Góp phần làm nên một Đà Lạt mộng mơ, ngàn sương và ngàn hoa, nghề trồng hoa ở thành phố này đã được khởi nguồn từ hơn 70 năm về trước.
Thành phố Đà Lạt sắp bước vào 120 năm hình thành và phát triển. Góp phần làm nên một Đà Lạt mộng mơ, ngàn sương và ngàn hoa, nghề trồng hoa ở thành phố này đã được khởi nguồn từ hơn 70 năm về trước. Những năm gần đây, trong các kỳ Festival hoa Đà Lạt, nghề trồng hoa, người trồng hoa mới chính thức được nhắc đến qua kịch bản sân khấu hóa như một điều nhắc nhớ và lưu giữ nét văn hóa truyền thống của một làng nghề.
Đ/c Phạm Quang Nghị - UVBCT, Bí thư Thành ủy Hà Nội, đến thăm làng hoa Hà Đông năm 2010 |
Những ngày tạo lập
Thấm thoắt đã 74 năm (31.5 năm Mậu Dần 1938 – 31.5 năm Nhâm Thìn 2012) kể từ ngày những người con Hà Nội đặt bước chân đầu tiên chinh phục vùng cao nguyên. Theo địa chí Đà Lạt, các công trình khảo cứu khoa học – xã hội nhân văn và theo chính những nhân chứng sống tại ấp Hà Đông kể lại: … “chủ trương di dân lập ấp Hà Đông tại Đà Lạt bắt nguồn từ sáng kiến của Tổng đốc Hà Đông Hoàng Trọng Phu, Quản đạo Đà Lạt Trần Văn Lý và Thương tá canh nông Hà Đông Lê Văn Định, được chính quyền Pháp đồng ý và các cụ đã đứng ra trực tiếp thực hiện nhằm đưa các lao động có tay nghề từ làng hoa ven Hồ Tây thuộc tỉnh Hà Đông vào Đà Lạt khai hoang, mở rộng sản xuất, cung cấp thực phẩm tươi sống cho người Pháp, du khách và cư dân Đà Lạt…”.
Để chuẩn bị cho chuyến đi thành công một cách bền vững, các cụ đã có nhiều cố gắng chăm lo giải quyết các vấn đề then chốt như dành thời gian nghiên cứu, khảo sát tại chỗ, tìm vùng định canh định cư phù hợp, tuyên truyền vận động, xét tuyển, lựa chọn danh sách những người lên đường vào Đà Lạt. Vay đủ tiền để khuyến khích di dân sớm ổn định sản xuất; lo phương tiện vận chuyển người và tài sản an toàn, thận trọng hơn các cụ còn nhờ ông huyện Thượng Hàn Đăng dùng tiền gửi vào trước thuê đồng bào dân tộc bản địa dựng tạm 3 căn nhà và phát dọn xung quanh để có chỗ ở tạm khi bà con chân ướt chân ráo tới Đà Lạt.
Nhớ lại ngày 29.5.1938, nhóm cư dân gốc Hà Đông đầu tiên gồm 35 người thuộc các làng Quảng Bá, Nghi Tàm, Tây Tựu, Ngọc Hà, Xuân Tảo, Vạn Phúc ven Hồ Tây được đưa lên tàu hỏa, cùng đi có cụ Lê Văn Định. Nhóm cư dân này hầu hết là những nông dân khỏe mạnh, quen nghề làm vườn, được huấn luyện thêm phương thức canh tác của châu Âu. Trước khi đi được tiêm thuốc phòng dịch và được vay 3 tháng tiền để mua sắm dụng cụ và chi phí dọc đường. Đến ngày 31.5 năm Mậu Dần, đoàn di cư đến ga Đà Lạt và được chính quyền thành phố cho hai chiếc xe chở về địa điểm định cư (còn một nguồn tin khác nói có đợt di dân phải xuống tàu từ ga Tháp Chàm rồi đi bộ lên Đà Lạt qua đèo Sông Pha rất gian khổ…).
Bằng nhiều hình thức canh tác từ “ăn chung làm chung”, đến “làm chung tính công”, để có cơ sở chia đất đai cho từng người. Về sau, vì thiếu nhân công, lại là nơi “đất lành chim đậu”, “ăn nên làm ra” nên đã thu hút hàng trăm gia đình, hàng ngàn người từ các tỉnh Hà Nam, Hải Dương, Nam Định, Hưng Yên và các tỉnh miền Trung, miền Nam đến định cư, trong đó người gốc miền Bắc vẫn chiếm đa số. Đến khoảng năm 1969 (theo công trình khảo cứu về ấp Hà Đông của tác giả Nguyễn Nhân Bằng) thì tổng số cư dân ở đây lên tới 1.253 người. Họ đoàn kết cùng nhau làm ăn, khai phá, sống với nhau có nghĩa, có tình, không phân biệt địa phương, chủ thợ… Diện tích đất khai phá ban đầu ở Ấp Hà Đông chỉ từ vài chục ha lên hàng trăm ha, bà con vừa xây dựng nhà cửa vừa trồng trọt các loại rau hoa mang từ Hà Nội vào.
Bà con ấp Hà Đông tham gia làm đường bắc cầu vào xóm Nhà thờ (năm 1957) |
Từ ấp đến làng nghề
Ấp “Hà Đông” được đặt tên trên quê hương mới cũng để nhắc nhở mọi người không quên gốc tích của mình. Ấp được hình thành trên địa thế đẹp, thoai thoải theo các sườn đồi thấp, đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa, lại có nguồn suối nước chảy qua nên rất thuận lợi cho việc trồng trọt, sản xuất. Phát huy bản chất cần cù lao động, chịu thương chịu khó, thông minh, sáng tạo, đặc biệt rất coi trọng và nhạy bén nắm bắt tiến bộ khoa học kỹ thuật để ứng dụng vào sản xuất nên kinh tế của bà con ấp Hà Đông ngày càng ổn định và phát triển vượt bậc, cuộc sống từ chỗ ổn định dần nâng lên thành khá giả, sung túc. Năm 1945, bà con trong ấp Hà Đông đã quyên góp mua hơn 2 tấn gạo gửi về quê hương giúp bà con thoát khỏi nạn đói Ất Dậu khủng khiếp.
Tiếp nối thành quả lao động của các thế hệ cha ông đi trước như: cụ Ngô Văn Ất được thưởng Long Bội Tinh, cụ Nguyễn Hữu Bái được tặng bằng danh dự và cùng với 13 cụ khác được triều đình Huế đặc cách ban thưởng sắc phong “Tòng Cửu phẩm văn giai”. Trong đó, cụ Ngô Văn Bính có thành tích làm nông nghiệp giỏi, sản xuất được nhiều sản phẩm đạt kỷ lục và được Nhà nước thưởng tiền và một chuyến tham quan học hỏi nông nghiệp tại Đài Loan… Ngày nay, nhiều nông dân trong ấp (thuộc phường 8, Đà Lạt) đã được tôn vinh, phong danh hiệu “Nghệ nhân” trồng rau hoa nổi tiếng, nhiều hộ sản xuất giỏi, nhiều nhà vườn đã biết ứng dụng công nghệ cao, vươn lên khẳng định thương hiệu hoa Đà Lạt và hội nhập quốc tế, xuất khẩu nhiều loại hoa có giá trị kinh tế cao như vườn lan Anh Quỳnh, hộ cụ Nguyễn Đình Bộ, ông Nguyễn Văn Đông … Chi hội Nông dân làng hoa Hà Đông đã vinh dự được nhận bằng khen của tỉnh, thành phố vì có “Phong trào tiếp cận và chuyển giao công nghệ mới mang tính bền vững”.
Từ khi đổi mới đến nay, nghề trồng hoa ở đây được khôi phục và phát triển mạnh gắn với mở cửa ngành du lịch thành phố, nhiều nhà vườn chuyển hướng chuyên canh, thay đổi cơ cấu cây trồng, từng bước hình thành vùng sản xuất hoa tập trung với quy mô trên 230/450 hộ canh tác, diện tích trên 30 ha, canh tác trong nhà kính plastic, áp dụng quy trình trồng, chăm sóc, tưới hiện đại. Xây dựng được 3 cơ sở ươm các giống hoa mới đa dạng chủng loại, có năng suất, chất lượng hoa thương phẩm cắt cành bán được giá trị cao như: hoa Lyly, Cát Tường, Baby, hồng, cúc các loại…
Một điểm du lịch văn hóa
Dù xa quê hương hàng ngàn cây số, song các bậc tiền nhân vẫn luôn hướng về cội nguồn, gìn giữ, nâng niu nét phong tục truyền thống như: đặt bàn thờ cúng tổ tiên ở nơi trang trọng, xây cất nhà ở, bố trí sân vườn, ao, chuồng mang dáng dấp nông thôn miền Bắc, duy trì hoạt động đền, chùa, miếu mạo đảm bảo đời sống tâm linh, giữ gìn “Phong cách người Hà Đông”, ứng xử lịch sự văn minh trong gia đình và ngoài xã hội, giữ chất giọng thuần Hà Nội, chân thành, đoàn kết giúp đỡ nhau, chia xẻ buồn vui trong cuộc sống, góp công xây dựng trường lớp chăm lo việc học cho con em trong ấp… Ấy là những nét còn lưu giữ lại của người dân Ấp Hà Đông - “làng hoa đầu tiên” của Đà Lạt, làng nghề truyền thống của xứ sở sương mù và đó cũng chính là nét văn hóa du lịch còn hiện hữu trên vùng đất cao nguyên hôm nay, luôn có sức hút đối với du khách đến tham quan, đặc biệt là du khách quốc tế.
Nhìn lại chặng đường hơn 70 năm qua mới thấy hết các bậc tiền nhân đã tham gia tổ chức thực hiện thành công chủ trương “di dân lập ấp”, tạo nên một lực lượng lao động hữu ích, tạo ra giá trị kinh tế bền vững cho một vùng đất, để các thế hệ hôm nay và mai sau luôn tự hào và tiếp nối dòng chảy lịch sử thiêng liêng ấy… Họ đã làm nên lịch sử, hoàn thành công việc thầm lặng nhưng lại mang tầm chiến lược, giàu ý nghĩa chính trị, kinh tế - văn hóa – xã hội và mang đậm tính nhân văn sâu sắc.
Phát huy và giữ gìn truyền thống tốt đẹp bằng những việc làm, hành động thiết thực, mỗi hộ gia đình trong Ấp đều có ý thức vươn lên phát triển mọi mặt, một lòng hướng đến “Kỷ niệm ngày thành lập ấp. Tự hào tiếp bước tiền nhân. Đoàn kết - Sáng tạo - Quyết tâm. Làng hoa Hà Đông giàu đẹp!” (Phan Hữu Giản).
HÀ NGUYỆT