Trước xu thế văn hóa đọc đang dần bị mai một trong một bộ phận lớn thế hệ trẻ, từ nhiều năm qua, Thư viện Lâm Đồng đã nỗ lực tạo ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, bồi đắp văn hóa đọc cho thiếu nhi.
Cùng với sự phát triển của công nghệ thông tin và truyền thông, trẻ em ngày nay bị hấp dẫn nhiều bởi trò chơi điện tử, phim ảnh truyền hình và Internet. Trước xu thế văn hóa đọc đang dần bị mai một trong một bộ phận lớn thế hệ trẻ, từ nhiều năm qua, Thư viện Lâm Đồng đã nỗ lực tạo ra nhiều hoạt động thiết thực nhằm khơi dậy, bồi đắp văn hóa đọc cho thiếu nhi.
Bồi đắp văn hóa đọc cho thiếu nhi |
Ông Nguyễn Dũng, Giám đốc Thư viện Lâm Đồng nhấn mạnh: “Sách gần gũi và có nhiều tiện lợi hơn bất cứ phương tiện nào, nếu mang cuốn sách theo bên cạnh, người ta có thể đọc nó bất cứ lúc nào, nên dù cho có nhiều phương tiện thông tin hiện đại nhưng văn hóa đọc vẫn không bao giờ mất”.
Có mặt ở phòng đọc sách dành cho thiếu nhi vào một buổi sáng, chúng tôi thấy rất đông sinh viên, học sinh, các em thiếu nhi đến đây, mới thấy văn hóa đọc vẫn còn vị trí rất lớn trong lòng bạn đọc trẻ tuổi. Để lôi cuốn các em đến với sách, hàng năm, Thư viện tỉnh đều mở cuộc thi kể chuyện sách, ngày hội đọc sách, xây dựng các tủ sách thiếu nhi tại các trường học, tổ chức luân chuyển sách để các em thường xuyên được đọc sách mới, mở cửa cả ngày thứ bảy (6 ngày trong tuần) để các em có thêm thời gian đến thư viện nhiều hơn. Bên cạnh đó, thư viện thường xuyên mở các cuộc trưng bày sách chuyên đề theo từng sự kiện diễn ra trong năm. Qua đó, giới thiệu những cuốn sách hay, sách bổ ích cần nên đọc đến bạn đọc. Hàng tháng, hàng quý có sách mới, thư viện đều giới thiệu danh mục sách mới để bạn đọc tiện theo dõi. Trong năm qua, thư viện đã phục vụ 35.377 lượt bạn đọc với 161.414 lượt luân chuyển tài liệu, trong đó phần nhiều bạn đọc là thanh thiếu nhi. Từ đầu năm đến nay, Thư viện đã cấp tổng số 1.699 thẻ cho bạn đọc thì có đến 961 thẻ cho bạn đọc (59%) là thiếu nhi. Mỗi ngày, phòng đọc thiếu nhi phục vụ hàng trăm bạn đọc.
Ông Nguyễn Dũng cho biết: “Trong giai đoạn hiện nay, việc hình thành thói quen đọc sách và làm cho trẻ em hứng thú đọc sách là một điều rất khó, nhưng không phải vì thấy khó mà không làm, nên chúng tôi đã cẩn trọng tổ chức nhiều hoạt động phù hợp với lứa tuổi để lôi cuốn trẻ em đến với thế giới sách, kể cả việc tổ chức thư viện lưu động để đưa sách đến gần với các em”. Cụ thể, gần đây nhất là trong ngày Quốc tế thiếu nhi 1/6, Thư viện Lâm Đồng mang sách đến Nhà thiếu nhi Lâm Đồng tổ chức “Ngày đọc sách cho thiếu nhi” đã cuốn hút hàng ngàn thiếu nhi tham gia; Trong Học kỳ Quân đội “Thép đã tôi thế đấy” do tỉnh Đoàn Lâm Đồng tổ chức, Thư viện Lâm Đồng cũng mang sách đến phục vụ tận nơi các chiến sĩ nhỏ tuổi. Trẻ em ngày nay bận rộn với việc học ở nhà trường và học thêm nên ít có thời gian “thả hồn” vào những trang sách, phải yêu trẻ, hiểu trẻ, đưa sách đến cho các em đúng thời điểm thì các em mới có điều kiện đón nhận - Ông Dũng tâm sự.
Nhu cầu đọc của các em cũng rất đa dạng, nhất là trong tình hình văn hóa đọc thiếu nhi đang bị đẩy lùi bởi truyện tranh. Những hình ảnh trực quan của truyện tranh đã tạo nên cho các em “sợ” đọc những cuốn sách nhiều chữ, dày cộp, mà thích đọc sách mỏng, nhiều tranh. Trong khi loại sách này, không bồi đắp được gì cho tư duy và vốn từ. Thư viện Lâm Đồng đã luôn định hướng cho các em để nâng cao chất lượng đọc bằng cách lựa chọn các loại sách hay trên mọi lĩnh vực phù hợp lứa tuổi các em. Liếc qua các tựa đề sách mới thấy sự chọn lọc kỹ lưỡng này, như: truyện cổ Đông Tây, tuyển tập truyện ngắn hay Việt Nam dành cho các em, sưu tập những điều thú vị cho thiếu nhi, Bác Hồ kính yêu, những cuốn sách đi cùng tuổi thơ, Không gia đình, 100 câu chuyện để học sinh biết công ơn cha mẹ, những ngày thơ ấu, truyện ngụ ngôn, ca dao, đồng dao, Hãy trả lời em tại sao…
Trẻ em như tờ giấy trắng, viết gì lên đó sẽ rất khó bị xóa mờ, nên sự tác động của sách báo lên các em mạnh hơn nhiều so với người lớn. Trẻ em không đọc sách sẽ nghèo vốn từ, nghèo trí tưởng tượng, cảm xúc khô cứng, kém khả năng diễn đạt. Để hình thành thói quen đọc sách cho trẻ, xây dựng một nền văn hóa đọc lành mạnh cho thiếu nhi thì việc giáo dục trẻ em đọc sách không chỉ dừng lại ở gia đình, nhà trường. Nhìn các em thích thú đọc những câu chuyện cổ tích, thần thoại, đồng dao, khám phá thiên nhiên kỳ thú, tìm hiểu khoa học, những chuyện hoa chuyện quả, những tấm gương… mới thấy Thư viện Lâm Đồng đang dần trở thành một trường học đặc biệt giúp trẻ em tiếp nhận tri thức, nâng cao hiểu biết, trau dồi tư tưởng, tình cảm, tư duy thẩm mỹ, đồng thời bồi dưỡng tâm hồn, tình yêu thương, lòng tự hào dân tộc.
QUỲNH UYỂN