Tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại

03:06, 13/06/2012

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát kéo dài đã làm cho một số mặt hàng như dầu mỏ, vàng, đô la và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung và giá cả nhiều hàng hóa dịch vụ...

Cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới và lạm phát kéo dài đã làm cho một số mặt hàng như dầu mỏ, vàng, đô la và một số nguyên liệu đầu vào tăng cao, ảnh hưởng không nhỏ tới nguồn cung và giá cả nhiều hàng hóa dịch vụ. Đây chính là cơ hội cho những kẻ gian hành nghề buôn lậu, kinh doanh hàng giả và gian lận thương mại. Những hành vi vi phạm này đã làm cho người tiêu dùng luôn phải đối mặt với sự cạnh tranh không lành mạnh bởi vấn nạn hàng lậu, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được bày bán công khai giữa “thanh thiên bạch nhật” cùng với hàng thật.

Người tiêu dùng tham quan, mua sắm sản phẩm tại Show room hoa sấy khô của Công ty cổ phần Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt
Người tiêu dùng tham quan, mua sắm sản phẩm tại Show room hoa sấy khô của Công ty cổ phần Sinh học Rừng Hoa Đà Lạt


Qua tìm hiểu chúng tôi được biết, gần đây trên thị trường Lâm Đồng đã xuất hiện nhiều loại hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý và một số mặt hàng tiêu dùng, hàng công nghiệp thực phẩm gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng như sức khỏe người tiêu dùng tại địa phương. Theo nhận định của Ban chỉ đạo 127 Lâm Đồng, do không có biên giới nên tình hình buôn lậu tại địa phương ít phức tạp, tuy nhiên, không vì thế mà lực lượng chức năng lại buông lỏng việc quản lý. Theo đó, trong năm 2011, đã có 50 vụ kinh doanh hàng nhập lậu bị phát hiện và xử lý, trong đó chủ yếu là các mặt hàng như rượu ngoại, điện thoại di động... Cũng như công tác đấu tranh chống buôn lậu, Lâm Đồng chỉ là địa bàn tiêu thụ các mặt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được sản xuất ở địa phương khác. Những hoạt động kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng vẫn tiếp tục diễn ra, chưa được đẩy lùi và đang có những diễn biến phức tạp, tinh vi hơn với nhiều phương thức và thủ đoạn khác nhau. Phần lớn hàng giả, hàng kém chất lượng được đưa về vùng nông thôn để tiêu thụ nhằm trốn tránh sự kiểm tra, kiểm soát của lực lượng chức năng; các loại hàng giả, hàng kém chất lượng xuất hiện trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua chủ yếu là sản phẩm như: dược phẩm, mỹ phẩm, xà bông, dầu gội đầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi... Ngoài ra, các hành vi vi phạm về giá như không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết vẫn còn; tình trạng hàng hóa lưu thông trên thị trường thực hiện ghi nhãn hàng hóa không đúng quy định vẫn diễn ra khá phổ biến. Bên cạnh đó, nhiều tổ chức, cá nhân còn lợi dụng kẽ hở của pháp luật để thực hiện hành vi trốn thuế, gian lận thuế với nhiều thủ đoạn, hình thức tinh vi hơn.

Năm 2011, lực lượng chức năng lại phát hiện gần 180 vụ vi phạm, phạt hành chính trên 3 tỷ đồng và trong mấy tháng đầu năm nay, lực lượng quản lý thị trường đã tiến hành kiểm tra 314 vụ, phát hiện và xử lý 181 vụ, tổng số tiền thu được trên 500 triệu đồng. Qua thực tế và một vài con số thống kê trên cho thấy, việc kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng giờ đây không chỉ còn ở trong bóng tối như trước nữa mà đã được bày bán công khai bên cạnh hàng thật. Một số người quan tâm đến vấn đề này cho rằng, nguyên nhân làm cho hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất luợng có cơ hội hoành hành trước hết phải kể đến một số chế tài xử lý còn quá nhẹ, chưa đủ mạnh để răn đe; quy định về chức năng, nhiệm vụ của các lực lượng chức năng trong chống hàng giả còn chồng chéo, bất cập; một số văn bản chỉ đạo còn nhiều chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho các lực lượng chức năng khi thi hành nhiệm vụ. Hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng có mẫu mã, bao bì giống hàng thật rất khó phân biệt, trong khi giá bán rẻ hơn nên thường được người tiêu dùng chọn mua...

Để ngăn chặn được vấn nạn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, thời gian tới các cơ quan quản lý Nhà nước cần tăng cường các giải pháp đồng bộ để quản lý thị trường, đảm bảo cung - cầu hàng hóa, kiểm soát giá cả. Cần có sự phối hợp giữa cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và cả nhân dân trong phòng chống buôn lậu, sản xuất hàng giả và gian lận thương mại. Bên cạnh đó, phải có những chế tài xử phạt thật nặng những trường hợp vi phạm nhằm răn đe những đối tượng vi phạm trong sản xuất kinh doanh, vận chuyển hàng hóa trái phép. Tăng cường hơn nữa vai trò của Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; đồng thời cần gắn công tác đấu tranh chống buôn lậu, hàng giả và gian lận thương mại với việc thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam"...

Hồng Hải