Có một nghề không thể “cơ giới hóa” đó là nghề thêu tay. Từ bao đời nay, người phụ nữ vẫn ngồi bên khung thêu làm xiếc với những sắc màu tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ. Có điều lạ, giữa chốn vùng sâu chúng tôi bắt gặp những chị em miệt mài bên khung dệt làm nghề phụ, nhưng là thu nhập chính của nhiều gia đình ở xã Lộc Nam (Bảo Lâm).
Có một nghề không thể “cơ giới hóa” đó là nghề thêu tay. Từ bao đời nay, người phụ nữ vẫn ngồi bên khung thêu làm xiếc với những sắc màu tỉ mẩn từng đường kim mũi chỉ. Có điều lạ, giữa chốn vùng sâu chúng tôi bắt gặp những chị em miệt mài bên khung dệt làm nghề phụ, nhưng là thu nhập chính của nhiều gia đình ở xã Lộc Nam (Bảo Lâm).
Cán bộ Hội Phụ nữ tỉnh và xã Lộc Nam thăm xưởng thêu tại nhà của bà Hoàng Thị Khiết (thứ 2 từ phải sang) |
Đi cùng với cán bộ của Hội Phụ nữ tỉnh và xã Lộc Nam, chúng tôi đến thăm tổ thêu của bà Hoàng Thị Khiết ở thôn 9 được giới thiệu là mô hình tốt giúp hội viên phụ nữ phát triển kinh tế gia đình, tạo việc làm, tăng thu nhập. Giữa bạt ngàn cà phê, nhìn cảnh các chị em trẻ tuổi đang say sưa bên khung thêu làm nên bức tranh sống động về cuộc sống ở vùng sâu cũng có nhiều nét đẹp bình dị và niềm vui thật giản đơn. Trước khung thêu là cô Hoàng Thị Hạnh, 20 tuổi, sinh viên năm thứ ba Trường Đại học Sư phạm Tp.HCM là con gái của bà Khiết, cũng là một thợ thêu có tay nghề tinh xảo. Mỗi khi về thăm nhà, Hạnh lại ngồi bên khung thêu, cô mặc chiếc áo đồng phục của trường và cặm cụi thêu hình con hổ của bức tranh có tên là “Hổ xuống núi”. Người mẹ tự hào nói rằng: “Cháu Hạnh biết thêu từ hồi học lớp 5, với bức tranh “Hổ xuống núi” này, có mấy người thợ thêu cùng làm, riêng hình con hổ là cháu tự thêu vì đòi hỏi kỹ thuật cao. Cháu về nhà tranh thủ làm thêm để trang trải việc học”. Quả thật, cùng xem Hạnh thêu những chi tiết sinh động về chú hổ trong tranh sắp hình thành một tác phẩm nghệ thuật, mọi người đều thán phục: “Hổ phụ sinh hổ tử”. Bức tranh rất đẹp nhưng với những người thợ thêu vùng sâu này việc kinh doanh còn rất thật thà chất phác, nên giá bán rất mềm, chỉ 1,4 triệu đồng và có lẽ giá cả thấp là điều làm hài lòng nơi tiêu thụ, nên việc phát triển nghề thêu ở đây khá thuận lợi, duy trì nhiều năm qua.
Bà Khiết đã nổi danh như là “bà Tổ” của nghề thêu nơi đây, suốt 15 năm qua bà đã truyền nghề cho biết bao chị em mưu sinh từ đường kim mũi chỉ. Người phụ nữ đôn hậu, niềm nở kể về nghề của mình: “Tôi có nghề này từ hồi ở ngoài quê Hà Nam, khi học lớp 7 đã biết thêu tranh rồi. Năm 1997, tôi vào Lộc Nam lập nghiệp và không ngờ mình sống được bằng nghề thêu. Thời gian đầu rất vất vả, tôi phải đi thêu ở Bảo Lộc và thuê nhà trọ để làm nghề mưu sinh. Năm 2000, cuộc sống khá hơn, tôi mạnh dạn mở cơ sở thêu, lúc cao điểm có đến 70 - 80 thợ làm việc, rồi sau đó cứ tách dần ra, nhân lên nhiều nhóm nhỏ. Tôi vừa truyền nghề vừa lấy hàng (nguyên liệu) từ Bảo Lộc và cung cấp lại sản phẩm cho đầu mối ở Bảo Lộc, cứ thế xưởng thêu phát triển đều đều, cho thu nhập trung bình 50 ngàn đồng/ngày công 8 tiếng”.
Bà Hoàng Thị Khiết không chỉ tuyệt vời trong việc truyền bá nghề thêu, bà được nhiều chị em khâm phục, bởi một mình bà tự nghĩ ra cách pha màu, có nhiều sáng kiến hay và nhiều sáng tạo trong thiết kế mẫu mã, chịu khó xoay sở chạy hàng để duy trì phát triển nghề thêu ở Lộc Nam. Bà nói về nghề một cách say mê: “Đến với nghề thêu thủ công hoàn toàn bằng tay này thì người nào khéo tay, có óc sáng tạo sẽ thấy dễ, còn người không khéo tay thì cầm kim chật vật lắm. Phụ nữ nào cũng có thể thêu được, với người truyền nghề phải biết cách sử dụng để phát huy tay nghề và “sở trường, sở đoản” của từng người thợ. Thợ thêu khéo tay thì thỏa sức sáng tạo, thêu hình thù các con vật như hổ, ngựa, chân dung; không khéo tay thì làm khâu không quan trọng như: thêu những chiếc lá…”.
Bà Khiết chia sẻ niềm vui: “Bây giờ nhiều phụ nữ ở Lộc Nam sống bằng nghề thêu, nghề phụ nhưng là thu nhập chính của phụ nữ, cứ 50 ngàn đồng/ngày. Nguồn hàng cung cấp đầy đủ trong năm thoải mái mà làm!”. Nhưng trong câu chuyện bà có một thoáng ưu tư về vốn sản xuất, chỉ cần khoảng 50 triệu đồng để tiếp tục phát triển mở rộng xưởng thêu và bà đã đề đạt nguyện vọng với cán bộ Hội Phụ nữ.
Chị Đỗ Thị Chúc - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Lộc Nam cho biết: “Chị Khiết là người đầu tiên mang nghề thêu vào Lộc Nam, cứ thế nghề dạy nghề, cho đến nay thống kê chỉ riêng tại thôn 9 có tất cả 283 hội viên phụ nữ, thì có đến 159 chị làm nghề thêu có thu nhập ổn định. Đường thêu cứ nối dài, một tổ thêu lớn có 3 - 4 nhóm thêu và cả xã Lộc Nam có rất nhiều tổ thêu cạnh tranh lớn nhất là khả năng nắm bắt kỹ thuật và cần vốn đầu tư lớn hơn nữa để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho hội viên”.
DIỆU HIỀN