K’Zen - Gương sáng của buôn làng

02:06, 20/06/2012

Từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước vận động bà con DTTS lập kinh tế vườn hộ, năm 1979, ông K’Zen bắt đầu trồng thử 0,5 ha cà phê. Từ đó, mỗi năm ông mở rộng dần diện tích và đến nay gia đình ông đã có tới 8 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh.

Đến thăm gia đình ông K’Zen (thôn 5, xã Tân Lâm, huyện Di Linh) trong lúc ông đang tất bật với công việc chăm sóc vườn cà phê. Tiếp chúng tôi, ông K’Zen niềm nở cho biết: Cũng như bao gia đình khác, trước đây, ông chỉ biết phát rừng làm lúa rẫy, trồng mì, trồng bắp để sống qua ngày. Từ khi có chủ trương của Đảng, Nhà nước vận động bà con DTTS lập kinh tế vườn hộ, năm 1979, ông K’Zen bắt đầu trồng thử 0,5 ha cà phê. Từ đó, mỗi năm ông mở rộng dần diện tích và đến nay gia đình ông đã có tới 8 ha cà phê đang trong thời kỳ kinh doanh.

Trước đây, ông là tổ trưởng tổ sản xuất của thôn, nên ông có điều kiện học hỏi kỹ thuật trồng, chăm sóc cà phê (từ cách đào hố, bón phân, tỉa cành và tạo tán…). Qua đó, ông đã đúc kết được nhiều kinh nghiệm để áp dụng vào sản xuất của gia đình. Do mới làm quen với việc trồng cây cà phê, nên gia đình ông và bà con trong thôn đều sử dụng giống cà phê không được tuyển chọn nên năng suất đạt thấp. Mấy năm gần đây, ông đã vận động vợ con trong gia đình mạnh dạn chuyển đổi dần diện tích cà phê cũ sang trồng giống cà phê mới có năng suất cao hơn. Từ đó, năng suất vườn cà phê của gia đình ông cho thu hoạch ổn định. Với 8 ha cà phê hiện có, mỗi vụ gia đình ông K’Zen thu được từ 25 - 30 tấn cà phê nhân. Do đông con, khi các con trưởng thành, lập gia đình riêng, ông đã chia cho mỗi đứa một ít. Hiện gia đình ông chỉ còn lại khoảng 5 ha. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nên vườn cà phê của gia đình ông luôn phát triển tốt. Mỗi năm bình quân thu được từ 13 - 15 tấn cà phê nhân.

Không chỉ biết chăm lo phát triển kinh tế gia đình, trong năm 2008, ông đã dành 200 triệu đồng để hỗ trợ cho bà con dân tộc trong thôn và các xã khác có hoàn cảnh khó khăn vay với lãi suất vừa phải hoặc bằng phương thức đổi công lao động. Bên cạnh đó, ông còn hỗ trợ cây giống, hướng dẫn cách làm ăn để giúp một số bà con thoát cảnh đói nghèo. Cũng chính vì lẽ đó ông K’Zen được bà con thôn 5 mến phục. Ông K’Ber, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Lâm, nhận xét: “Ông K’Zen là tấm gương sáng, luôn đi đầu trong sản xuất”. Theo tấm gương của ông, đến nay nhiều bà con thôn 5 đã nỗ lực thi đua lao động sản xuất và rất đáng mừng là nhiều hộ đã thoát cảnh đói nghèo, có “của ăn, của để” và có điều kiện đầu tư cho con cái ăn học, xây dựng nhà cửa khang trang.

Tuy tuổi đã cao nhưng ngày ngày ông vẫn lên nương rẫy để chăm chút vườn cà phê, gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm cách làm ăn với bà con trong thôn và tích cực tham gia công tác xã hội ở thôn, buôn. Với vai trò là đội trưởng đội cồng chiêng của thôn và của xã, ông thường xuyên hướng dẫn cho các thanh niên biết cách đánh cồng chiêng, thổi M’Buat để biểu diễn mỗi khi xã tổ chức lễ hội và tham gia giao lưu với các xã bạn trong huyện, trong tỉnh và các tỉnh khác.

Hơn 37 năm sống trong hòa bình và được chứng kiến những đổi thay của quê hương đất nước, ông K’Zen thầm cảm ơn Đảng, Nhà nước vì đã mang đến cho bà con một cuộc sống mới thật sự yên vui, sung túc trên mảnh đất mà mình gắn bó.

NDONG BRỪM