Sống lại khí phách anh hùng dân tộc

09:07, 30/07/2012

(LĐ online) - Sáng 27/7, sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện Đơn Dương, chương trình giao lưu “Màu hoa đỏ” đã được thực hiện tại hội trường UBND huyện...

(LĐ online) - Sáng 27/7, sau khi dâng hương tại Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ của huyện Đơn Dương, chương trình giao lưu “Màu hoa đỏ” đã được thực hiện tại hội trường UBND huyện, với sự tham dự của hơn 200 khách mời là các cựu chiến binh, thương binh, thân nhân gia đình liệt sĩ và người có công vươn lên trong cuộc sống của huyện.

rao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện Đơn Dương.
Trao bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện Đơn Dương.


Ông Lê Hữu Túc – Phó Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương, thay mặt Ban tổ chức ôn lại lịch sử và truyền thống ngày Thương binh liệt sĩ. Ông Thái On – Bí thư Huyện uỷ tổng kết công tác “Đền ơn đáp nghĩa” của huyện Đơn Dương từ ngày giải phóng. Ông Đinh Ngọc Hùng – Chủ tịch UBND huyện Đơn Dương báo cáo với các cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ, gia đình người có công về thành quả phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua và định hướng sắp tới.

Đơn Dương là một phần mảnh đất chiến trường Tuyên Đức xưa, với hai địa danh thường xuyên bị địch phục kích, đánh úp, vây ráp... là Ka Đô và Quảng Lập. Các chiến sĩ binh lực mỏng, hoạt động trên địa bàn rộng nên rất khó khăn. Vào những lúc bị vây ráp, phải cầm cự nhiều ngày trong rừng, quân lương chủ yếu chỉ là củ mì với rau rừng. Mỗi lần giáp trận với địch, thương vong đều hơn một nửa. Nhưng các cựu chiến binh hôm nay tự hào rằng: ác liệt như vậy, hao tổn binh lực như vậy, ăn uống khó khăn như vậy, nhưng tổ chức không hề bị bể, không bị tan rã...

Động cơ nào cho họ một tinh thần “thép” để đi theo cách mạng? “Chỉ có tinh thần yêu nước. Chỉ biết đánh Mỹ để trả thù cho bà con, đồng bào, bảo vệ Tổ quốc chứ chưa biết “lý tưởng”, chưa biết “giác ngộ” là gì(?!)” (Ông Phan Tuấn Kiệt – cựu chiến binh chiến trường Tuyên Đức tâm sự). Còn bà Nguyễn Thị Hiền (cô Ba Biểu – vợ liệt sĩ Lê Văn Biểu) cho biết: Khi tham gia cách mạng, vợ chồng bà đã xác định “Có chiến tranh là có mất mát. Nếu một người hy sinh, người kia vẫn bám trụ theo cách mạng”. Năm 1972, ông hy sinh khi bà 39 tuổi. Dù đau đớn, bà vẫn nhiệt tình tham gia công tác phụ nữ, động viên chị em kiên trung bám trụ.

Đơn Dương hiện có hơn 1200 đối tượng có công với cách mạng (Bà Mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, thân nhân liệt sĩ, người có công...). Cùng với chế độ của nhà nước, thời gian qua, huyện đã xây dựng được 75 nhà tình nghĩa trị giá 1,5 tỷ đồng, tặng 15 sổ tiết kiệm, đóng góp quỹ “đền ơn đáp nghĩa” hơn 800 triệu đồng, phụng dưỡng – chăm sóc Mẹ Việt Nam anh hùng... góp phần giảm bớt khó khăn, mất mát và đau thương cho các gia đình có người thân tham gia vào cuộc chiến tranh thống nhất Tổ quốc. Đặc biệt, các công trình Đài tưởng niệm liệt sĩ và Bia ghi danh anh hùng liệt sĩ ở Ka Đô và Quảng Lập là hình ảnh sống mãi với thời gian để thế hệ hôm nay và mai sau hiểu, có trách nhiệm và tri ân những thành quả cách mạng mà cha ông đã cống hiến, hy sinh. Tại buổi giao lưu, UBND huyện cũng trao bằng khen cho 12 tập thể và 17 cá nhân có thành tích xuất sắc trong phong trào “Đền ơn đáp nghĩa”.

Chương trình cũng tuyên dương những tấm gương người có công vươn lên trong cuộc sống. Như, anh thương binh Nguyễn Xuân Tình, có mẹ liệt sĩ, cha và hai anh là thương binh, luôn chăm chỉ, cố gắng làm ăn, nuôi dạy con cái trưởng thành; hay, chủ doanh nghiệp Vạn Đức – ông Lưu Vạn Đức, cả hai vợ chồng đều là con liệt sĩ, đã vượt khó làm giàu, đóng góp cho quê hương... Buổi giao lưu cũng ghi nhận những đóng góp của các tập thể, cá nhân với số tiền 165 triệu đồng, trong đó, riêng Chi nhánh Ngân hàng TMCP BIDV Lâm Đồng tặng 2 căn nhà tình nghĩa, mỗi căn trị giá 50 triệu đồng cho gia đình vợ liệt sĩ Lê Thị Tính (xã Ka Đô) và gia đình thương binh Lê Luân (xã Quảng Lập).

Lê Hoa