Cát Tiên đẩy mạnh công tác đào tạo nghề

03:07, 11/07/2012

Sau khi học nghề, người lao động đã áp dụng những kiến thức đã được học vào thực tế lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.

Trong năm 2011, trên địa bàn huyện Cát Tiên có 619 lao động nông thôn của 8 xã, thị trấn được đào tạo các nghề như: may công nghiệp, trồng lúa chất lượng cao, chăn nuôi - thú y, trồng nấm, sửa chữa máy nông cụ, đan bèo. Sau khi học nghề, người lao động đã áp dụng những kiến thức đã được học vào thực tế lao động sản xuất, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững ở địa phương.

Với mục đích đào tạo nghề cho người nghèo và lao động nông thôn để giúp họ có việc làm ổn định và vươn lên thoát nghèo một cách bền vững, huyện Cát Tiên tập trung đào tạo những ngành nghề phù hợp với nhu cầu và tình hình thực tế của địa phương. Đặc biệt là những nghề có thể tận dụng nguồn nguyên liệu sẵn có như mây, tre hay bèo…, và những lớp nghề này cũng luôn có số học viên tham gia nhiều nhất. Không những học nghề và tạo việc làm cho chính bản thân, nhiều lao động sau khi học nghề mây tre đan đã về gia đình hướng dẫn cho những thành viên trong nhà cùng làm. Có hộ đã mạnh dạn đầu tư vốn để mở cơ sở đan bèo, qua đó, tạo việc làm góp phần tăng thu nhập và ổn định cuộc sống không những cho nhiều lao động trên địa bàn mà cả các xã lân cận. Tiêu biểu như cơ sở đan bèo của hộ bà Nguyễn Thị Nhàn ở khu phố 10, thị trấn Đồng Nai. Vốn làm nông nên cuộc sống bấp bênh, bà Nhàn đã đăng ký tham gia lớp nghề đan bèo vì thấy phù hợp với thói quen đan lát của người phụ nữ. Thấy nhiều chị em trong khu phố cũng có thời gian nông nhàn sau những mùa vụ, bà Nhàn quyết định mở rộng cơ sở đan bèo vốn chỉ gồm những thành viên trong gia đình. Vậy là, cơ sở đan bèo của bà trở thành nơi giải quyết việc làm cho khoảng 100 hộ gia đình trong khu phố và cả nhiều hộ ở những xã khác với người hướng dẫn tận tình chính là bà chủ của cơ sở Nguyễn Thị Nhàn. Còn ông Hồ Ngọc Bửu ở thôn Cát Lợi, xã Phước Cát 1 sau khi tham gia lớp nghề trồng nấm đã mạnh dạn thay đổi giống cây trồng, vật nuôi và vay vốn để đầu tư vào sản xuất. Mô hình trồng nấm của hộ ông Bửu đã mang lại hiệu quả giúp gia đình ông từ hộ nghèo vươn lên thoát nghèo bền vững.

Đến nay, tỷ lệ lao động trên địa bàn huyện đã qua đào tạo chiếm khoảng 12,12%. Với chỉ tiêu trong năm 2012 sẽ có khoảng 600 lao động nông thôn được đào tạo nghề phù hợp với điều kiện của địa phương để có việc làm và thu nhập ổn định, đặc biệt là giúp hộ nghèo có điều kiện vươn lên thoát nghèo, huyện Cát Tiên đang tiếp tục đổi mới và phát triển công tác đào tạo nghề, góp phần nâng tỷ lệ lao động nông thôn qua đào tạo. Theo báo cáo của Phòng LĐ - TB & XH huyện Cát Tiên, trong 6 tháng đầu năm 2012, toàn huyện đã có gần 300 lao động được đào tạo những nghề khác nhau như: chăm sóc lúa chất lượng cao, chăn nuôi thú y, trồng và chăm sóc cây điều, trồng cây rau và cây dược liệu diệp hạ châu… Nhiều giải pháp trong công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn được huyện Cát Tiên chú trọng tập trung. Trong đó, đa dạng hóa các hình thức đào tạo nghề phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương, qua đó, tạo cơ hội bình đẳng, thuận lợi để mọi thành phần kinh tế đầu tư cơ sở và tổ chức dạy nghề. Mặt khác, tăng cường công tác tuyên truyền vận động dưới nhiều hình thức khác nhau về vai trò, vị trí của công tác đào tạo nghề đối với việc phát triển kinh tế - xã hội và các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về khuyến khích hỗ trợ cho người học nghề, nhằm nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành và toàn xã hội về việc học nghề. “Những năm qua, công tác đào tạo nghề đã được triển khai rộng khắp trong toàn huyện, thông qua việc mở các lớp đào tạo nghề đã tạo điều kiện cho người lao động được tham gia học nghề để có việc làm phù hợp và ổn định, góp phần giảm nghèo nhanh và bền vững tại địa phương”, bà Nguyễn Thị Mỹ - Trưởng phòng LĐ - TB & XH huyện Cát Tiên cho biết.

TUẤN HƯƠNG