Xây dựng nông thôn mới ở Đạ Huoai

02:06, 19/06/2012

Ở huyện Đạ Huoai, với phong trào “Cùng với cả nước, Đạ Huoai chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM)” bước đầu đã huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng NTM đạt được một số kết quả khả quan.

Ở huyện Đạ Huoai, với phong trào “Cùng với cả nước, Đạ Huoai chung tay xây dựng nông thôn mới (NTM)” bước đầu đã huy động được sức mạnh của hệ thống chính trị và mọi tầng lớp nhân dân đầu tư xây dựng NTM đạt được một số kết quả khả quan. Tuy nhiên, đối chiếu với yêu cầu chung thì quá trình xây dựng NTM ở huyện Đạ Huoai vẫn còn một số mặt hạn chế, cần phải có biện pháp khắc phục có hiệu quả trong thời gian tới.

Thực hiện phong trào thi đua “Cùng với cả nước, Đạ Huoai chung tay xây dựng NTM”, huyện Đạ Huoai chọn xã Đạ Huoai làm xã điểm, xã Hà Lâm làm xã ưu tiên xây dựng NTM, 6 xã còn lại đều thành lập Ban chỉ đạo, Ban quản lý xây dựng NTM với nhiệm vụ lập quy hoạch, đề án xây dựng NTM trình UBND huyện phê duyệt. Trên cơ sở phân công, phân nhiệm cụ thể cho từng thành viên trong ban chỉ đạo, tổ giúp việc, sau khi quy hoạch và đề án xây dựng NTM được phê duyệt, công tác tuyên truyền mục đích, yêu cầu, nội dung xây dựng NTM được đẩy mạnh bằng nhiều hình thức khác nhau như phát thanh, truyền hình, trực quan pa nô, áp phích, các tổ chức đoàn thể trực tiếp đến các khu dân cư vận động, giải thích cho người dân nhận thức được rằng xây dựng NTM là để người dân được hưởng lợi trực tiếp, do đó người dân tích cực tham gia theo phương châm: dân tự làm, nhà nước hỗ trợ. Trên cơ sở đó, từ năm 2010 đến nay, mặc dù là địa phương còn gặp nhiều khó khăn, kém phát triển, mức sống của người dân còn thấp, nhưng nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, vận động và tranh thủ mọi nguồn lực, nên huyện Đạ Huoai đã huy động được sức mạnh khá đồng bộ về nhân lực, vật lực để đầu tư  thực hiện các nội dung của chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, với sự đầu tư của ngân sách Nhà nước và nhân dân tự đầu tư, huyện đã thực hiện khá có hiệu quả chương trình chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao và khôi phục - phát triển chăn nuôi heo hàng hóa chất lượng cao giai đoạn 2011 - 2015. Nhiều mô hình  sản xuất, chăn nuôi đạt hiệu quả kinh tế cao trên địa bàn huyện đã được giới thiệu cho bà con nông dân tham quan, học hỏi kinh nghiệm như mô hình chuối Laba, Mô hình ca cao, mô hình điều ghép, mô hình nuôi heo rừng lai, mô hình nuôi ba ba kết hợp với nuôi cá nước ngọt, mô hình trồng nấm... Trên cơ sở đó, huyện đã tiến hành thành lập mới 1 HTX và 2 THT sản xuất nông nghiệp, đồng thời tạo sự liên kết giữa xã viên với HTX, tổ hợp tác và Công ty CP mía đường La Ngà (Đồng Nai) trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản như mía đường, trái cây, kén tằm, điều.... Cùng với đó, là sự đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông, thủy lợi và các thiết chế văn hóa gồm:  5,2 km đường GTNT mới ở xã Đạ Oai, cải tạo, nâng cấp 6  công trình; 3 tuyến đường GTNT  ở 2 xã Đạ Oai, Hà Lâm, 1 công trình thủy lợi Đạ Nà, xã Đạ Oai, Trụ sở UBND và 4 phòng học xã Hà Lâm, 5 công trình phục vụ văn hóa ở xã Đạ Oai, Hà Lâm... Kết quả, hiện nay xã điểm Đạ Oai đạt được 8/19 tiêu chí quốc gia, xã ưu tiên Hà Lâm đạt được 7/19 tiêu chí, 6 xã còn lại gồm Đạ Tồn, Mađaguôi, Đạ M'ri, Đạp Ploa, Đoàn Kết, Phước Lộc đạt từ 4-5/19 tiêu chí. Nhưng theo ông Nguyễn Quý Mỵ - Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, kết quả đạt được lớn nhất trong việc thực hiện chương trình xây dựng NTM ở địa phương chính là sự nhận thức của người dân về ý nghĩa, mục đích, nội dung của việc xây dựng NTM được nâng cao. Từ đó, họ tự giác đóng góp sức người, sức của để thực hiện các công trình NTM, nhất là trong lĩnh vực GTNT. Chỉ tính riêng tiền đối ứng của dân trong các hạng mục NTM từ 2010 đến nay đã lên đến trên 1,1 tỷ đồng, chưa kể đến giá trị đất đai và vườn cây khi tiến hành giải tỏa để xây dựng đường GTNT, hoặc các công trình phúc lợi khác. Ngoài ra, người dân còn tự giác tham gia chương trình bằng những việc làm thiết thực như: chỉnh trang nhà cửa, trồng cây xanh và thu gom rác thải, bảo vệ môi trường sinh thái, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa, ANTT-ATXH...

Tuy đạt được những kết quả khả quan nói trên nhưng việc thực hiện chương trình xây dựng NTM ở Đạ Huoai vẫn còn một số mặt hạn chế. Đó là: Đội ngũ làm công tác xây dựng NTM còn thiếu kinh nghiệm, chưa qua tập huấn nghiệp vụ, nên còn lúng túng, bị động trong thực thi nhiệm vụ được giao. Chưa huy động được sức mạnh tổng hợp của toàn xã hội, nhất là sự đóng góp của các doanh nghiệp còn quá hạn chế, dẫn đến nhiều hạng mục công trình thiếu vốn đầu tư, tiến độ thi công chưa đảm bảo kế hoạch xây dựng... Thực tế đó cho thấy, để việc thực hiện thành công chương trình xây dựng NTM cần có sự quan tâm chỉ đạo đồng bộ, sâu sát của cấp ủy, chính quyền địa phương, sự vào cuộc có trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự tự giác tham gia của mọi người dân. Muốn vậy, công tác tuyên truyền, vận động phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và có hình thức phù hợp với từng đối tượng, từng địa bàn, từng thời điểm.

Hoàng Kiến Giang