Biểu tượng hình nón

03:07, 04/07/2012

Một nửa thế giới là phụ nữ, nhưng con đường phụ nữ thăng tiến trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý được ví như biểu tượng hình nón. Càng lên vị trí cao, thì số lượng càng thu hẹp.

Một nửa thế giới là phụ nữ, nhưng con đường phụ nữ thăng tiến trong lĩnh vực lãnh đạo, quản lý được ví như biểu tượng hình nón. Càng lên vị trí cao, thì số lượng càng thu hẹp.

Đỉnh cao chủ yếu là cấp phó

Theo ông Nguyễn Thanh Long - Phó Ban Tổ chức Tỉnh ủy nhận định: Tỉ lệ nữ tham gia quản lý, lãnh đạo nhiều lĩnh vực từ cấp tỉnh đến cấp cơ sở chưa mang tính bền vững và đồng đều ở các cấp, ngành. Tuy tỉ lệ cán bộ nữ tham gia cấp ủy nhiệm kỳ 2010 - 2015 tăng hơn so với nhiệm kỳ trước, nhưng một số chức danh tỉ lệ khóa sau lại thấp hơn khóa trước (Phó Bí thư huyện ủy khóa trước: 2 nữ, khóa này: 0), tỉ lệ phát triển đảng viên nữ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước. Cán bộ nữ lãnh đạo, quản lý thường đảm nhiệm ở lĩnh vực văn hóa, xã hội, đoàn thể, có rất ít ở các lĩnh vực khác. Cán bộ nữ là cấp trưởng rất ít, chủ yếu là cấp phó. Công tác quy hoạch cán bộ nữ chưa đồng bộ và toàn diện, nhiều nơi làm còn mang tính hình thức, chưa sát thực tiễn của địa phương, đơn vị, chưa thể hiện được tính chiến lược trong công tác này.

Trong các tổ chức cơ sở đảng nhiệm kỳ 2010 - 2015, tỉ lệ cấp ủy viên nữ tăng hơn nhiệm kỳ trước, với 663 chị đạt 16,93% (nhiệm kỳ trước 13,3%), tham gia Ban Thường vụ có 46 nữ, chiếm 6,78% (nhiệm kỳ trước 4,28%), có 62 nữ giữ chức vụ Bí thư cơ sở đảng, chiếm 7,84%. Hầu hết cán bộ Hội Phụ nữ có tham gia cấp ủy cơ sở. Cấp ủy huyện và tương đương nhiệm kỳ 2010 - 2015 có 78 nữ, đạt 13,13% (nhiệm kỳ trước 12,4%), tham gia Ban Thường vụ có 12 nữ (chiếm 6,81%). Đặc biệt, Đức Trọng có 2 nữ là Huyện ủy viên giữ chức Phó Chủ tịch UBND huyện. Cấp ủy tỉnh nhiệm kỳ 2010 - 2015 có 6 nữ, đạt 10,91% (nhiệm kỳ trước có 4 nữ chiếm 8,16%), tham gia Ban Thường vụ có 2 nữ, chiếm 13,33% (nhiệm kỳ trước chỉ có 1 nữ, chiếm 7,69%).

Ông Trần Hồng Quyết - Phó Giám đốc Sở Nội vụ cho biết: Công tác bổ nhiệm cán bộ nữ lãnh đạo luôn được các cấp, các ngành quan tâm, nhiều cán bộ nữ đang giữ các chức vụ lãnh đạo chủ chốt ở các cấp, các ngành. Cụ thể: Nữ đại biểu HĐND cấp tỉnh nhiệm kỳ 2011-2016 có 23 nữ, chiếm 31,5% (nhiệm kỳ trước là 22,2%), cấp huyện có 94 nữ đại biểu HĐND, đạt tỉ lệ 22,1% (nhiệm kỳ trước 20%), cấp xã có 844 nữ đại biểu HĐND, chiếm 20,6% (nhiệm kỳ trước 17,9%). Số nữ đảm nhiệm các chức vụ lãnh đạo chủ chốt (Chủ tịch, Phó Chủ tịch) trong UBND cấp tỉnh và huyện nhiệm kỳ 2011 - 2016 không tăng so với nhiệm kỳ trước. Riêng UBND cấp xã có 34 nữ, đạt 8,7% (nhiệm kỳ trước 7%). Tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt trong các Sở có 11 nữ, đạt 16% (tăng 2% so với năm 2007), cụ thể: có 2 nữ Giám đốc Sở (chiếm 10,5%), 9 nữ Phó Giám đốc (18%) và 56 nữ giữ chức trưởng, phó phòng thuộc Sở, đạt 20% (tăng 5% so với năm 2007). Tỉ lệ nữ lãnh đạo chủ chốt ở các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện có 45 chị, đạt 14% (tăng 1% so với năm 2007).

Không thể tạo vườn ươm riêng

Trong vòng 5 năm qua, có 758 cán bộ nữ được đào tạo bồi dưỡng về chuyên môn, 690 nữ được bồi dưỡng về lý luận chính trị và trên 1.000 phụ nữ được đào tạo bồi dưỡng hàng năm về ngoại ngữ, tin học, tiếng K’ho… Riêng đào tạo theo đề án 165 của Ban Tổ chức Trung ương có 4 nữ học thạc sĩ, tiến sĩ. Từ 2009 - 2011, UBND tỉnh đã phê duyệt kế hoạch đào tạo đại học và sau đại học bằng nguồn kinh phí đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh cho 113 cán bộ công chức viên chức nữ.

Bà Tôn Nữ Thị Ninh - Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội chia sẻ kinh nghiệm phụ nữ quản lý trong cuộc nói chuyện mới đây tại Đà Lạt đã nhấn mạnh: Nếu chị em tham gia quản lý thì phải thoát ra cái hộp cần mẫn, tỉ mỉ, cụ thể, vì nếu dừng lại ở đó thì chỉ ở cấp quản lý thấp. Phụ nữ có điều kiện nên tham gia lãnh đạo, quản lý và phụ nữ muốn tham gia làm quản lý, lãnh đạo thì cần được tạo điều kiện từ 2 phía: Đó là bộ máy quyền lực hành chính phải tạo điều kiện như thế nào? Muốn tăng tỉ lệ nữ phải soi vào chủ trương quy hoạch chính sách cán bộ nữ và từ phía người phụ nữ phải tự tạo điều kiện cho bản thân. Bà Ninh khẳng định: “Không có quyển sách nào vẽ vạch từng bước cho chị em thăng tiến, tôi trải nghiệm từ hoạt động bản thân thấy rằng: Cán bộ nữ trước tiên phải khá, giỏi về chuyên môn. Kinh nghiệm cá nhân tôi trong làm chuyên môn chưa bao giờ nghĩ mình là phụ nữ, rất bình đẳng với nam giới. Nếu mình không khá, giỏi thì người ta không nể mình. Bài học đầu tiên của nữ cán bộ là phấn đấu về chuyên môn tới nơi tới chốn. Nhưng tôi không khuyên chị em bỏ gia đình, thoát ly gia đình để vươn lên, mà phấn đấu đạt được thành công cả 2 phương diện gia đình và sự nghiệp, dù vất vả nhưng xứng đáng lắm!”.

DIỆU HIỀN