Dịch HIV ở Việt Nam, cũng như Lâm Đồng vẫn đang trong giai đoạn tập trung do tỉ lệ người nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế thì đây là thời điểm thích hợp để triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại.
Dịch HIV ở Việt Nam, cũng như Lâm Đồng vẫn đang trong giai đoạn tập trung do tỉ lệ người nhiễm HIV rất cao trong nhóm nghiện chích ma túy, mại dâm, bệnh nhân mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Theo khuyến cáo của các tổ chức quốc tế thì đây là thời điểm thích hợp để triển khai các biện pháp can thiệp giảm tác hại.
Theo Luật phòng chống HIV/AIDS định nghĩa: Giảm tác hại là các biện pháp khuyến khích sử dụng bao cao su, bơm kim tiêm sạch, điều trị cai nghiện ma túy bằng thuốc thay thế và các biện pháp can thiệp khác, nhằm tạo điều kiện cho việc thực hiện các hành vi an toàn để phòng ngừa lây nhiễm HIV. Hoạt động giảm tác hại của ma túy, mại dâm nhằm thúc đẩy người sử dụng ma túy và gái mại dâm thực hiện một số thay đổi tích cực về kiến thức, thái độ, hành vi để dự phòng lây nhiễm HIV cho mình và không làm lây nhiễm sang người khác.
Theo ước tính, cứ 7 giây trôi qua, thế giới lại có thêm 1 người nhiễm HIV mới, mỗi giờ thế giới có thêm khoảng 500 người nhiễm HIV, mỗi ngày thế giới lại có khoảng 12.000 -14.000 người nhiễm HIV. Tầm nhìn “Ba không” đã được Tổng Thư ký Liên hợp quốc công bố chính thức tại Đại hội đồng Liên hợp quốc về HIV/AIDS tháng 6/2011: Hướng tới không còn người nhiễm HIV mới, hướng tới không còn người tử vong do AIDS, hướng tới không còn kỳ thị và phân biệt đối xử. Việt Nam có 193.350 ca nhiễm HIV, 47.030 bệnh nhân AIDS, 51.306 người tử vong do AIDS. Triển khai chương trình can thiệp giảm tác hại bởi vì hiện chưa xóa bỏ triệt để nghiện chích ma túy và mại dâm, thậm chí số lượng người sử dụng ma túy và gái mại dâm có xu hướng ngày càng tăng, tỉ lệ nhiễm HIV trong đối tượng tiêm chích ma túy và gái mại dâm rất cao. Can thiệp giảm tác hại còn giúp bảo vệ quyền lợi của người nhiễm HIV: tư vấn và xét nghiệm HIV để biết tình trạng bệnh tật, tư vấn về sức khỏe, tình dục an toàn, tiêm chích an toàn… nhằm khống chế sự lây lan của HIV, viêm gan B, C.
Đối tượng áp dụng các biện pháp can thiệp giảm tác hại trong dự phòng lây nhiễm HIV bao gồm: Người mua dâm, bán dâm; người nghiện chất dạng thuốc phiện; người nhiễm HIV; người có quan hệ tình dục đồng giới; người thuộc nhóm người di biến động; người có quan hệ tình dục với các đối tượng nêu trên. Nội dung của chương trình can thiệp giảm tác hại bao gồm: Truyền thông thay đổi hành vi, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bơm kim tiêm sạch, cung cấp và hướng dẫn sử dụng bao cao su đúng cách, giới thiệu các đối tượng tiếp cận các dịch vụ phòng chống HIV.
Lâm Đồng đã có 1.856 ca nhiễm HIV, 408 bệnh nhân AIDS, 265 người tử vong do AIDS, 103 xã thuộc 12 huyện, thành phố có người nhiễm HIV. Chương trình này được triển khai tại 12 huyện, thành phố trong tỉnh, tập trung vào các nội dung chính: Nhân viên tiếp cận cộng đồng (ở Đà Lạt, Đức Trọng, Bảo Lộc, Lâm Hà, Bảo Lâm), chương trình bơm kim tiêm và chương trình bao cao su. Thành phố Đà Lạt và Đức Trọng là 2 đơn vị thụ hưởng dự án Quỹ toàn cầu phòng chống HIV/AIDS nên có nhiều chế độ dành cho đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng: hỗ trợ lương, trang thiết bị, đồng phục nên đã duy trì được đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng hoạt động có hiệu quả. Đội ngũ nhân viên tiếp cận cộng đồng của Đà Lạt và Đức Trọng có 35 người được cấp thẻ, trong đó có 22 nhân viên tiếp cận nhóm ma túy và 13 nhân viên tiếp cận nhóm mại dâm, 9 cộng tác viên phụ trách chương trình can thiệp giảm tác hại. Đánh giá qua một năm hoạt động, số người nghiện chích ma túy tiếp cận chương trình ở Đà Lạt là 384 người, tại Đức Trọng 116 người, với 208.507 bơm kim tiêm phân phát và hướng dẫn cho đối tượng sử dụng an toàn. Số chị em mại dâm tiếp cận chương trình tại Đà Lạt là 383 người và Đức Trọng có 150 người, với 213.218 bao cao su được phân phát cho đối tượng gái mại dâm.
Biện pháp cung cấp bơm kim tiêm và bao cao su không tạo điều kiện cho sử dụng ma túy hay hoạt động mại dâm mà mục đích góp phần quan trọng dự phòng lây nhiễm HIV. Việc can thiệp giảm tác hại có lợi cho nơi có tình trạng nhiễm HIV cao, có lợi cho cả khu vực nhiễm HIV ít nhằm dự phòng lây nhiễm HIV. Chương trình có sự đồng thuận phối hợp của các ngành liên quan, đặc biệt là Y tế, Công an và Sở Lao động - TBXH trong triển khai các hoạt động can thiệp giảm tác hại. Ông Phạm Văn Tôn - Công an thành phố Đà Lạt phát biểu: "Nói về kim tiêm, bao cao su mà khuyến khích là không phải, mà vấn đề phải kiểm soát, quản lý được để ngăn ngừa lây nhiễm HIV. Bao cao su không chỉ phát cho người bán dâm, người nghiện ma túy, mà mọi người đều cần được tuyên truyền để nâng cao nhận thức và trách nhiệm với cộng đồng. Công an Đà Lạt ủng hộ chương trình này".
AN NHIÊN