Phải khắc phục tình trạng lãng phí tài nguyên du lịch

03:06, 13/06/2012

Trong 5 năm qua, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Lâm Đồng vẫn thu hút được khá nhiều nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2006 - 2011 đạt khoảng 14%. Trong các lĩnh vực thu hút đầu tư, du lịch - thương mại có bước tiến đáng kể.

Trong 5 năm qua, mặc dù gặp khó khăn do ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế thế giới nhưng Lâm Đồng vẫn thu hút được khá nhiều nhà đầu tư thuộc các thành phần kinh tế, góp phần đưa tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân thời kỳ 2006 - 2011 đạt khoảng 14%. Trong các lĩnh vực thu hút đầu tư, du lịch - thương mại có bước tiến đáng kể.

Giai đoạn 2006 - 2011, toàn tỉnh thu hút 195 dự án du lịch - thương mại với tổng vốn đăng ký 54.824 tỷ đồng, diện tích 14.246 ha. Trong đó, đang triển khai thực hiện 59 dự án với tổng vốn đăng ký 8.048 tỷ đồng; 34 dự án đang hoạt động với vốn thực hiện khoảng 2.110 tỷ đồng. Các dự án chủ yếu đầu tư xây dựng nhà hàng, khách sạn, các khu danh lam thắng cảnh, trung tâm thương mại, siêu thị, chợ. Sự tham gia của các dự án đầu tư đã góp phần đa dạng hóa các sản phẩm phục vụ khách du lịch và nhân dân địa phương… Nếu như năm 2006, số cơ sở du lịch, thương mại, dịch vụ và khách sạn, nhà hàng chỉ có 30.295 cơ sở thì đến năm 2011 có 46.025, tăng 15.730 cơ sở. Riêng số cơ sở lưu trú phục vụ du lịch tăng từ 442 lên 808 (tăng 366); tổng số phòng tăng từ 5.921 lên 11.422. Số ngày lưu trú bình quân tăng từ 2,3 lên 2,4 ngày. Doanh thu của các cơ sở lưu trú tăng từ 116,4 tỷ đồng năm 2006 lên 228,6 tỷ đồng năm 2011.

Tuy đã có phần đóng góp vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh thế nhưng nhìn chung tiến độ triển khai thực hiện các dự án trong lĩnh vực du lịch - thương mại còn chậm, gây lãng phí tài nguyên du lịch. Nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của khủng hoảng và suy thoái kinh tế thế giới giai đoạn 2007 - 2009, lạm phát năm 2010 còn có nguyên nhân chủ quan là một số nhà đầu tư không có năng lực tài chính, đầu tư cầm chừng để chờ cơ hội thuận tiện hơn hoặc để sang nhượng; nhiều chủ đầu tư không có kỹ năng, kinh nghiệm về hoạt động du lịch. Do vậy, hơn 5 năm qua, UBND tỉnh đã thu hồi 37 dự án được thỏa thuận hoặc cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn gần 6.100 tỷ đồng… Thời gian tới, một vấn đề đặt ra là tỉnh cần quan tâm định hướng khắc phục tình trạng các dự án phần lớn tập trung đầu tư phát triển du lịch sinh thái, khách sạn, nhà hàng, biệt thự nghỉ dưỡng; sản phẩm trùng lắp… mà chưa có loại hình vui chơi giải trí hấp dẫn để thu hút, kéo dài thời gian lưu trú, tăng mức chi tiêu của du khách.

BÌNH NGUYÊN