Mỗi con người sinh ra đều bắt đầu từ mỗi gia đình. Gia đình là cái gốc, là cội nguồn tình cảm, nơi trở về của mỗi con người; thì người phụ nữ - người vợ, người mẹ chính là cái gốc làm nên mỗi tổ ấm bình yên.
Mỗi con người sinh ra đều bắt đầu từ mỗi gia đình. Gia đình là cái gốc, là cội nguồn tình cảm, nơi trở về của mỗi con người; thì người phụ nữ - người vợ, người mẹ chính là cái gốc làm nên mỗi tổ ấm bình yên.
Gia đình hạnh phúc. Ảnh: Ngọc Minh |
Những “cái gốc” vững bền
Về tổ dân phố 1A - phường Lộc Tiến - Bảo Lộc, nhắc đến bác Lê Thị Thanh Sâm, bà con ai cũng ngợi khen. Ở tuổi 72, bà vẫn luôn là người giữ lửa gia đình để con cháu cảm thấy ấm áp mỗi khi trở về tổ ấm. Bà tâm sự, thời gian đầu lấy nhau, mỗi khi vợ chồng giận nhau là bữa cơm gia đình rời rạc, mất vui. Ghét cái không khí nặng nề đáng sợ ấy, nên sau mỗi cuộc giận, bà thường là người làm lành trước. Trong gia đình, bà luôn giữ được hòa khí vui vẻ. Luôn có suy nghĩ con cái là tài sản quý giá nhất nên bà Sâm luôn dành cho con những gì tốt đẹp nhất, chăm lo giáo dục con từ lúc còn thơ, dạy con biết ngoan ngoãn, lễ phép, hiếu thảo, cố gắng học chăm, học giỏi. Những thành công dù nhỏ bé nhất của con, cháu đều được bà trân trọng và động viên. Nhờ vậy, các con của bà giờ đây đều thành đạt. Ở tuổi già, bà xây dựng phong trào người cao tuổi ở khu phố và tập hợp được 25 cụ. Bà cũng vận động cả cụ ông và tự mình làm gương cùng các cụ trong khu phố thường xuyên luyện tập dưỡng sinh để tăng cường tuổi thọ, sống vui sống khỏe, sống có ích để con cháu yên tâm học tập, công tác.
Sống trong một mái ấm gia đình ba thế hệ (ông bà, cha mẹ, con cái), chị Vũ Thị Thu Cúc (5.Hùng Vương - P.10 - Đà Lạt) lại luôn là một nút thắt quan trọng của sợi dây ràng buộc thắt chặt tình yêu thương giữa các thành viên. Chị luôn ý thức rõ trách nhiệm, bổn phận làm con đối với cha mẹ và làm mẹ, làm vợ với chồng con mình. Chị luôn dạy dỗ bằng tình yêu thương, sẻ chia với con bằng cả tấm lòng; với bố mẹ chị kính trọng, lễ phép; chị luôn lấy tấm gương của mình trong việc ứng xử với mọi người, mọi việc để giáo dục và hình thành nhân cách cho các con và nhắc nhở các con những truyền thống tốt đẹp của gia đình, dù ở đâu, làm gì cũng hướng về gia đình, lấy gia đình, ông bà cha mẹ là điểm tựa.
Cũng là một người vợ, người mẹ, người con trong gia đình 3 thế hệ, chị Đỗ Thị Thu Hằng 38 tuổi (Hai Bà Trưng - Nam Hà - Nam Ban) đã không ngừng tiếp thu trau dồi những kiến thức bổ ích về nuôi con khỏe, dạy con ngoan, về lối sống và truyền thống đạo đức của người phụ nữ. Là người vợ, chị luôn quan tâm, chăm lo, tạo điều kiện để chồng được yên tâm công tác. Với sự cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, gia đình chị đã xây dựng được ngôi nhà khang trang trị giá 500 triệu đồng và có cuộc sống ấm no, sung túc, hòa thuận. Thời gian rảnh rỗi, chị lại cùng chồng tâm sự, trao đổi, bàn bạc và thống nhất trong phát triển kinh tế và nuôi dạy con cái. Với cha mẹ chồng, chị luôn giữ đạo để làm gương cho 2 con noi theo. Là chi hội trưởng chi hội phụ nữ thôn, ngoài thời gian làm việc trên rẫy cà phê, chị lại vận động chị em phụ nữ tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, phong trào xây dựng nông thôn mới gắn với Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa.
Vun đắp cho những “cái gốc” gia đình luôn bền vững
Trước những tác động của mặt trái kinh tế thị trường và những tiêu cực của thời kỳ mở cửa, một số phẩm chất đạo đức truyền thống của người phụ nữ Việt có phần bị mai một, đã có những “cái gốc” bị lung lay, bật rễ. Quan niệm về các giá trị truyền thống đang dần bị phai mờ trong nhận thức lối sống của một bộ phận phụ nữ. Họ sống thiếu mục đích, bàng quan, vô cảm với mọi việc xung quanh, thích hưởng thụ, đua đòi, thực dụng, dễ sa ngã vào tệ nạn xã hội, phạm tội như: tham gia hoạt động buôn bán phụ nữ, trẻ em, buôn bán, tàng trữ, sử dụng ma túy, chơi lô đề, cờ bạc, mê tín dị đoan, hoạt động mại dâm dưới mọi hình thức (gái gọi, gái bao…); lối sống thiếu văn hóa (ăn mặc, ứng xử), xem nhẹ các chuẩn mực đạo đức xã hội, quan điểm lệch lạc trong tình yêu, hôn nhân, thiếu trách nhiệm trong việc xây dựng và gìn giữ hạnh phúc gia đình (ngoại tình, ly hôn, bạo lực tinh thần với chồng con…). Và kết quả đã có nhiều gia đình đã ly tán.
Trước tình trạng này, từ 2 năm qua, Hội Phụ nữ tỉnh đã kết hợp với Sở Văn hóa - Thể thao - Du lịch triển khai đề án “Tuyên truyền giáo dục phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước”, xây dựng người phụ nữ có lòng yêu nước; có sức khỏe; có tri thức, kỹ năng nghề nghiệp; năng động, sáng tạo; có lối sống văn hóa và lòng nhân hậu. Từ đó, Hội LHPN tỉnh đã có nhiều hoạt động hỗ trợ phụ nữ “xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc” như: “Giáo dục 5 triệu bà mẹ nuôi dạy con tốt”, “xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch” (5 không: Không đói nghèo; không có người vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội; không có bạo lực gia đình; không sinh con thứ 3 trở lên; không có trẻ suy dinh dưỡng và bỏ học; 3 sạch: sạch nhà, sạch bếp; sạch sân vườn) và thực hiện chương trình bình đẳng giới.
Hàng năm, các cấp Hội PN trong tỉnh thường xuyên tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng cho phụ nữ về chăm sóc sức khỏe, nuôi dạy con, tổ chức cuộc sống gia đình, Luật Phòng chống Bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật HNGĐ… đã được đông đảo chị em tham gia. Bên cạnh đó, Hội còn phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương tổ chức các hoạt động chăm sóc sức khỏe PN - TE như: tổ chức trình diễn cách chế biến bữa ăn hợp lý và khoa học cho bà mẹ mang thai và có con nhỏ… đã thu hút hàng ngàn chị tham gia, nói chuyện và tư vấn trực tiếp cho hơn 1.000 lượt bà mẹ mang thai và có con nhỏ về CSSK trẻ em và các bệnh thường gặp ở trẻ - cách xử lý. Song song với các chương trình trên, Hội PN các cấp còn giúp đỡ PN vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, tạo cuộc sống ổn định tái hòa nhập cộng đồng, chăm sóc sức khỏe bản thân và gia đình tốt hơn bằng nhiều hình thức như: vận động phong trào “Tiết kiệm vì PN nghèo”, “Người khá giúp người khó”, mô hình VAC… Ngoài việc trang bị kiến thức, Hội còn xây dựng các mô hình phòng chống suy dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe sinh sản tại các xã, phường, thị trấn như: “CLB Gia đình phát triển bền vững”, “CLB gia đình hạnh phúc”, “CLB gia đình không có TE SDD”, mô hình “5 không, 3 sạch” (trong đó nội dung gia đình không có bạo lực gia đình) đã thu hút hàng ngàn chị em tham gia.…
Những hoạt động trên đã làm giúp chị em trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc, bảo vệ sức khỏe, nuôi dạy con theo khoa học, có kiến thức về tiết kiệm trong chi tiêu, kinh nghiệm quản lý và sử dụng đồng vốn có hiệu quả trong sản xuất. Ngoài ra, chị em PN còn có cơ hội giao lưu, học hỏi, trao đổi kinh nghiệm để xây dựng gia đình hạnh phúc, góp phần giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng, giảm tệ nạn xã hội, hạn chế bạo lực gia đình… Để cứ ở đâu, trong lĩnh vực nào, vai trò và hình ảnh của người phụ nữ cũng luôn đẹp đẽ và phụ nữ phải luôn là tấm gương tốt trong gia đình.
QUỲNH UYỂN