Ưu thế dân số Lâm Đồng

02:07, 10/07/2012

Nhân Ngày Dân số Thế giới, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BS Cao Thị Thu Ba - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh về những đặc điểm nổi bật của dân số Lâm Đồng.

Nhân Ngày Dân số Thế giới, PV Báo Lâm Đồng có cuộc phỏng vấn BS Cao Thị Thu Ba - Chi cục trưởng Chi cục DS-KHHGĐ tỉnh về những đặc điểm nổi bật của dân số Lâm Đồng.

PV: Xin bà cho biết những chỉ số quan trọng Lâm Đồng đã đạt được qua nhiều năm triển khai chương trình quốc gia về DS-KHHGĐ?

Bác sĩ Cao Thị Thu Ba
Bác sĩ Cao Thị Thu Ba

BS Cao Thị Thu Ba: Công tác DS-KHHGĐ tỉnh Lâm Đồng trong những năm qua đã đạt được những thành tựu nổi bật, chất lượng dân số được nâng lên, nhận thức, thái độ, hành vi về dân số, sức khỏe sinh sản, KHHGĐ của người dân có chuyển biến tích cực, cụ thể: Tổng tỷ suất sinh (số con sinh sống bình quân của một người phụ nữ) từ 2,79 con/PN năm 2001 giảm còn 2,3 con/PN năm 2011; tuổi thọ trung bình tăng lên năm 2012 là 73,8 tuổi (nam: 71.4 và nữ: 76,7 tuổi); nhiều mô hình nâng cao chất lượng dân số từng bước đã được triển khai mở rộng; tỷ số chết mẹ giảm từ 34/100.000 (năm 2001) xuống còn 9/100.000 trẻ sơ sinh sống (năm 2011); tỷ lệ SDDTE < 5 tuổi cân nặng theo tuổi từ 29% (năm 2001) giảm còn 15,1% (năm 2011); tỷ lệ các cặp vợ chồng áp dụng các biện pháp tránh thai hiện đại năm 2001: 67,43% đã tăng lên 71,82% năm 2011. Quy mô gia đình ít con để có điều kiện nuôi con khỏe mạnh, phát triển về thể chất, tinh thần, trí tuệ ngày càng được chấp nhận rộng rãi, sức khỏe bà mẹ trẻ em ngày càng được nâng lên.

Để đạt được những con số trên là sự nỗ lực rất lớn của công tác truyền thông giáo dục ngày càng đa dạng, phong phú luôn đổi mới về nội dung, lẫn hình thức và cách tiếp cận công tác giáo dục DS-SKSS- KHHGĐ trong cộng đồng đã tạo ra sự chuyển biến tích cực về nhận thức và hành vi tích cực của nhân dân.

PV: Bà có thể phân tích ưu thế của dân số Lâm Đồng hiện nay?

BS Cao Thị Thu Ba: Cơ cấu dân số theo tuổi của tỉnh Lâm Đồng có sự thay đổi theo hướng tích cực, tỷ trọng dân số < 15 tuổi giảm, ngược lại tỷ trọng dân số ở lứa tuổi 15-59 tăng nhanh 66%. Đây là thời kỳ dân số Lâm Đồng đang có ưu thế về lực lượng lao động là cơ hội cho phát triển kinh tế địa phương nhưng cũng tạo ra những thách thức lớn về giáo dục, đào tạo nghề, tạo việc làm, nâng cao chất lượng lao động cho lực lượng lao động; tuổi lao động có quy mô lớn và tăng nhanh cũng tác động đến tỷ lệ thai sản, phá thai... đòi hỏi đến nhu cầu an sinh xã hội cho lực lượng này.

PV: Thưa bà, liệu rằng nguy cơ gia tăng dân số ở địa phương có quay trở lại?

BS Cao Thị Thu Ba: Lâm Đồng chưa đạt được mức sinh thay thế và dân số vẫn đang trong giai đoạn nhạy cảm với các yếu tố tác động. Song song với cơ cấu “dân số vàng” thì  độ tuổi bước vào tuổi sinh đẻ tăng nhanh, cùng với số người di cư tự do trong những năm gần đây tương đối đông, nhưng chưa kiểm soát được hết đã ảnh hưởng không nhỏ đến tỷ lệ sinh của tỉnh, vì vậy chưa loại trừ khả năng mức sinh tăng trở lại. Để tránh những biến động bất lợi cho việc ổn định quy mô dân số, để có được cơ cấu dân số hợp lý đòi hỏi phải duy trì mức sinh phù hợp.

PV: Bên cạnh ưu thế thì dân số Lâm Đồng còn bộc lộ những mặt hạn chế gì?

BS Cao Thị Thu Ba: Việc triển khai nâng cao chất lượng dân số của tỉnh Lâm Đồng hiện nay là: Thực hiện sàng lọc trước sinh và sàng lọc sơ sinh; không tảo hôn và kết hôn cận huyết thống ở những vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tiến đến khám sức khỏe tiền hôn nhân để có một thế hệ tương lai khỏe mạnh về thể chất, tầm vóc, tinh thần, trí tuệ …

Trong thực hiện nhiệm vụ Dân số - KHHGĐ đã được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, sự phối hợp của các ban ngành, đoàn thể các cấp, sự tham mưu tích cực của đội ngũ cán bộ làm công tác DS-KHHGĐ. Bên cạnh những thuận lợi trên cũng còn một số hạn chế nhất định: Một số cấp ủy đảng, chính quyền địa phương cơ sở chưa thật sự quan tâm chỉ đạo công tác DS - KHHGĐ, sự phối hợp các ban ngành đoàn thể chưa được thường xuyên và chưa chặt chẽ.

Tầm vóc chiến lược DS-KHHGĐ quá rộng lớn, nhưng nguồn nhân lực làm công tác DS- KHHGĐ thì lại quá ít, hiện nay tại Chi cục Dân Số - KHHGĐ tỉnh chỉ có 16 biên chế, mỗi Trung tâm DS - KHHGĐ huyện chỉ có 5 biên chế; lực lượng làm công tác DS - KHHGD còn quá mỏng và trình độ chuyên môn chưa đồng đều. Các trang thiết bị làm việc ở huyện, xã còn thiếu, nên chưa đáp ứng được nhu cầu công tác DS - KHHGD hiện nay. Chế độ bồi dưỡng cho đội ngũ CTV còn quá thấp.

Bên cạnh phát huy ưu thế của dân số Lâm Đồng, giải pháp tốt nhất là khắc phục những mặt còn hạn chế tồn tại nêu trên.

PV: Cám ơn BS!

DIỆU HIỀN (Thực hiện)