông qua hôn nhân, để thực hiện các chức năng sinh học, kinh tế, giáo dục, văn hóa, xã hội, tín ngưỡng… là “cái nôi thân yêu” che chở và nuôi dưỡng suốt cả đời người. Mẫu gia đình văn hóa tiêu biểu, xuất sắc hiện nay là ông bà mẫu mực, con cháu thảo hiền, hiếu học, làm kinh tế giỏi đã trở thành động lực tạo nên nếp sống tốt đẹp của mỗi gia đình.

Ở bất kỳ giai đoạn nào, gia đình đều giữ vai trò là tế bào của xã hội, là một trong những nhân tố quyết định sự hưng thịnh của quốc gia. Nước ta đang trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, mục tiêu của gia đình là: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, để mỗi gia đình thực sự là tổ ấm của mỗi người và là tế bào lành mạnh của xã hội.

Tuy nhiên, công tác gia đình đang tồn tại những hạn chế, yếu kém nhất định. Mặt trái của nền kinh tế thị trường và lối sống thực dụng ích kỷ, đề cao tự do phát triển cá nhân làm phá vỡ những giá trị truyền thống và lối sống tốt đẹp trong một số gia đình. Nhiều giá trị đạo đức của gia đình, của dân tộc đang có biểu hiện xuống cấp. Tệ nạn xã hội đang xâm nhập vào các gia đình. Tình trạng trẻ em bị xâm hại, trẻ em vi phạm pháp luật, tình trạng bạo lực trong gia đình có chiều hướng gia tăng. Công tác xóa đói giảm nghèo tuy có kết quả, nhưng chưa vững chắc, nguy cơ tái nghèo còn cao. Vấn đề gia tăng dân số vẫn còn là nỗi lo, nhất là ở nông thôn, vùng sâu vùng xa, vùng đồng bào dân tộc ít người. Mạng lưới y tế, giáo dục thực sự chưa có đủ khả năng đáp ứng cho việc nâng cao chất lượng cuộc sống gia đình.

Quá trình hội nhập quốc tế và giao lưu văn hóa với các nước trên thế giới đang diễn ra đã một phần phá vỡ và làm biến đổi về cấu trúc của một số bộ phận gia đình Việt Nam. Thách thức lớn nhất đối với gia đình Việt Nam hiện nay là cùng với việc tiếp thu có chọn lọc những giá trị nhân văn trong quá trình hội nhập quốc tế, đồng thời phải giữ được bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc để góp phần vào sự ổn định chung và phát triển bền vững của đất nước.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của gia đình, nhiều thập kỷ qua Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều văn bản thể hiện rõ quan điểm về vị trí, vai trò đối với vấn đề gia đình, công tác quản lý Nhà nước về gia đình, như: Trong các văn kiện Đại hội Đảng, từ Đại hội VI đến Đại hội XI đều thể hiện rõ quan điểm về công tác gia đình là: Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, phát triển bền vững. Đặc biệt, ngày 21/2/2005, Ban Bí thư Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Chỉ thị chuyên đề số 49-CT/TW về xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Và, ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 72/2001/QĐ-TTg về việc lấy ngày 28/6 hàng năm làm Ngày Gia đình Việt Nam. Đây là dịp mà mỗi chúng ta cần ý thức rằng, xây dựng gia đình hạnh phúc không chỉ là việc riêng của mỗi nhà mà còn là trách nhiệm của cả xã hội; gia đình có no ấm, hạnh phúc, bình đẳng, tiến bộ thì sẽ góp phần tạo nên sức mạnh của đất nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về gia đình đã được thể hiện trong các nghị quyết của Đảng và pháp luật của Nhà nước ta. Từ đó, các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội ra sức chăm lo gia đình và là cơ hội để gia đình góp phần to lớn vào sự thành công chung của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập quốc tế vì mục tiêu cao cả “Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Thanh Truyền

(1): Hồ Chí Minh toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội - 2000.
(2): Điều 64 - Hiến pháp năm 1992.
(3): Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000.