Chỉ cần đi nhiều và yêu nghề là có thể viết được. Sau hơn 8 năm bước chân vào nghề báo, tôi mới nghiệm ra rằng, “đi, yêu và viết” cũng cần lắm công phu.
Ở trường đại học, thầy dạy môn phóng sự Huỳnh Dũng Nhân định nghĩa với chúng tôi rằng: Nghề báo đơn giản chỉ là “đi, yêu và viết”. Khi ấy, với những sinh viên chưa từng “nếm mùi” nghề báo như chúng tôi thì đúng là đơn giản thật. Bản thân tôi chỉ suy nghĩ thiển cận một điều: chỉ cần đi nhiều và yêu nghề là có thể viết được. Sau hơn 8 năm bước chân vào nghề báo, tôi mới nghiệm ra rằng, “đi, yêu và viết” cũng cần lắm công phu.
Tác nghiệp. Ảnh: BÙI TRƯỞNG |
1. Buổi sáng, hễ bước chân ra khỏi nhà là vợ liền hỏi: “Đi khi nào về?”. Và, câu trả lời thường trực vẫn là: “Sẽ về sớm!”. Đó là chuyện của những năm đầu mới đi làm, còn bây giờ vợ lại hỏi: “Đi có về không?”. Và, câu trả lời sẽ là: “Chưa biết!”. Đơn cử chỉ vậy thôi nhưng cũng hiểu phần nào cái “đi” của nghề báo là vô chừng. Nói là vô chừng nhưng cũng đầy nguyên tắc. Đi đâu, làm gì, với ai, khi nào đều được hoạch định và hẹn trước cụ thể. Ấy vậy mà, lắm khi vẫn phải ngậm ngùi ra về tay trắng bởi những lý do các “xếp” bận họp, đi công tác đột xuất…
Phải thừa nhận một điều, các cô vợ của những ông chồng làm báo có một sức chịu đựng “thép”. Buổi sáng, trước khi đi làm dặn vợ “rõ to” nấu món này, món nọ để trưa về ăn cơm. Chiều về thấy vợ “bắt” ăn cơm nguội mới nhớ trưa nay “mê việc” quá không về. Lắm hôm ngày nghỉ, đang bữa cơm sum vầy với vợ con, nghe điện thoại “báo” là ba chân bốn cẳng vác ba lô chạy, bất kể thời tiết và giờ giấc để làm cho bằng được tin “nóng”.
Kể chuyện với anh bạn làm ở cây xăng: “Giờ bình thường cứ hai ngày là phải đổ hết 50 ngàn tiền xăng”. Nó ngạc nhiên bảo: “Mày đi đâu mà dữ vậy?”. Tôi cười xuề xòa: “Có đi đâu đâu, tại xăng lên giá mà xe lại… “uống” xăng dữ quá!”.
2. Nhớ ngày đầu bước chân vào nghề báo, bài viết đầu tiên của tôi về một cậu bé 4 tuổi bị bệnh tim bẩm sinh. Viết, chờ đợi, đăng và lại chờ đợi. Chờ đợi không phải lời ngợi khen về bài viết mà chờ đợi tấm lòng của độc giả dành cho bé. Khi trở lại để trao số tiền mà nhà hảo tâm giúp đỡ, chỉ có đôi ba trăm ngàn, tôi bàng hoàng khi biết rằng bé không còn nữa. Mẹ bé nấc nghẹn nói với tôi: “Chú cho xin mấy tấm hình bữa trước chụp cho cháu để làm ảnh thờ!”. Tôi nghẹn ngào quay đi và nghĩ rằng từ nay về sau sẽ không viết về những mảnh đời bất hạnh nữa. Vậy mà, cứ đi, cứ gặp là tôi lại cứ viết. Viết cho những mảnh đời bớt cơ cực. Viết để tôi thêm yêu đời, yêu nghề.
Một buổi chiều, Bảo Lộc mưa lất phất. Đang nằm đọc lại “Tiếng chim hót trong bụi mận gai” thì nhận được điện thoại của một người bạn: “Đã kêu gọi được một số anh em giúp đỡ bé Toàn!”. Bé Toàn là nhân vật trong bài viết của tôi bị ung thư võng mạc. Bỏ dở trang sách, tôi mừng khôn tả và liền bốc điện thoại gọi cho chị Thuận, mẹ bé Toàn, hay tin. Chị chỉ biết nghẹn ngào trong điện thoại: “Cảm ơn chú nhiều lắm!”. Đặt điện thoại xuống, tôi bần thần cả buổi không biết làm gì. Nhớ đến trường hợp trước, tôi chợt đau đến nhói lòng, đau vì cảm giác bất lực trước nỗi đau quá lớn của người mẹ trẻ. Và tôi lại đọc: “Con chim mang chiếc gai của bụi mận cắm vào ngực tuân theo quy luật bất di bất dịch của thiên nhiên. Bản thân nó không biết sức mạnh nào buộc nó lao vào mũi nhọn và chết mà vẫn hót. Lúc mũi gai xuyên qua tim nó, nó không nghĩ đến cái chết sắp đến, nó chỉ hót, hót cho đến lúc mất tiếng đứt hơi. Nhưng chúng ta, khi lao ngực vào bụi mận gai, chúng ta biết, chúng ta hiểu. Tuy thế, ta vẫn lao ngực vào bụi mận gai. Sẽ mãi mãi như thế…” - Tiếng chim hót trong bụi mận gai - Colleen Mc Cullough. Và tôi đã biết, mình sẽ phải làm gì với cái nghề mình đã chọn. Yêu nghề không chưa đủ, mà cần biết yêu đời, yêu người, yêu từng nhân vật và sự việc mà mình viết.
3. Viết gì bây giờ. Loay hoay cả buổi sáng, tôi vẫn không thể viết được chữ nào. Ý tưởng có đấy, dữ liệu dư đấy, thế mà vẫn không thể viết. Mỗi lần đưa tay lên bàn phím, hình ảnh của các em nhỏ, những tiếng ú ớ không thành lời, những bàn tay bé nhỏ ra dấu nói nhưng không thể diễn tả hết những gì các em muốn nói, những ánh mắt thơ dại cứ xoáy sâu vào tâm trí tôi. Không phải lần đầu tôi đi viết về đề tài trẻ em khuyết tật. Thế nhưng, lần này thật sự đặc biệt, bởi lẽ các em đã tạo cho tôi cảm xúc thật khó tả. Đến trường khiếm thính, mọi lời nói đều trở nên xa vời. Chỉ có ánh mắt, có nụ cười, có những dấu tay... Ấy vậy mà, bao nhiêu tình cảm cứ thế mà tuôn trào. Các em hỏi bằng cử chỉ. Câu hỏi rất đơn giản và câu trả lời cũng đơn giản. Chỉ ra dấu để nói chuyện nên cả người hỏi lẫn người trả lời đều cảm thấy lúng túng. Lâu lâu phải liếc mắt nhìn cô giáo đứng bên cạnh để cầu cứu. Ra về, các em chìa cho tôi mẩu giấy trắng và cây viết, ra dấu cho tôi ghi số điện thoại vào đó. Tôi bần thần đặt bút viết, chỉ có 10 con số nhưng sao thấy nặng nề và khó viết quá. Và, điều thực sự tôi không mong đợi cũng đã đến, các em đã gọi cho tôi. Tất cả mọi cuộc gọi đều kết thúc trong tâm trạng buồn bực, bất lực và một chút gì đó đau xót. Tôi cố nói, nói và nói nhưng các em không nghe được. Các em cũng cố ú ớ không thành lời để diễn giải với tôi. Và, nước mắt tôi đã rơi...
Thời gian gần đây, hễ nghe ở đâu đấy nhà báo lại bị hành hung, ba tôi cứ căn đi dặn lại: “Phải cẩn thận!”. Mẹ tôi thì im lặng không nói, nhưng tôi hiểu trong thâm tâm bà vẫn không lúc nào thôi lo lắng cho tôi. Hiểu để tôi tự dặn lòng mình cẩn trọng hơn trước những bất trắc và cám dỗ của nghề. Tôi và những đồng nghiệp của mình viết vì cái gì. Viết vì nhuận bút? Viết vì để muốn có tiếng tăm? Không! Tôi và chúng tôi viết vì sự thật, viết cho sự thật và viết để độc giả của mình biết sự thật. Vì sự thật, chúng tôi sẵn sàng lăn xả.
Tôi cũng từng bị đuổi đánh. Cũng lo sợ đấy, nhưng khi bài báo viết về những sai phạm của người đuổi đánh mình được lên trang, niềm vui như vỡ òa, sức mạnh như được truyền thêm, tăng lên gấp bội. Ý nghĩ tranh đấu đôi lúc đã lụi tàn nay lại được bùng lên.
4. Ba giờ sáng, ngồi gõ những dòng này trên máy tính, nhìn vợ và 2 con gái đang say giấc, bỗng nhiên tôi như được truyền thêm sức mạnh để tiếp tục “đi, yêu và viết”. Dẫu biết rằng khó khăn, gian nan và vất vả vẫn đang còn phía trước.
HỮU SANG