Không những hiến đất, anh còn bỏ tiền túi của mình hơn 150 triệu đồng để dựng 3 lớp học bằng ván gỗ, lợp tôn và trang thiết bị dạy học ban đầu...
Bản Căn cứ (thôn 5) Đạ M’Bô, xã Liêng Srônh nằm lọt thỏm giữa một thung lũng hẹp, nơi mà ranh giới giữa Lâm Đồng và Đắc Nông được phân cách bởi con sông Đăk Măng có dòng chảy đục ngầu. Trước đây, thôn chỉ có vài chục nóc nhà của người dân tộc gốc bản địa sinh sống, hơn 10 năm trước Đạ M’Bô trở nên “đông vui” hơn vì sự có mặt của trên dưới 200 hộ dân người H’Mông di cư tự do từ phía Đắc Nông sang vỡ đất, dựng nhà lập bản.
Lớp học ở bản Căn cứ. |
Là cán bộ kiểm lâm của Ban Quản lý rừng phòng hộ Sêrêpốk, nằm rừng nhiều năm ở Đạ M’Bô, anh Nguyễn Đăng Biện thấu hiểu và thương cảm cho hoàn cảnh của những đứa trẻ ở đây. Bởi, một vài đứa còn miệt mài đi bộ ngày hai buổi sang Đắc Nông tìm chữ, số còn lại vất vơ, quần mình cả ngày với bùn đất, hoặc theo cha mẹ hàng ngày lên rẫy. Đi học dường như là một nhu cầu “xa xỉ” với bọn trẻ ở đây, vì thế anh đã quyết định hiến đất ruộng trồng lúa của mình để dựng trường cho bọn trẻ có nơi ăn học.
Không những hiến đất, anh còn bỏ tiền túi của mình hơn 150 triệu đồng để dựng 3 lớp học bằng ván gỗ, lợp tôn và trang thiết bị dạy học ban đầu như bảng, phấn, bàn ghế cũng như sách vở, bút mực cho các em học trong vòng một năm… tất cả đều chuẩn tiêu chí của một lớp học cơ bản. Chưa có giáo viên, anh và vợ của mình là chị Lê Thị Như (một người đã tốt nghiệp Cao đẳng Sư phạm) tình nguyện đứng lớp để dạy học cho các em nhỏ nơi đây tiếp cận với 10 con số và 29 con chữ (lời chị Như). Theo anh Biện thì, tất cả những việc đó chỉ xuất phát từ: “Nhìn thấy bọn trẻ thất học, nghèo đói tội lắm. Tôi và vợ quyết định đem chút kiến thức của mình truyền đạt lại cho các cháu nhỏ để chúng có ước mơ, từ đó thay đổi được cuộc sống hiện tại của mình”.
Chuyện hiến đất làm trường của vợ chồng anh Biện đã có thời điểm từng là “sự kiện nóng” ở huyện Đam Rông. Thời gian đầu, một số lãnh đạo huyện không đồng tình vì cho rằng việc làm của anh vô tình tiếp tay cho việc di cư tự do của người H’Mông từ Đắc Nông qua. Sau thời gian dài đấu tranh cho quan điểm của mình, mái trường của vợ chồng anh cũng đã được chấp nhận. 3 lớp học ở Đạ M’Bô trở thành một điểm trường của Trường Tiểu học Đạ R’Sal và hiện tại đã có 3 giáo viên vào đứng lớp.
Ở Đạ M’Bô có những lớp học đặc biệt, đặc biệt cả ở khía cạnh học trò đến thầy cô đứng lớp. Học trò ở đây không tuân theo một lứa tuổi chuẩn như quy định. Vài đứa ở đúng độ tuổi đến lớp, còn lại thì từ 8 cho đến 12, 13… tất cả đều ngồi chung trong một lớp. Không đồng phục, không giày dép, không khăn quàng, nhiều em còn “không cần” sách vở, chỉ ngồi nghe đọc theo và nhớ (?!).
Ngoài điểm trường đã được công nhận và huyện quan tâm khi cử giáo viên vào đứng lớp, ở Đạ M’Bô còn có những lớp học mà vợ chồng anh Biện, chị Như vận động bà con tham gia đóng góp để mở lớp tại Tiểu khu 179 (thuộc địa phận xã Liêng Srônh). Ở đây cũng có 3 lớp 1, nhưng tất cả các thầy cô giáo đều là những người không có hợp đồng, biên chế trong ngành giáo dục. Phần lớn họ đều tình nguyện dạy cho các em và tất nhiên là không có lương cũng như không có “Mạnh thường quân” cho công việc vất vả này. Ngoài chị Như (vợ anh Biện), còn có Vừ A Tráng, một người trong bản có trình độ 12 và Cầm Bá Dũng - cử nhân Đại học Thể dục - Thể thao, trực tiếp đứng lớp dạy chữ xóa mù cho các em nhỏ tại đây.
Dũng học xong đại học, không xin được việc làm, nhà lại nghèo nên vào Tây Nguyên để đi làm thuê và tìm cơ hội. “Em đi làm thuê, gặp anh Biện chuyện trò, vậy là em lên đường vào rừng đứng lớp. Đang còn trẻ, lại thích nghề nên em chấp nhận thử thách để thử sức mình. Thứ Bảy, Chủ nhật hoặc những ngày được nghỉ, vượt qua sông Đắc Nông làm thuê công nhật, mua gạo, cá khô, mắm muối… rồi lại vào rừng. Khổ nhưng thấy vui anh ơi”. Chàng cử nhân thể dục - thể thao, người dân tộc Thái (quê Thanh Hóa) bộc bạch chia sẻ với tôi.
Tuấn Linh