Làng đại học Lâm Đồng: Liệu có thành hiện thực?

03:07, 04/07/2012

Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hợp tác giữa Lâm Đồng và Đại học Quốc gia TP HCM  là xây dựng làng đại học tại Đà Lạt. Nhưng liệu một khu làng như thế có thành hiện thực được hay không?

Một trong những nội dung quan trọng trong chương trình hợp tác giữa Lâm Đồng và Đại học Quốc gia TP HCM  là xây dựng làng đại học tại Đà Lạt. Nhưng liệu một khu làng như thế có thành hiện thực được hay không?

Sinh viên Cao đẳng Y tế Lâm Đồng trong giờ thực hành
Sinh viên Cao đẳng Y tế Lâm Đồng trong giờ thực hành

  
Chương trình hợp tác giữa Lâm Đồng và ĐHQG TP HCM bắt đầu từ năm 2008. Trọng tâm của việc hợp tác là đào tạo nhân lực cho tỉnh, hỗ trợ nghiên cứu khoa học và hình thành một khu đô thị đại học tại Đà Lạt theo mô hình trường này đang làm tại TP HCM.

Sau hơn 3 năm, nhiều hoạt động trong chương trình đã được triển khai tại Lâm Đồng. Một trong những thành viên của Đại học Quốc gia TP HCM là Đại học Bách Khoa đã đi tiên phong trong hợp tác đào tạo với tỉnh. Cụ thể, trường này đã liên kết đào tạo sau đại học (cho 150 học viên Lâm Đồng chuyên ngành Quản trị kinh doanh và Công nghệ môi trường), mở thêm bậc đại học cho ngành Trắc địa - Địa chính tỉnh đang cần, tổ chức nhiều lớp nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ công chức của tỉnh theo chuẩn quốc tế. Trong hợp tác nghiên cứu khoa học, ĐH QG TP HCM đã phối hợp với Lâm Đồng triển khai các dự án hợp tác quốc tế nghiên cứu khoa học (điển hình là các dự án từ nguồn vốn của JICA - Nhật Bản), phối hợp xây dựng chiến lược nâng cao chất lượng và thương hiệu các sản phẩm công nghiệp cho địa phương. Về phía mình, Lâm Đồng đã đầu tư xây dựng một khu ký túc xá sinh viên trong khuôn viên làng đại học của ĐH QG TP HCM với quy mô 60 phòng, khoảng 500 chỗ ở dành cho sinh viên Lâm Đồng đang theo học tại các đại học thành viên của trường này.

Chuẩn bị cho việc xây dựng làng đại học tại Đà Lạt theo chương trình hợp tác, Lâm Đồng đã ưu tiên dành một diện tích đất khá rộng khoảng 500-600 ha tại khu vực liền kề giữa Đà Lạt và Lạc Dương. Tham vọng của tỉnh, khi hình thành, nơi đây không chỉ là một ngôi làng đại học nhỏ, biệt lập giữa núi rừng mà sẽ là một khu đô thị đại học hiện đại với đầy đủ các hạng mục như quần thể các trường đại học thành viên, các viện nghiên cứu các trung tâm đi kèm, đầy đủ cơ sở vật chất phục vụ cho hoạt động của làng… Không chỉ phục vụ cho giáo dục đại học trong nước, ngôi làng sẽ vươn tầm ra bên ngoài, là nơi thu hút sinh viên khu vực và quốc tế, là nơi lý tưởng cho các nhà nghiên cứu khoa học đến giảng dạy, làm việc. “Một thực tế Đà Lạt lâu nay đã là một trung tâm về giáo dục - nghiên cứu khoa học trong nước. Cộng với những lợi thế về khí hậu, môi trường, cảnh quan, vị trí địa lý, tiềm năng kinh tế và với mong muốn của tỉnh, Đà Lạt rất có nhiều khả năng để hình thành được một khu làng như thế" – Đồng chí Nguyễn Xuân Tiến - UVTW Đảng, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng cho biết.

Tuy nhiên, ngôi làng đại học mơ ước này cho đến nay vẫn là… ước mơ dù 2 bên, Lâm Đồng và Đại học Quốc gia TP HCM đã có những nỗ lực không ít cho tham vọng này. Vấn đề là tính khả thi của dự án và vốn ở đâu? “Đây là một thách thức rất lớn”- TS Lê Thành Long, Quyền Trưởng ban Phát triển và Quản lý dự án ĐH QG TPHCM nhận xét. Theo ông Long, nhiều tỉnh trong nước cũng có tham vọng tương tự, cũng muốn thành lập một đô thị đại học trong tỉnh để phát triển nguồn lực đưa địa phương phát triển nhưng cho đến nay, theo ông Long, chỉ mỗi TPHCM với mô hình của ĐHQG TPHCM là làm được và cũng chỉ được những phần cơ bản. Để Đà Lạt, Lâm Đồng hình thành được một làng đại học như thế, theo ông sẽ rất khó khăn, 2 bên cần có một lộ trình cụ thể, có các bước đi thích hợp.

Một phân tích của ĐHQG TPHCM cho thấy, hiện số lượng sinh viên của Lâm Đồng đang học ở 6 trường thành viên của mình là 2.270, là tỉnh có số sinh viên đông thứ 4 trong khu vực phía nam (đông nhất là TP HCM với khoảng 12 nghìn, thứ nhì là Đồng Nai với 5.000, kế đó là Bà Rịa Vũng Tàu với trên 2.000 rồi đến Lâm Đồng). Theo TS Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc ĐH QG TP HCM là lượng sinh viên Lâm Đồng theo học tại TP HCM và tại các trường thành viên của ĐHQG rất ổn định và tăng đều hằng năm. Chính vì vậy, tại khu làng ở Đà Lạt này, trước mắt ĐHQG TPHCM có thể mở một phân hiệu và luân chuyển sinh viên lên đây, không chỉ là sinh viên của Lâm Đồng mà còn là sinh viên của các tỉnh lân cận chung quanh như Ninh Thuận, Đăk Lăk, Đăk Nông… Khả thi nhất theo ông Nghĩa là ĐHQG có thể kết hợp nguồn lực của các trường của Bộ có tuyển sinh tại tỉnh để cùng hình thành nên một phân hiệu như thế.

Theo GS TS Phan Thanh Bình, Giám đốc ĐHQG TP HCM, để hình thành được một làng đại học như thế, cần rất nhiều sự góp sức từ bên ngoài: “ĐH QG TP HCM sẽ mời thêm các đại học khác trong nước về đây góp mặt, mời các nhà đầu tư từ nước ngoài vào”. Ông cho biết, trước mắt trường sẽ liên kết với các đại học, cao đẳng tại Lâm Đồng như Đại học Đà Lạt, Đại học Yersin, các viện nghiên cứu, các đại học ở Tây Nguyên và các đại học khác trong nước để cùng nghiên cứu xây dựng mô hình hợp tác đầu tư cho làng đại học Đà Lạt. Trước mắt, ông cho biết Đại học Bách Khoa sẽ mở rộng thêm cơ sở đào tạo tại Lâm Đồng và nhà trường tiếp tục vận động, huy động thêm các thành viên khác cùng tham gia mở rộng việc đào tạo tại Lâm Đồng trong các lĩnh vực kinh tế, luật, khoa học tự nhiên, khoa học xã hội…  

Viết Trọng