(LĐ online) - Suốt 33 năm qua, Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt chưa bao giờ thiếu vắng trái tim người. Những trái tim hoài niệm về một thời đã qua; những trái tim đầy ắp bao kỷ niệm của một thời khói lửa…
(LĐ online) - 33 năm qua, Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt là địa chỉ tìm về của gia đình, người thân, đồng đội nhớ về những con người đã hy sinh vì độc lập tự do, vì sự trường tồn của Tổ quốc. Không chỉ thế, Nghĩa trang Liệt sĩ Đà Lạt còn là nơi để mỗi con người Việt Nam yêu đất nước tìm đến thắp nén hương tri ân lịch sử, tri ân những người đi trước và tri ân những người đã ngã xuống vì độc lộc, tự do, vì cuộc sống bình yên của dân tộc Việt Nam.
Thanh niên lực lượng vũ trang tỉnh Lâm Đồng tri ân các Anh hùng liệt sỹ. Ảnh Văn Báu |
Mỗi ngày như mọi ngày, trong suốt 33 năm qua nơi này chưa bao giờ thiếu vắng trái tim người. Những trái tim hoài niệm về một thời đã qua; những trái tim đầy ắp bao kỷ niệm của một thời khói lửa; những trái tim giàn giụa nướt mắt trước sự ra đi của những người ông, người bà; người cha, người mẹ; người con, người cháu; người anh, người chị và cả những chàng trai, cô gái còn rất trẻ chưa kịp biết mặt, hỏi tên; những trái tim tiếc thương và trân trọng vì triệu triệu giọt máu đã đổ để mở cõi bình yên, khẩn hoang niềm hạnh phúc. Những trái tim ấy mãi tìm về nơi này mà ôm ấp, mà yêu thương, vỗ về; mà ru giấc ngủ rất dài của hơn 2.200 trái tim đã vĩnh viễn không còn đập nữa ….
Chiến tranh đã lùi xa, cuộc sống hòa bình đang dần khỏa lấp những nỗi đau mất mát nhưng niềm tiếc thương thì ngày nào cũng ở lại và thao thức trong lòng những người còn sống. Vậy nên dẫu có trong Nam, ngoài Bắc; dẫu có kẻ lạ, người quen; dẫu chẳng phải máu mủ anh em ruột thịt và dẫu những mái đầu đã bạc, lưng đã còng hay mái đầu xanh chỉ được nghe tiếng bom rơi, tiếng súng nổ… từ những dòng ngắn ngủi trong trang sách giáo khoa… ngày ngày vẫn tìm về nơi này, cùng chung khúc tri ân.
Khúc tri ân của bà mẹ già bao nhiêu năm xuôi ngược tìm con. Khúc tri ân lặng lẽ của dòng nước mắt không bao giờ cạn trên khuôn mặt đã nhăn nheo vì thời gian nhưng chẳng già trong trái tim người mẹ. Vẫn là một lời nguyện cầu; vẫn là một niềm thương tiếc và vẫn là một tấm lòng, một lời ru của mẹ dành cho những đứa con đi mãi không về vì cuộc chiến tranh đã thuộc mấy chục năm về trước:
Con ở đâu con ở đâu?
Tóc trắng mẹ khóc mái đầu còn xanh
Con về với cõi vĩnh hằng
Mẹ nghe thắt dạ tháng năm mỏi mòn
Cô đơn dưới bóng hoàng hôn
Tưởng chừng con trẻ vẫn còn đâu đây
Đau lòng mẹ, con có hay ?
Nén nhang tâm niệm một ngày gặp con …
Khúc tri ân ấy không có lời mà khúc tri ân ấy được cất lên từ những trái tim biết ơn lịch sử, biết ơn những thế hệ đi trước, biết ơn những con người mang dòng máu Việt đã ngã xuống vì độc lập, tự do và sự trường tồn của dải đất hình chữ S mang tên Việt Nam. Khúc tri ân ấy được lớp trẻ bây giờ cất lên bằng những việc làm có nghĩa, có tình, có trước, có sau … để nhớ, để trân trọng những giọt máu đào đã đổ xuống. Và khúc tri ân ấy còn là lời nhắc nhở những trái tim vẫn đập mà đôi khi vô tình, lắm lúc lãng quên với những gì đã thuộc về ngày hôm qua khi được sống trong cõi bình yên này.
Bằng tấm lòng của người dân đất Việt và bằng tấm lòng của chính mình và hưởng ứng cuộc vận động của Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tổ chức chương trình Thắp nến tri ân, tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ, mà thời gian qua tuổi trẻ Lâm Đồng đã cùng chung một khúc tri ân với bao việc làm ý nghĩa, tưởng nhớ những con người đã ngã xuống vì một quê hương không còn tiếng súng. Đó là phong trào Áo lụa tặng bà, Viên gạch nghĩa tình của tổ chức Đội Thiếu niên Tiền phong Hồ Chí Minh. Phong trào chăm sóc các phần mộ liệt sĩ, đóng góp xây dựng nhà Tình thương, Tình nghĩa; thăm, chăm sóc các Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng, các gia đình chính sách, thương binh, bệnh binh, gia đình có công với cách mạng… của tổ chức Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh.
Các cháu thiếu niên nhi đồng thắp hương tri ân các Anh hùng liệt sỹ tại Nghĩa trang liệt sỹ Đà Lạt. Ảnh Võ Trang |
Mấy năm qua - hàng ngàn trái tim tuổi trẻ hướng về nơi an nghỉ của hơn 2.200 người con đất Việt có tên và cả không tên để thắp nén hương thơm, thắp lên ngọn nến của lòng biết ơn, sự trân trọng; thắp lên lòng tự hào dân tộc và nguyện với lòng mình sống sao cho xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước.
Vết thương của ngày hôm qua đã thành vết sẹo mờ. Dấu tích của một thời chiến tranh đã xanh màu của lúa, đã rực rỡ màu của hoa, đã cao vút những công trình mới mọc và đã rạng ngời nụ cười hạnh phúc của bao người… từ khúc tri ân của triệu triệu trái tim góp lại.
Những đóa hoa không để lại tên người trước ngôi mộ liệt sĩ vô danh. Một nén hương thơm, một cây nến không đốt từ lửa mà được thắp lên bằng tấm lòng thơm thảo. Có lẽ chỉ vậy thôi cũng đủ ấm lòng, cũng đủ thanh thản cho hàng triệu người con đất Việt đã ngã xuống, không tiếc máu xương cho độc lập, tự do.
Và có lẽ chỉ vậy thôi để hơn 240 ngàn liệt sĩ chưa tìm được hài cốt; gần 300 ngàn liệt sĩ chưa tìm được tên, chưa về với mái ấm gia đình… an lòng yên nghỉ trong lòng đất mẹ. Và có lẽ chỉ vậy thôi để mỗi con người sống trong cõi bình yên này hiểu và nhớ rằng: Cuộc sống này cần lắm những tấm lòng tử tế. Cuộc sống này cần lắm Khúc tri ân …
Văn Quang