Nhà báo với Trường Sa

03:06, 20/06/2012

Hướng về Trường Sa - miền biển viễn thân yêu của tổ quốc với tinh thần “cả nước vì Trường Sa” những năm gần đây nhiều đoàn công tác của Lâm Đồng đã vượt sóng gió trùng khơi mang tình cảm, tấm lòng của cao nguyên đến với những chiến sĩ ngày đêm vượt qua khó khăn, gian khổ canh giữ biển trời của Tổ quốc.

[links(right)]LTS: Hướng về Trường Sa - miền biển viễn thân yêu của tổ quốc với tinh thần “cả nước vì Trường Sa” những năm gần đây nhiều đoàn công tác của Lâm Đồng đã vượt sóng gió trùng khơi mang tình cảm, tấm lòng của cao nguyên đến với những chiến sĩ ngày đêm vượt qua khó khăn, gian khổ canh giữ biển trời của Tổ quốc. Phóng viên Báo Lâm Đồng đã có nhiều “hạnh phúc” được tới các quần đảo thuộc Trường Sa. Trong số báo này, xin được lược ghi một vài cảm xúc chân thành và hoạt động của các nhà báo.

Chiến sĩ Trường Sa
Chiến sĩ Trường Sa


Mãi là cây phong ba nghe anh

Mỗi lần đến cơ quan (Báo Lâm Đồng), nhìn cây bàng vuông bung từng cánh lá tôi lại nhớ về Trường Sa. Bởi xuất xứ của cây bàng vuông gắn liền với chuyến đi đầu tiên tôi đặt chân đến nơi phên dậu của Tổ quốc. Ở các đảo nổi trong quần đảo Trường Sa, trên những vạt đất thiêng liêng nổi lên giữa mặt biển Đông mông mênh sóng nước, bên cạnh những cây phong ba, cây bão táp thì bàng vuông được trồng chủ yếu, như một loài cây đặc sản có sức sống mãnh liệt trước khí hậu khắc nghiệt, xòe tán râm mát trên những lối đi và lá bàng có thể dùng gói bánh chưng mỗi độ xuân về. Có lẽ cái sức sống mãnh liệt của bàng vuông - vốn đã quen với thời tiết miền biển đảo, quanh năm hít thở không khí mặn mòi vị muối biển Đông, đối mặt với biết bao cơn bão dậy sóng khơi xa nên khi tôi đưa về xứ lạnh Đà Lạt lạ đất, lạ nước mà vẫn kiên trì bám rễ, nở những cánh lá tim tím thủy chung. Hình ảnh cây bàng vuông mạnh mẽ vươn lên xanh tươi như người lính Trường Sa ngày đêm hiên ngang bám trụ canh giữ chủ quyền Tổ quốc nơi địa đầu phía đông đất nước.

Tôi có hơn 40 ngày đêm lênh đênh trên biển, vượt qua hải trình trên 1.500 hải lý  theo tàu Trường Sa 20 thuộc Vùng 4 Hải quân đến các điểm, đảo, phải thường xuyên đánh vật với những cơn gió cấp 7, cấp 8 để đưa thực phẩm từ đất liền đến tay các chiến sĩ và nhân dân trên đảo. Mỗi khi cùng tàu Trường Sa 20 cập vào các đảo hay những ngày dừng chân trên đảo nổi, đảo chìm khi ăn, khi ngủ nhất nhất đều như mọi người lính hải quân. Trong khoảng thời gian ấy, tôi thực sự được dự phần vào đời sống của người lính và nhân dân trên đảo mới cảm nhận hết nỗi gian truân, thiếu thốn mà người dân và chiến sĩ nơi đây trải qua. Đó là khoảng thời gian cho tôi trải nghiệm sâu sắc về những thiếu thốn, khó khăn gian khổ mà cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên quần đảo Trường Sa phải đối mặt vượt qua nơi đầu sóng ngọn gió để gìn giữ từng tấc đất biên cương, cho biển quê hương xanh trong mãi mãi. Làm lính hải quân, nhất là ra bám trụ nơi tiền đồn Tổ quốc quanh năm chỉ một màu biển xanh cuộn sóng mênh mông, hàng đêm dõi mắt khơi xa canh giữ biển trời. Sự thiếu thốn không chỉ là mớ rau xanh, nước ngọt mà còn là những năm tháng biền biệt thiếu vắng giọng nói, gương mặt của người thân. Vậy mà nhiều cán bộ, chiến sĩ đã từng bám đảo dòng dã gần 20 năm trời. Nhưng vượt lên tất cả sự thiếu thốn các anh cùng người dân luôn đoàn kết một lòng sẻ chia khó khăn, chắc tay súng, sẵn sàng hy sinh vì quê hương đất nước, bởi không chỉ là nghĩa vụ thiêng liêng bảo vệ từng tấc đất cha ông mà còn bởi sát cánh bên anh có một hậu phương vững chắc đó là cả nước luôn hướng về Trường Sa thân yêu. Bài học về lịch sử nhắc nhớ mọi người dân rằng, đất nước ta ba phần tư là biển. Nhìn trên bản đồ Việt Nam, huyện đảo Trường Sa - một trong những quần đảo quê hương nằm ở cực Đông Tổ quốc nổi lên như một chấm nhỏ giữa biển. Và đối với người lính Trường Sa luôn coi đảo là nhà, biển là quê hương nên tặng vật cây bàng vuông các anh trao tôi từ miền biên tái đó như lời nhắc nhớ về vùng đất thiêng liêng của đất nước. Mỗi khi nhìn cây bàng vuông tôi lại nhớ đến từng gương mặt chiến sĩ, từng người dân, nụ cười thơ trẻ trên đảo và mong các anh mãi mãi là cây phong ba bất khuất nơi phên dậu Tổ quốc. Tôi thầm mong một ngày nào đó được trở lại Trường Sa.

Xuân Trung