Người có công tự lực vươn lên trong cuộc sống

03:07, 31/07/2012

Nhắc đến bệnh binh 2/3 K’Tỏi, người dân xã Sơn Điền, huyện Di Linh không ai là không biết.

Nhắc đến bệnh binh 2/3 K’Tỏi, người dân xã Sơn Điền, huyện Di Linh không ai là không biết. Nhập ngũ tháng 2/1971, thuộc đơn vị Đoàn X12 Quân khu 6, sau khi Quân khu giải thể, ông tiếp tục công tác trong quân đội đến năm 1979 thì xuất ngũ. Trở về địa phương, ông giữ chức vụ Trưởng Công an xã, Bí thư xã, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã… Trong điều kiện tình hình kinh tế địa phương còn gặp nhiều khó khăn vì thiếu đất sản xuất, bản thân ông đã cùng với chính quyền vận động khai phá hơn 100 ha đất để trồng lúa và trên 450 ha đất trồng cà phê. Với vai trò của mình, ông luôn chấp hành và vận động bà con thực hiện tốt chủ trương của Đảng và Nhà nước.
 

Người có công tích cực làm việc, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.
Người có công tích cực làm việc, vượt khó vươn lên trong cuộc sống.

Còn thương binh 4/4 Trần Minh Đức ở thành phố Bảo Lộc không chỉ là người vượt khó vươn lên làm giàu cho chính mình mà còn là người đang tạo việc làm thường xuyên cho hơn 150 lao động địa phương với thu nhập bình quân 2 triệu đồng/tháng/người. Ông nhập ngũ năm 1972, tham gia chiến đấu ở các mặt trận Đông Nam Bộ, Campuchia. Sau khi xuất ngũ, trở về địa phương ông đã cùng gia đình tìm cách cải thiện cuộc sống. Từ một hộ nghèo, đến nay, ông trở thành chủ doanh nghiệp Hải Hoàng chuyên sản xuất chế biến song mây tại thành phố Bảo Lộc và tạo công ăn việc làm cho hàng trăm người. Không những vậy, ông còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, ủng hộ hàng chục triệu đồng cho các loại quỹ do địa phương vận động. Ông còn là hội viên Hội Cựu chiến binh gương mẫu và được tặng thưởng nhiều bằng khen, giấy khen… Rồi thương binh 3/4 Đỗ Xuân Cúc ở huyện Đạ Huoai cũng vượt khó vươn lên trong cuộc sống, tham gia cùng đồng đội đi tìm hài cốt liệt sĩ ở chiến trường xưa đưa vào an táng tại nghĩa trang liệt sĩ.

Đã từng chiến đấu và công tác ở Tiểu đoàn 502 Đồng Tháp, đơn vị anh hùng, trong một trận chiến đấu, ông bị mất một chân và mảnh đạn xé nát bắp tay trái khi vừa tròn 20 tuổi. Vượt qua những đau thương, mất mát về thể xác, sau giải phóng ông tiếp tục học tập và tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội. Trở về ông tham gia công tác và giữ nhiều chức vụ khác nhau trong Đảng, chính quyền tại địa phương. Ông còn đóng góp 26 triệu đồng và vận động bà con đóng góp hơn 100 triệu đồng, hiến gần 300 m2 đất để mở đường liên thôn. Các con của ông đều đã tốt nghiệp đại học và thành đạt ở nhiều cương vị khác nhau như giám đốc doanh nghiệp, bác sĩ… Ông còn đưa ra ý tưởng hội khuyến học xã đóng góp cà phê để giúp đỡ các gia đình trong hội xây dựng nhà cửa và được hội viên đồng tình ủng hộ. Hàng năm, hội đã đóng góp 1,5 tấn cà phê giúp 3 hộ khó khăn nhất trong hội làm nhà; đến nay, đã có 18 hộ xây được nhà ở khang trang. Với tinh thần hiếu học của gia đình, 4 người con của ông đều tốt nghiệp đại học, cao đẳng và thành đạt trong công tác.

Đó chỉ là những tấm gương tiêu biểu trong hàng vạn đối tượng người có công vượt khó vươn lên trong cuộc sống. Đặc biệt, họ không chỉ biết làm giàu cho bản thân mà còn sẵn sàng giúp đỡ đồng chí, đồng đội và bà con nghèo vượt khó vươn lên.  

HÀ LINH