Sau gần một năm phát động, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương đã thực hiện đạt hơn nửa bộ các tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.
Sau gần một năm phát động, xã Lạc Xuân, huyện Đơn Dương đã thực hiện đạt hơn nửa bộ các tiêu chí Quốc gia về nông thôn mới.
Về mặt địa lý, xã Lạc Xuân có diện tích tự nhiên trên 10.200 ha và bị chia cắt bởi dòng sông Đa Nhim. Lạc Xuân có dân số hơn 12 ngàn nhân khẩu sống ở 15 thôn, có 5 thôn đồng bào dân tộc thiểu số thì 2 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn; đời sống của cư dân chủ yếu dựa vào nghề trồng rau, chăn nuôi và buôn bán nhỏ. Với đặc trưng nêu trên, việc xây dựng nông thôn mới, nhất là đầu tư cơ sở vật chất đối với Lạc Xuân gặp không ít khó khăn. Trên cơ sở đầu tư xây dựng, chuyển dịch cơ cấu cây trồng những năm qua, xã đã đưa công trình chợ nông thôn vào hoạt động, mở rộng các mô hình sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung thành lập các tổ sản xuất rau, hoa, hợp tác xã nông nghiệp phục vụ sản xuất… nên tỷ lệ hộ nghèo đến nay còn 6,63% số hộ nghèo trên địa bàn xã.
Tiếp tục duy trì các tiêu chí đã đạt được, đồng thời triển khai hoàn thành các tiêu chí khác trong năm 2012 này, bao gồm các tiêu chí về nhà ở dân cư, y tế và môi trường nông thôn. Qua đó, nhân rộng các mô hình sản xuất, thành lập thêm các tổ sản xuất rau an toàn nhằm nâng cao giá trị nông sản chủ lực này của địa phương. Theo Đề án xây dựng nông thôn mới xã Lạc Xuân, đến năm 2015 mới cơ bản hoàn thành các tiêu chí còn lại nhưng trong số đó các tiêu chí về đầu tư cơ sở vật chất giáo dục và văn hóa hay giao thông, thủy lợi cũng như cơ cấu lao động sẽ gặp không ít khó khăn trong quá trình thực hiện. Bởi bên cạnh nguồn vốn ngân sách đầu tư cho nông thôn mới, phần đối ứng của người dân còn ở mức cao trong khi đời sống người dân còn nghèo nên khó khăn huy động. Bởi với địa bàn trải rộng với 15 thôn, riêng việc xây dựng cơ sở vật chất văn hóa cũng như giao thông nông thôn hay cứng hóa kênh mương thủy lợi đòi hỏi nguồn vốn không nhỏ. Trong khi hầu hết người dân sinh sống dọc tuyến quốc lộ 27 và đường tỉnh lộ 412 nên hệ thống giao thông nông thôn nội thôn phân tán, trải rộng mà dân cư thưa thớt. Đơn cử như để xây dựng 500 m đường thôn Lạc Xuân 2, kinh phí đầu tư 700 triệu đồng, dân số trong thôn 250 hộ nhưng chỉ có 40 hộ được hưởng lợi trực tiếp, do đó 40 hộ này phải đóng góp vốn đối ứng 210 triệu đồng, bình quân 5,2 triệu đồng/hộ.
Việc xây dựng nông thôn mới cần sự chung tay đóng góp của toàn dân và để đảm bảo nguồn vốn đối ứng một số công trình, theo lãnh đạo xã bình quân mỗi hộ cần đóng 100 ngàn đồng/năm ngoài các gia đình có điều kiện tự nguyện đóng góp thêm thì trong 5 năm mới đảm bảo vốn đối ứng.
KHẢI NHIÊN