Nhìn lại 8 năm đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai

03:07, 10/07/2012

Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác quản lý đất đai ở Lâm Đồng dần đi vào nề nếp...

Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết TW 7 (khóa IX) về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”, công tác quản lý đất đai ở Lâm Đồng dần đi vào nề nếp. Việc quản lý và thực hiện quy hoạch đất đảm bảo quy trình, cơ cấu sử dụng đất được chuyển đổi sử dụng hợp lý hơn. Theo đó, diện tích đất dành cho phát triển công nghiệp, dịch vụ, xây dựng kết cấu hạ tầng, xây dựng đô thị tăng nhanh, góp phần tích cực vào phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương theo hướng bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, môi trường và đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng đất trong nhân dân.

Đất nông nghiệp được đưa vào sử dụng hợp lý, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích
Đất nông nghiệp được đưa vào sử dụng hợp lý, góp phần nâng cao hiệu quả kinh tế trên cùng một đơn vị diện tích


Ngay sau khi có Nghị quyết số 26-NQ/TW ngày 12/3/2003, Luật Đất đai năm 2003, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành 5 chỉ thị, 91 quyết định và 4 nghị quyết về lĩnh vực đất đai để chỉ đạo thực hiện. Các văn bản quy định, chỉ đạo trên đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc nảy sinh trong quá trình quản lý, sử dụng đất đai, góp phần phát huy tốt nguồn lực đất đai, đưa công tác quản lý đất đai trong tỉnh dần đi vào nề nếp. Lâm Đồng hiện có tổng diện tích đất tự nhiên hơn 997 ngàn ha, trong đó nhóm đất nông nghiệp trên 901 ngàn ha, chiếm 92,13%; đất phi nông nghiệp trên 53 ngàn ha, chiếm 5,44%; nhóm đất chưa sử dụng trên 23,7 ngàn ha, chiếm 2,43% so với diện tích đất tự nhiên trong toàn tỉnh. Qua 8 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7, toàn bộ diện tích đất trên địa bàn đã được đưa vào quản lý, sử dụng hợp lý; diện đích đất còn lại chưa sử dụng (khoảng 23 ngàn ha) chủ yếu là đất đồi núi do các đơn vị chủ rừng quản lý, sẽ được tiếp tục đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Việc tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa tại Lâm Đồng trong những năm qua được xem là tiền đề quan trọng trong công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, công tác đăng ký quyền sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại địa phương, tạo cơ sở bước đầu cho việc quản lý nhà nước về đất đai và sử dụng đất đai có hiệu quả hơn. Nhiều địa phương đã quan tâm tới việc triển khai thực hiện công tác đánh giá, phân hạng đất nông nghiệp, đăng ký quyền sử dụng đất; cơ bản đã hoàn thành việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho người dân. Công tác quy hoạch sử dụng đất giai đoạn 2001-2010 đã được thực hiện ở cả 3 cấp hành chính: cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã và đã được tỉnh phê duyệt năm 2011, đến nay đã đạt được những kết quả quan trọng. Và, với trên 900 ngàn ha đất nông nghiệp là một trong những nhóm đất chiếm tỷ lệ khá cao (92,13%) trong tổng diện tích đất tự nhiên ở Lâm Đồng. Mặc dù phải chuyển đổi một phần diện tích đất nông nghiệp để phát triển đô thị, các khu dân cư, khu, cụm công nghiệp tập trung và xây dựng kết cấu hạ tầng..., nhưng những chính sách hợp lý trong khuyến khích khai hoang cải tạo đất chưa sử dụng, mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp, bảo vệ và phát triển rừng của tỉnh nên diện tích đất nông nghiệp đã tăng lên. Đồng thời việc giao đất theo Nghị định 64 của Chính phủ cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng kết hợp với các chính sách đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thâm canh tăng vụ đã góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đất nông nghiệp. Nhờ quan tâm thực hiện chuyển đổi trong nội bộ đất nông nghiệp được thực hiện theo hướng chuyên canh nên Lâm Đồng đã xây dựng được các vùng chuyên sản xuất các loại cây đặc trung như: rau hoa tại Đà Lạt, Lạc Dương, Đức Trọng, Đơn Dương; chè, cà phê tại Bảo Lâm, Bảo Lộc, Di Linh; điều tại Đạ Huoai, Đạ Tẻh... Đối với đất phi nông nghiệp, đến nay Lâm Đồng đã triển khai 89 quy hoạch phân lô, dự án khu dân cư, khu đô thị với tổng diện tích trên 1.773 ha. Các dự án triển khai đầu tư đã hình thành nên các khu dân cư mới, hiện đại, đồng bộ về hạ tầng cơ sở. Nguồn lực từ đất được phát huy tốt nên việc đấu giá giao quyền sử dụng đất, cho thuê đất hàng năm đã đóng góp vào cho ngân sách tỉnh hàng trăm tỷ đồng. Việc thực hiện tốt chính sách về đất đai cũng làm cho thị trường bất động sản của tỉnh khá ổn định. Riêng đối với quỹ đất chưa sử dụng, cũng đã được các ngành, các cấp trong tỉnh chú trọng quan tâm khai thác đưa vào sử dụng khoảng 56 ngàn ha, đạt trên 90% kế hoạch. Số diện tích đất chưa sử dụng còn lại khoảng 23 ngàn ha đang được tỉnh chỉ đạo đưa vào sử dụng trong thời gian tới.

Qua 8 năm triển khai thực hiện, chính sách pháp luật về đất đai theo chủ trương đổi mới của Đảng, nghị quyết đã từng bước đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế phát triển, góp phần giữ vững an ninh chính trị xã hội tại địa phương. Hiệu quả sử dụng các loại đất được nâng cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp đã được mở rộng, tạo động lực thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững. Quỹ đất chưa sử dụng được đưa vào khai thác sử dụng ngày càng nhiều, tình trạng để đất hoang hóa lãng phí đất từng bước được hạn chế khắc phục so với những năm trước đây.

Hồng Hải