Đạ Ròn còn nhiều trẻ em suy dinh dưỡng

05:07, 08/07/2012

Ít ai nghĩ rằng xã Đạ Ròn nằm trên con đường huyết mạch quốc lộ 27, cận kề với thị trấn Thạnh Mỹ thuộc trung tâm huyện Đơn Dương có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thuộc hàng cao nhất huyện, chứ không phải các xã vùng sâu, vùng xa như thường thấy.

Ít ai nghĩ rằng xã Đạ Ròn nằm trên con đường huyết mạch quốc lộ 27, cận kề với thị trấn Thạnh Mỹ thuộc trung tâm huyện Đơn Dương có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng thuộc hàng cao nhất huyện, chứ không phải các xã vùng sâu, vùng xa như thường thấy.

Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số quen dần với việc theo dõi cân nặng của trẻ
Phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số quen dần với việc theo dõi cân nặng của trẻ


Xã Đạ Ròn cũng là xã nông nghiệp như các xã khác, nhưng với lợi thế cây rau thương phẩm, có đàn bò sữa cao nhất huyện, giao thông đi lại thuận lợi, đời sống người dân được cải thiện mà bằng chứng là số hộ nghèo giảm qua hàng năm nhưng tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng dưới 5 tuổi còn ở mức cao 24,46%. Toàn huyện Đơn Dương có 30 thôn có tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em với tỷ lệ từ 18% - trên 40%, thì thôn Suối Thông A2 của xã Đạ Ròn có mặt trong danh sách 4 thôn và là thôn đứng đầu có số trẻ suy dinh dưỡng cao nhất.

Tại trạm y tế xã, chúng tôi chứng kiến chị em đưa trẻ đi cân, đo đếm chiều cao mới thấy thực tế trẻ em suy dinh dưỡng gầy gò, thấp bé nhẹ cân là phổ biến ở Đạ Ròn. Trong số 11 trẻ được cân, đo kiểm tra có tới 6 trẻ rơi vào ngưỡng suy dinh dưỡng về cân nặng và chiều cao so với lứa tuổi. Chị Sa Phiell đưa con đến cân kiểm tra định kỳ cho hay: Bé Ly Bin được ba tuổi hai tháng rồi mà mới nặng 10,5 kg, cao 85 cm. Mặc dù chị đã được tập huấn thực hành bữa ăn dinh dưỡng, cách thức chăm sóc trẻ và thuộc lòng 10 lời khuyên dinh dưỡng hợp lý, có tiền là mua sữa cho con, nhưng cháu lại tăng trưởng quá chậm. Chị Her Ria - cộng tác viên chương trình phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em ở thôn Suối Thông A1 giải thích: “Khi vận động, hướng dẫn, nhiều chị em trong thôn cũng nắm được kiến thức áp dụng vào chăm sóc con cái. Vậy mà thôn vẫn có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng còn ở mức cao. Ngay cháu nhỏ ở nhà cũng bị suy dinh dưỡng do cháu không chịu ăn”.

Theo cán bộ của Đội Chăm sóc sức khỏe sinh sản thuộc Trung tâm Y tế Đơn Dương, tổng số trẻ em dưới 5 tuổi của xã Đạ Ròn là 775 em, trong đó 24,46% trẻ em suy dinh dưỡng. Các thôn có tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng cao đó là: Thôn 3 với tỷ lệ 21,1%; thôn 2 có tỷ lệ 26,7%; thôn Suối Thông A1 là 28,3%, đặc biệt thôn Suối Thông A2 có tới 39,4% trẻ em suy dinh dưỡng. Chị Phạm Thị Thanh Diệu, nữ hộ sinh Trạm Y tế Đạ Ròn đã có 10 năm phụ trách chương trình phòng chống suy dinh dưỡng tại xã cho biết: So với trước đây bây giờ tình hình trẻ em suy dinh dưỡng của xã có khá hơn, mỗi năm bình quân giảm được 0,5% tỷ lệ suy dinh dưỡng trẻ em. Có được kết quả như thế do thường xuyên vận động chị em thăm khám thai định kỳ, nuôi con bằng sữa mẹ, nấu cháo dinh dưỡng cho trẻ. Tuy nhiên, tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng của xã còn ở mức cao chủ yếu tập trung ở đối tượng hộ nghèo, trẻ em là người đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi chỉ cần chị em không cho trẻ ăn đủ bữa, đúng bữa cũng sẽ ảnh hưởng đến tăng trưởng của bé. Đó là chưa kể các trường hợp trẻ em suy dinh dưỡng có nguyên nhân hay bị bệnh, chế độ dinh dưỡng không đảm bảo, ngay cả vệ sinh dụng cụ khi chế biến thức ăn hay lựa chọn thực phẩm cũng ít nhiều ảnh hưởng đến tăng trưởng của trẻ em.

Một trong những khó khăn khi tuyên tuyền giáo dục về phòng chống suy dinh dưỡng trẻ em, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số chủ yếu tuyên truyền miệng, phát trên loa, nên thiếu hình ảnh trực quan cũng ảnh hưởng đến sự tiếp nhận của chị em. Do đó, việc kéo giảm tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng không phải chuyện dễ dàng.   

AN NHIÊN