Huy động mọi nguồn lực và sức mạnh cộng đồng để chăm lo đời sống gia đình chính sách

03:07, 24/07/2012

Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012), Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Trương Ngọc Lý - TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho gia đình chính sách và người có công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, trong những năm qua, công tác thương binh, liệt sĩ (TBLS), người có công và nhất là phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” ở tỉnh Lâm Đồng đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận. Qua đó, huy động được nguồn lực, sức mạnh cộng đồng để chăm lo cho đời sống gia đình chính sách, tạo điều kiện để các gia đình chính sách phát huy truyền thống và phấn đấu vươn lên. Nhân kỷ niệm 65 năm Ngày Thương binh - Liệt sĩ (27/7/1947 - 27/7/2012), Báo Lâm Đồng đã có cuộc trao đổi với ông Trương Ngọc Lý - TUV, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội về công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm lo cho gia đình chính sách và người có công trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua.

Ông Trương Ngọc Lý - TUV, Giám đốc Sở LĐ - TB & XH tặng hoa cho con em gia đình chính sách tiêu biểu năm 2012
Ông Trương Ngọc Lý - TUV, Giám đốc Sở LĐ - TB & XH tặng hoa cho con em gia đình chính sách tiêu biểu năm 2012


PV: Xin ông cho biết đôi nét về việc quản lý đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh hiện nay?

Ông Trương Ngọc Lý: Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, cũng như trong chiến đấu truy quét bọn phản động Fulro, Lâm Đồng là địa bàn chiến lược trọng điểm của Tây Nguyên, nhiều cán bộ - chiến sĩ đã hy sinh, bị thương thuộc diện phải giải quyết chính sách. Khó khăn lớn nhất trong công tác TBLS của tỉnh là Quân khu 6 giải thể ngay sau giải phóng, cán bộ lãnh đạo, chỉ huy của Khu ủy, Bộ Tư lệnh Quân khu được điều động đi khắp các tỉnh nên việc nắm bắt thông tin về sơ đồ mộ chí, truy tìm tung tích, thực hiện chế độ TBLS phải mất nhiều thời gian, công sức. Mặt khác, đối với đối tượng chính sách hiện nay mà Sở đang quản lý, hầu hết được lập hồ sơ và giải quyết chế độ ở các tỉnh khác di chuyển vào Lâm Đồng thực hiện chế độ và chi trả trợ cấp. Tuy nhiên, được sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể từ tỉnh đến cơ sở nên việc tổ chức thực hiện công tác chính sách đối với người có công ở Lâm Đồng đã đạt được một số kết quả đáng khích lệ. Tỉnh đã cơ bản hoàn thành xác nhận giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, lập hồ sơ giải quyết chế độ bệnh binh; trợ cấp một lần cho các đối tượng là người dân tộc thiểu số hoạt động kháng chiến trên địa bàn tỉnh đã về gia đình chưa được hưởng chính sách bằng nguồn ngân sách địa phương… Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 34.779 gia đình và cá nhân thuộc diện chính sách người có công, trong đó, có 4.395 gia đình liệt sĩ; 123 Mẹ VNAH; 4 Anh hùng LLVTND; 3.835 thương binh; 1.949 bệnh binh; 61 cán bộ lão thành cách mạng; 102 cán bộ tiền khởi nghĩa; 1.020 người có công cách mạng; 20.415 người hoạt động kháng chiến giải phóng dân tộc; 2.127 người hoạt động kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học; 748 người hoạt động cách mạng, hoạt động kháng chiến bị địch bắt tù đày. Tổng số đối tượng hưởng trợ cấp hàng tháng là 9.194 người, với số tiền chi trả trợ cấp hàng tháng 10,7 tỷ đồng.

PV: Vậy, công tác “Đền ơn đáp nghĩa” để chăm lo cho đối tượng chính sách trên địa bàn tỉnh trong thời gian qua đã đạt được những kết quả nổi bật nào, thưa ông?

Ông Trương Ngọc Lý: Trước hết là việc giải quyết chính sách tồn đọng sau chiến tranh, quy tập hài cốt liệt sĩ vào các nghĩa trang. Đến nay, toàn tỉnh có 3 nghĩa trang liệt sĩ với tổng số 3.493 mộ liệt sĩ và hàng chục nhà bia ghi tên liệt sĩ ở các xã anh hùng trong toàn tỉnh. Sở LĐ - TB & XH đã xem xét, giải quyết việc xác nhận liệt sĩ, thương binh, thanh niên xung phong, chính sách đối với người tham gia kháng chiến và con đẻ của họ bị nhiễm chất độc hóa học, ưu đãi về giáo dục – đào tạo, chăm sóc sức khỏe, cải thiện nhà ở, đào tạo nghề, phát triển sản xuất, giảm nghèo… Do đó, đã thực sự động viên, hỗ trợ về tinh thần và vật chất cho các thương binh, gia đình liệt sĩ, người có công với cách mạng. Đồng thời, ngành LĐ - TB & XH đã cùng các ngành, các cấp ở địa phương triển khai thực hiện và vận dụng các chính sách như: ưu tiên trong việc thuê hoặc mua nhà thuộc sở hữu nhà nước, cấp đất sản xuất, đất thổ cư, mặt bằng kinh doanh, miễn giảm thuế nhà đất, miễn giảm học phí, cấp thẻ bảo hiểm y tế… nhằm tạo điều kiện cho các gia đình chính sách trên địa bàn từng bước ổn định cuộc sống. Mỗi năm, tỉnh Lâm Đồng thực hiện việc chi trả định suất và các khoản trợ cấp khác cho các gia đình thuộc diện chính sách và người có công trên 160 tỷ đồng. Hoạt động nổi bật trong công tác đền ơn đáp nghĩa ở tỉnh Lâm Đồng thời gian qua chính là việc vận động nguồn lực từ cộng đồng để xây dựng, sửa chữa nhà tình nghĩa cho các đối tượng chính sách. Từ năm 2005 đến nay, Sở LĐ - TB & XH đã phối hợp với các cơ quan đoàn thể, các huyện, thành phố vận động ủng hộ Quỹ “Đền ơn đáp nghĩa” được trên 15 tỷ đồng để xây dựng hơn 500 căn và sửa chữa hàng trăm căn nhà tình nghĩa. Đặc biệt, tỉnh Lâm Đồng được Bộ LĐ - TB & XH và UBND tỉnh đầu tư xây dựng Trung tâm Điều dưỡng Người có công với quy mô 80 giường, đáp ứng nhu cầu điều dưỡng luân phiên của các đối tượng chính sách trong tỉnh và thu hút nhiều đối tượng chính sách của các tỉnh lân cận về nghỉ dưỡng. Những năm gần đây, phong trào “Đền ơn đáp nghĩa” đã được phát huy và nhân rộng ở các khu dân cư đến xã, phường, thị trấn. Đến nay, toàn tỉnh đã có 145/148 xã, phường, thị trấn được công nhận làm tốt công tác TBLS, 98% người có công có mức sống bằng hoặc khá hơn mức sống trung bình của dân cư cùng địa bàn cư trú. Kết quả của công tác “Đền ơn đáp nghĩa”, chăm sóc người có công với cách mạng ở tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua không chỉ góp phần ổn định và nâng cao đời sống nhiều mặt của các đối tượng chính sách mà còn góp phần ổn định tình hình chính trị trên địa bàn, củng cố lòng tin của nhân dân và đối tượng chính sách vào chế độ, khơi dậy được đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, góp phần giáo dục thế hệ trẻ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

PV: Vâng, xin cảm ơn ông đã dành thời gian cho cuộc  trao đổi này.

Tuấn Hương (Thực hiện)