(LĐ online) - Bài toán ổn định cuộc sống cho đồng bào Mông di cư tự do phải giải quyết bằng nhiều nguồn lực, nhiều cấp và trong thời gian dài.
(LĐ online) - Ngày 6/4/2012, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng ký Quyết định số 754/QĐ-UBND công nhận thôn mới Dơng Glê, thuộc xã Phi Liêng, huyện Đam Rông. Tại Quyết định 2287/QĐ-UBND tỉnh, ngày 11/9/2009, tổng diện tích quy hoạch thôn Dơng Glê là 117,25 ha, thuộc tiểu khu 212; tổng mức đầu tư 39,776 tỷ đồng. Bài toán ổn định cuộc sống cho đồng bào Mông di cư tự do phải giải quyết bằng nhiều nguồn lực, nhiều cấp và trong thời gian dài.
Tổng chiều dài đường giao thông của Dự án làng Mông là 8,6 km, kinh phí gần 14,6 tỷ đồng. Đường điện trung thế dài 3,1 ngàn m và 2 trạm biến áp 50KVA, tổng mức đầu tư 2,1 tỷ đồng. Điện đã đến thôn và hiện có khoảng 20 hộ sử dụng điện…
Phân hiệu trường học dành cho trẻ em thôn Mông với 4 phòng học THCS (900 triệu đồng), đưa vào sử dụng năm 2010 và 6 phòng học tiểu học (2,7 tỷ đồng), sử dụng năm học 2012-2013. Thầy giáo dân tộc Cao Lan Địch Văn Vừng phụ trách lớp 4, phân trường tiểu học Chu Văn An nói: Các em chịu khó học, nhưng trường xa nhà ở đi lại vất vả, mùa rẫy lại phải bỏ học để phụ giúp cha mẹ .
Nhà nước chi 800 triệu đồng khai hoang 71,5 ha để cấp đất cho bà con ở và sản xuất, đồng thời hỗ trợ trực tiếp sản xuất 300 triệu đồng, giống cà phê catimor 13,5 ha, di chuyển 450 triệu đồng, gần 11 ngàn kg gạo và 600 triệu đồng làm nhà… Sau khi được hỗ trợ 10 triệu đồng gỗ, tôn làm nhà chính, anh Giàng Seo Lèm làm thêm nhà bếp để ổn định lâu dài.
Theo khảo sát của huyện Đam Rông, có 167 hộ đồng bào Mông ở rải rác trong rừng sâu. Tính đến giữa tháng 6, thôn Dơng Glê có 75 hộ với hơn 200 nhân khẩu đến ở, trong đó 57 hộ được hỗ trợ làm nhà đợt 1 .
Nhiều hộ Mông khác tiếp tục ra định cư tại thôn Dơng Glê. Một trong những hộ mới đến là Mùa Thị Sình, người mẹ trẻ đã sinh con được hơn 4 tháng.
Dù được nhà nước cấp đất sản xuất nhưng chưa thể đủ ăn, người Mông Dơng Glê đi làm thuê và phá rừng làm rẫy. Chính quyền địa phương đã thu hồi hàng chục ha đất rẫy do phá rừng nhưng việc kiểm soát “chảy máu rừng” vẫn không dễ. Cây rừng vẫn bị đốn hạ bừa bãi.
Sắp xếp ổn định dân di cư tự do thôn Dơng Glê được chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm. Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Xuân Tiến (đứng giữa) căn dặn thân tình với bà con: Nhà nước đã hỗ trợ làm nhà và đất sản xuất…, bà con phải góp sức, tu chí làm ăn, không được phá rừng, dứt khoát phải cho con cháu đi học, chăm lo sức khoẻ…
Niềm vui an cư của người Mông đang hiện hữu trên thôn mới Gơng Glê .
Phóng sự ảnh: Minh Đạo